
Giới khai thác uranium trên thế giới nay bắt đầu quay lại hoạt động thăm dò uranium sau khi đã bỏ bẵng đi từ những năm 20 của thế kỷ trước, khi diễn ra thời kỳ “mùa đông hạt nhân” kéo theo tai nạn Three mile Island (1979) ở Mỹ và thảm họa Tchernobyl (1986) ở Liên Xô cũ. Khắp nơi, từ Australia đến Namibia, từ Kazakhstan sang Mông Cổ, qua Canada… người người đổ đi tìm thứ quặng quý giá này với nỗi ám ảnh thường trực: để thúc đẩy việc xây dựng các nhà máy phản ứng hạt nhân, cần phải đảm bảo đủ nguồn cung cấp nhiên liệu.
Nhu cầu có thật
Uranium lấy từ các mỏ chỉ đủ cho quá nửa lượng cung cấp cho các nhà máy điện. 45% số còn lại đến từ sự chuyển đổi các cơ sở dự trữ của quân đội Nga, Mỹ và các kho dự trữ mà các công ty điện lớn tích trữ được. Tuy vậy, một lượng đáng kể đang ngày càng bị hao mòn dần. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhận định “các nguồn tài nguyên uranium không phải là trở ngại cho việc phát triển các khả năng hạt nhân mới. Nguồn dự trữ cho thấy đủ để đáp ứng nhu cầu cho đến khoảng năm 2030, kể cả khi tính đến giả thiết gần như tăng gấp đôi số nhà máy hạt nhân hiện nay (443 nhà máy trên thế giới)”.

Một mỏ uranium ở Australia.
Cứ 2 năm/lần, Cơ quan năng lượng hạt nhân (NEA) thuộc Cơ quan Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) lại công bố báo cáo thống kê toàn cầu và là bản duy nhất trên thế giới. Trong bản thống kê mới nhất (Uranium 2007), NEA đánh giá các nguồn tài nguyên trên toàn cầu có thể khai thác hiện là 5,5 triệu tấn.
Hiện có khoảng 10 triệu tấn cần được khai thác tại các vùng mà các nhà địa chất đã xác định có thể là mỏ uranium. Các chuyên gia cho rằng cần phải so sánh con số 5,5 triệu tấn với mức tiêu thụ hàng năm của các nhà máy (khoảng 70.000 tấn). Nếu làm phép so sánh như vậy sẽ thấy tài nguyên có thể khai thác được trên toàn thế giới cũng chỉ đủ cho khoảng 40 năm. Ở đâu đó, hàng triệu tấn đang bị khuất trong các tầng địa chất hay hàng tỷ tấn lẫn trong nước đại dương cũng có là nguồn tài nguyên quý để khai thác. Nói là vậy, nhưng trở ngại về kỹ thuật và tài chính cũng đáng tính đến.
Ngoài việc giá thành xây dựng các lò phản ứng, việc quản lý chất thải hay nguy cơ tai nạn, leo thang quân sự dẫn đến khan hiếm nguồn tài nguyên cũng đủ gây ra các mối lo ngại khiến người ta có đủ lý do để tuyên bố ngừng hoạt động điện hạt nhân.
Yves Cochet, thành viên đảng Xanh ở Pháp và là chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng “lý thuyết “đỉnh” của việc sản xuất năng lượng không tái sinh cần tới uranium như đối với dầu hay khí gaz. Chúng ta đã có uranium từ 2, 3 thập kỷ nay và chính vì vậy, không phải điều lớn lao gì khi người ta mở rộng sản xuất hạt nhân hàng loạt”. Hơn nữa, cho đến giờ, người ta mới chỉ khai thác các mỏ dễ thấy.
Gian nan chuyện khai thác
Các chuyên gia đều cho rằng với công nghệ hiện nay, việc xác định được các mỏ uranium là khá dễ dàng. Nhưng để khai thác được là cả một vấn đề vì có rất nhiều khu vực điều kiện khí hậu khắc nghiệt như vùng Viễn đông của Nga, khu vực cận Bắc cực của Canada, một số quốc gia châu Phi, Trung Á, hạ lưu Amazone ở Brazil... Nếu việc nối lại hoạt động thăm dò đã thành công thì việc khai thác mỏ diễn ra khó khăn và chậm hơn nhiều. Chi phí để phát triển thường tăng rất cao, nhất là để mở lại các mỏ đã đóng cửa từ nhiều thập kỷ nay. Rồi việc đào tạo chuyên môn cho đội ngũ khai thác (địa chất, thợ khoan) cũng phức tạp hơn so với các thợ mỏ thông thường do tính chất độc hại của chất uranium.
Cuộc chạy đua cạnh tranh để được khai thác mỏ cũng ngày càng khốc liệt. Thời kỳ mà các công ty phương Tây độc chiếm 100% quyền khai thác đã qua. Các nước sản xuất có quyền đồng ý với bất kỳ ai trả giá tốt nhất cho nguồn tài nguyên của mình. Công ty Areva của Pháp hồi năm 2007 đã mất lợi thế độc quyền ở Niger và phải mất 1 năm sau mới có lại được giấy phép khai thác ở Imouraren, mỏ lớn thứ 2 trên thế giới, “thắng lớn” trước Canada và Trung Quốc, 2 nước cũng đang quyết liệt theo đuổi.
Thực tế, ngày càng có nhiều công ty muốn chen chân vào thị trường này. Đó là các tập đoàn đa năng (thăm dò, khai thác mỏ quặng, chế biến nhiên liệu, xây nhà máy, lò phản ứng, xử lý) như Areva; các công ty xây lò phản ứng (Toshiba-Westinghouse); các công ty mỏ truyền thống (BHP Billiton, Rio Tinto); các tập đoàn sản xuất điện muốn đảm bảo nguồn cung dài hạn.
Giá uranium vì thế cũng tăng nhanh có khi lên tới 130 USD/0,5kg trong năm 2006-2007, kéo theo nhiều công ty nhỏ khai thác uranium ra đời ồ ạt, có lúc người ta thống kê được hơn 700 công ty. Tuy nhiên, khi giá uranium rớt xuống còn 50 USD/0,5kg thì số công ty này cũng lần lượt biến mất.
Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay cũng khiến nhiều dự án phải hoãn lại, mặc dù vậy, các nhà hoạt động trong lĩnh vực nguyên tử vẫn rất lạc quan cho rằng năng lượng hạt nhân và uranium có một tương lai rất… xán lạn.
Việt Khuê (Theo Le Monde)