Thế giới đón chào năm mới 2012 - Nỗ lực gắn kết

Rực rỡ đón năm mới
Thế giới đón chào năm mới 2012 - Nỗ lực gắn kết

Những màn bắn pháo hoa đặc sắc, lễ hội tưng bừng, cầu truyền hình trực tiếp quy mô, buổi tối sum họp đầm ấm và lời chúc mừng năm mới tốt lành... là cách người dân toàn thế giới tiễn đưa năm cũ, đón chào năm mới 2012. Khó khăn, thách thức trong thời đại toàn cầu hóa vẫn là câu chuyện được nhắc đến. Nhưng trên hết, trong khoảnh khắc  giao thừa, người dân khắp nơi vẫn giữ được tinh thần lạc quan, tiếp tục nỗ lực hướng tới tương lai.

Nghệ nhân Ấn Độ Harwinder Singh Gill giới thiệu tác phẩm ghép từ quốc kỳ của 250 quốc gia và tổ chức quốc tế với câu “Chúc mừng năm mới”. Ảnh: AFP

Nghệ nhân Ấn Độ Harwinder Singh Gill giới thiệu tác phẩm ghép từ quốc kỳ của 250 quốc gia và tổ chức quốc tế với câu “Chúc mừng năm mới”. Ảnh: AFP

Rực rỡ đón năm mới

Năm 2012 là năm quan trọng với người Anh, đặc biệt là London, sân nhà của Thế vận hội Olympic 2012. Ước tính, khoảng 250.000 người sẽ tụ về hai bên bờ sông Thames để xem pháo hoa chiếu sáng, hòa cùng tiếng chuông quen thuộc phát ra từ tháp đồng hồ Big Ben. Tại kinh đô ánh sáng Paris (Pháp), hàng chục ngàn người tập trung về để chiêm ngưỡng vẻ đẹp rực rỡ của đại lộ Champs Elysees với màn trình diễn Saint-Sylvestre (Bữa tiệc và dạ vũ). Pháo hoa chiếu sáng khắp thủ đô Stockholm của Thụy Điển. Tại Amsterdam, thủ đô của Hà Lan, mọi người đổ về khu trung tâm để chứng kiến nụ hôn của cặp đôi bong bóng khổng lồ được tạo hình là đôi thanh niên trong trang phục truyền thống của người Hà Lan. Khi kim đồng hồ điểm đúng khoảnh khắc giao thừa, cặp đôi này sẽ trao nụ hôn có một không hai cùng lúc bắt đầu màn bắn pháo hoa.

Có lẽ, sự kiện tiễn đưa năm cũ được nhắc đến nhiều nhất và được nhiều người theo dõi nhất (hơn 1 tỷ người trên thế giới theo dõi truyền hình trực tiếp) là tại Quảng trường Thời đại ở thành phố New York (Mỹ). Ước tính, 1 triệu người sẽ phải chen chúc tìm chỗ đứng để chờ đến lúc “Quả cầu của đêm giao thừa” (New Year’s Eve Ball) rực rỡ sắc màu được từ từ hạ xuống từ đỉnh chiếc cột của tòa nhà One Times Square. Lady Gaga được vinh dự cùng Thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg ấn nút trên quả cầu để đếm ngược 1 phút đến thời khắc 0 giờ ngày 1-1-2012. Ngay sau đó là màn trình diễn nghệ thuật của những tên tuổi lớn trong làng giải trí Mỹ. Cùng lúc ấy là màn tung 1 tấn hoa giấy từ các tòa nhà trên Quảng trường Thời đại.

Hãy tin tưởng và ước mơ

Đúng 17 giờ ngày 31-12 (giờ Việt Nam), người dân ở đảo quốc Samoa đã trở thành quốc gia bước sang năm 2012 sớm nhất thế giới. Các bài hát mừng, lời cầu nguyện và diễn văn của Thủ tướng Tuilaepa Sailele Malielegaoi vào giờ cuối cùng của ngày 29-12 đã đưa Samoa tiến thẳng đến ngày 31-12, “nhảy” qua Đường đổi ngày quốc tế, chuyển sang múi giờ phía Tây sau hơn 100 năm nằm ở múi giờ phía Đông. Sự kiện này được người dân Samoa vui mừng ủng hộ vì sẽ tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác giữa đảo quốc này với các quốc gia thuộc châu Đại Dương. Phần lớn giao thương của Samoa được thực hiện với Australia và New Zealand, nơi đón năm mới sớm nhất hành tinh. Đảo quốc láng giềng Tokelau và Kiribati cũng được ghi nhận là nơi đón năm mới cùng thời điểm với Samoa.

Theo AP, từ sáng sớm cuối năm, người dân Australia đã đổ dồn về cầu cảng Sydney để “giữ chỗ”, chờ chiêm ngưỡng pháo hoa lộng lẫy đêm giao thừa. 1,5 triệu người đã có mặt ở cầu cảng Sydney để thưởng thức đêm pháo hoa có tên “Time to dream” (Thời khắc để ước mơ). Từng đợt pháo hoa hình đám mây màu bạc bừng lên, xen kẽ những vệt pháo được tạo hình cầu vồng trên bầu trời Sydney mang theo niềm hy vọng mà người dân Sydney gửi gắm. Theo Aneurin Coffey, Tổng đạo diễn các lễ hội đón năm mới ở Sydney, thông điệp xuyên suốt của các sự kiện chào đón năm 2012 được chuyển đến người dân Australia là hãy khép lại năm 2011 có quá nhiều khó khăn, giữ vững niềm tin để bước tiếp đến tương lai.

Pháo hoa rực rỡ trong đêm giao thừa ở cầu cảng Sydney, Australia.

Pháo hoa rực rỡ trong đêm giao thừa ở cầu cảng Sydney, Australia.

Năm để sẻ chia

Công dân Sandra Cameron (68 tuổi) ở bang Queensland, Australia, người mất gần như tất cả khi bão Yasi tấn công vùng Đông Bắc Australia tháng 2-2011 cho biết: “Những trải nghiệm trong năm 2011 là quá đủ. Tôi hy vọng năm sau sẽ là một năm tốt đẹp”. Kouichi Takayama, sinh viên ở Nhật Bản cho biết: “Những biến cố trong năm 2011 giúp tôi hiểu được giá trị đích thực của cuộc sống. Tôi hiểu được sự quan trọng của những mối quan hệ trong gia đình, xã hội. Hy vọng trong năm 2012, tôi sẽ làm được nhiều việc, kết nối được với nhiều người để làm những việc có ích cho cộng đồng”.

Hàng trăm người sống trong các trại tị nạn ở Philippines do bị ảnh hưởng của cơn bão Washi tháng trước cũng có cùng tâm trạng. Theo báo cáo của LHQ, thế giới có hơn 100 triệu người vô gia cư, gần 2 tỷ người sống trong những căn hộ tồi tàn. Khi điều kiện sống ngày càng trở nên khắc nghiệt, điều mà mỗi người có thể làm là tích cực chia sẻ, nối rộng vòng tay yêu thương để cuộc sống thêm ý nghĩa và tốt đẹp.

Trẻ em Trung Quốc hân hoan đón năm 2012.

Trẻ em Trung Quốc hân hoan đón năm 2012.

Như Quỳnh

Tin cùng chuyên mục