Năm 2012 khép lại với nhiều sự kiện quan trọng ảnh hưởng đến kinh tế chính trị thế giới. Các cuộc xung đột sắc tộc, nội chiến và nguy cơ chiến tranh giữa các nước vẫn hiện diện thường trực. Bên cạnh đó là bức tranh ảm đạm về kinh tế toàn cầu cũng như hậu quả của thiên tai. Vì vậy, năm mới 2013 hòa bình hơn, yên ổn hơn và kinh tế sáng hơn là mong đợi của nhiều dân tộc trên thế giới.
Rộn ràng lễ hội từ Sydney đến New York
Do chênh lệch múi giờ, khu vực Tây Thái Bình Dương luôn là nơi đón chào năm mới sớm nhất và thành phố lớn của thế giới đón giao thừa sớm nhất không đâu khác là Sydney, Australia. Theo AFP, thành phố cảng nổi tiếng của Australia chào năm mới với màn bắn pháo hoa rực rỡ trị giá 6,6 triệu AUD (6,9 triệu USD), ngôi sao nhạc pop Kylie Minogue chịu trách nhiệm về ánh sáng và âm thanh.
Thị trưởng thành phố Sydney Clover Moore cho biết đêm giao thừa năm mới tại Sydney có hơn 1 tỷ người theo dõi trực tiếp qua màn ảnh. Ước tính có hơn 1,5 triệu người có mặt tại nơi bắn pháp hoa và dự tiệc chào đón năm mới.
Tại London (Anh), pháo hoa rực sáng trên sông Thame, tương tự là Quảng trường Đỏ và điện Kremlin ở Mátxcơva (Nga), cảng Victoria của Hồng Công (Trung Quốc), cũng như các trung tâm Kuala Lumpur của Malaysia, Stockholm (Thụy Điển), Amsterdam (Hà Lan)…
Tại New York (Mỹ), nửa đêm sẽ có lễ hội thả bóng truyền thống năm mới tại Quảng trường Thời Đại. Tại Rio de Janeiro, Brazil, các nhà chức trách tổ chức buổi lễ bắn pháo hoa dài 16 phút gần bãi biển Copacabana. Một bữa tiệc khổng lồ và lễ hội pháp hoa cũng sẽ diễn ra tại Cổng Brandenburg ở Berlin, Đức.
Không muốn thua kém các thành phố lớn khác trên thế giới, các tiểu vương quốc Arập thống nhất không ngại chi tiêu cho lễ hội tại thành phố Dubai bằng một buổi dạ tiệc xa hoa ở Burj Khalifa, tòa nhà cao nhất thế giới. Pháo hoa “nhấn chìm” tòa tháp kèm theo màn trình diễn sôi động của dàn nhạc giao hưởng Praha.
Đặc biệt, tại Yangoon, Myanmar, năm nay lần đầu tiên khoảng 50.000 người đổ xô đến chùa vàng Shwedagon để đếm ngược vào thời điểm giao thừa - một bằng chứng khẳng định chính sách mở cửa và hội nhập của Myanmar.
Thành phố Seoul đón chào năm 2013 với nghi lễ rung chuông đồng có từ thế kỷ 15. Ở những nơi khác trong thủ đô của Hàn Quốc cũng sẽ có pháo hoa cùng điệu nhảy Gangnam style của Psy trong khi tác giả điệu nhảy này biểu diễn ở New York.
Theo NHK, hàng triệu người đến thăm các đền thờ ở Nhật Bản để thưởng thức mì soba và xem nhiều tiết mục trình diễn chào đón năm mới 2013. Ước tính, có khoảng 40% khán giả truyền hình của Nhật Bản xem các chương trình chào mừng năm mới 2013.
Những nơi lễ hội năm mới không về
Trái với khung cảnh nhộn nhịp ở nhiều nơi trên thế giới, những người sống sót sau trận bão Bopha ở miền Nam Philippines cầu mong lương thực, việc làm và nhà ở sẽ là những vấn đề được ưu tiên giải quyết trong năm mới. Theo hãng tin AP, anh Jose Manuo, một cư dân miền Nam Philippines, mong ước đơn giản là trong năm 2013 bão sẽ ít “ghé thăm” Philippines hơn.
Điểm chung của người dân sống ở các nước đang đối mặt với khủng hoảng tài chính, chiến tranh là đều mong muốn những khó khăn sẽ chấm dứt để họ có cuộc sống ổn định. Trong không khí lễ hội năm mới tại châu Âu, người ta vẫn có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh hàng trăm người xếp hàng chờ nhận thực phẩm cứu trợ hay những người vô gia cư tìm nơi trú lạnh.
Những người này ngày càng nhiều do nền kinh tế đang xuống dốc. Anh Manuel Rosano, công dân Tây Ban Nha bày tỏ hy vọng trong năm 2013, Tây Ban Nha sẽ sớm thoát khỏi khó khăn tài chính, không sa vào con đường của Hy Lạp.
Tại Berlin, không khí tưng bừng đón chào năm 2013 vẫn không thể lấp đi sự lo lắng của người dân ở đây khi mà họ trở thành những người gánh vác chính cho các gói cứu trợ các nước khủng hoảng nợ. Chị Lydia Groves, công nhân phục vụ tàu điện ngầm, nói: “Chúng tôi mong muốn năm 2013, khủng hoảng nợ công giảm để chúng tôi nhẹ gánh tiền thuế”.
Người dân Syria trong năm 2012 chứng kiến cảnh “huynh đệ tương tàn” khi cuộc nội chiến kéo dài và ngày càng khốc liệt. Cũng như hàng triệu gia đình Syria bỏ nhà lánh nạn, gia đình anh Al- Faraq Nadil, đang tỵ nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ mong đợi trong năm 2013, cuộc chiến ở Syria sẽ kết thúc và gia đình anh được trở về nước.
Tiến trình đấu tranh giành độc lập của người dân Palestine trong năm 2012 đã đạt thắng lợi quan trọng khi Palestine được Đại hội đồng LHQ công nhận là quan sát viên phi thành viên. Như nhiều người dân Palestine khác ở khu Bờ Tây và dải Gaza, anh Namir Harah cho biết anh tin tưởng trong năm 2013, Palestine sẽ tiến thêm nhiều bước quan trọng trên con đường hình thành nhà nước Palestine hoàn toàn độc lập với thủ đô là Đông Jerusalem.
KHÁNH MINH (tổng hợp)