Thế giới không vũ khí hạt nhân - vẫn còn quá xa

Không phải ngẫu nhiên tổ chức Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2017 mà là do việc thế giới đang lo ngại cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân khi Triều Tiên thực hiện nhiều vụ thử nghiệm hạt nhân hay khả năng Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.
Tổ chức Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2017
Tổ chức Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2017
 Hơn nữa, Tổng thống Nga V.Putin cho biết Nga sẵn sàng phát triển vũ khí hạt nhân và phi hạt nhân thế hệ mới nếu các nước không ngừng chạy đua vũ trang hạt nhân.

Cứu thỏa thuận hạt nhân Iran

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tái khẳng định cam kết đầy đủ của khối đối với việc thực thi thỏa thuận được Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) ký năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), đồng thời bày tỏ hy vọng Quốc hội Mỹ sẽ tiếp tục duy trì thỏa thuận này, bất chấp những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong 60 ngày tới, Quốc hội Mỹ sẽ quyết định có áp đặt trở lại các biện pháp cấm vận vốn đã được dỡ bỏ để đổi lại việc Iran hạn chế hoạt động làm giàu hạt nhân hay không. 

Các đồng minh của Mỹ cũng như Nga và nhiều tổ chức quốc tế đã lên tiếng cảnh báo về những ảnh hưởng tiêu cực nếu Washington hủy bỏ JCPOA hoặc áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt đã được gỡ bỏ. 

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi cảnh báo một cuộc chạy đua hạt nhân mới và cuộc cạnh tranh mới nhằm hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân đang bắt đầu.  Cảnh báo trên đã được quan chức ngoại giao Iran đưa ra tại cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hiệp quốc (LHQ) nhân Ngày Quốc tế xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân hôm 26-9, đồng thời kêu gọi “trách nhiệm pháp lý, chính trị và đạo đức” trong vấn đề này.

Trách nhiệm của các nước lớn

Nam Phi ngày 19-10 kêu gọi tất cả các nước thành viên LHQ ký và phê chuẩn Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân. Đây là thỏa thuận quốc tế có ràng buộc pháp lý đầu tiên nhằm cấm hoàn toàn vũ khí hạt nhân, với mục tiêu hướng tới việc loại bỏ hoàn toàn loại vũ khí này. Văn kiện này đã được 122 thành viên LHQ thông qua hồi tháng 7, song bị đánh giá là mang tính biểu tượng là chính bởi không có sự tham gia của 9 cường quốc hạt nhân. Nam Phi là quốc gia duy nhất trên thế giới phá hủy các vũ khí hạt nhân đã chế tạo. Nước này đã ký kết Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NTP) năm 1991 và đã ký kết Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân hồi tháng trước.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bác bỏ thông tin của đài NBC về việc ông muốn mở rộng kho vũ khí hạt nhân của nước này lên gần 10 lần so với con số hiện tại. Ông chủ Nhà Trắng cho biết chỉ thảo luận về việc đảm bảo kho vũ khí hạt nhân của Mỹ được cất giữ “trong điều kiện hoàn hảo, trạng thái thích hợp”. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nhấn mạnh mong muốn “hiện đại hóa” và “phục hồi hoàn toàn” kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, tính tới đầu năm nay, Mỹ đã phân bổ 1.800 đầu đạn hạt nhân cho các lực lượng vũ trang, trong khi con số này của Nga là 1.950, Pháp là 280 và Anh là 120.  

Về phía Nga, ngày 19-10, phát biểu tại phiên họp toàn thể của Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai ở Sochi, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng nếu Mỹ rút khỏi hiệp ước về vũ khí hạt nhân tầm trung thì Moscow cũng sẽ làm như vậy. Ông Putin nói bản thân tin tưởng rằng giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu là một khả năng thực sự và Nga “mong muốn và sẽ phấn đấu để đạt được điều đó”. Tuy nhiên, ông Putin lưu ý rằng Nga sẵn sàng phát triển các hệ thống vũ khí mới, cả hạt nhân và phi hạt nhân, để đáp trả lại các nước khác làm như vậy.

Tin cùng chuyên mục