Thế giới ngày càng dễ bị tổn thương

“50 năm trở lại đây, chưa bao giờ thế giới dễ bị tổn thương như lúc này”. Đó là lời cảnh báo từ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thể hiện trong báo cáo Những rủi ro toàn cầu 2011 (ấn bản thứ 6) vừa được công bố trước thềm Hội nghị thường niên WEF khai mạc vào ngày 26-1 tại Davos, Thụy Sĩ.
Thế giới ngày càng dễ bị tổn thương

“50 năm trở lại đây, chưa bao giờ thế giới dễ bị tổn thương như lúc này”. Đó là lời cảnh báo từ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thể hiện trong báo cáo Những rủi ro toàn cầu 2011 (ấn bản thứ 6) vừa được công bố trước thềm Hội nghị thường niên WEF khai mạc vào ngày 26-1 tại Davos, Thụy Sĩ.

  • Không thể đứng ngoài

Báo cáo của WEF đã liệt kê chi tiết những bất ổn hiện hữu và những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe nền kinh tế - xã hội mà không quốc gia nào có thể đứng ngoài. Bao trùm lên tất cả là 3 nhóm lớn: Tội phạm có tổ chức, tham nhũng và tính bấp bênh của các quốc gia; nguy cơ liên quan tới nguồn nước, lương thực và năng lượng; các nguy cơ gây bất ổn đối với kinh tế vĩ mô của thế giới.

Cụ thể, kinh doanh bất hợp pháp đã gây thiệt hại 1.300 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu năm 2009. Riêng vì nạn cướp biển, nền kinh tế toàn cầu mỗi năm chịu thiệt hại 10 tỷ USD, trong đó Somalia là thủ phạm gây ra 95% số thiệt hại trên.

Ngoài ra, có thể kể đến điểm nóng tội phạm buôn bán ma túy, vũ khí ở Mexico. Năm 2010, hơn 15.000 người đã chết do những vụ thanh trừ đẫm máu ở Mexico. Về nạn tham nhũng, khảo sát gần đây của Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International) cho thấy 56% người được chọn ngẫu nhiên để phỏng vấn ở nhiều quốc gia đều thừa nhận họ dễ dàng chấp nhận thực hiện hành vi tham nhũng hơn. Theo khảo sát này, nạn tham nhũng hoành hành dữ dội nhất là ở châu Phi.

Khủng hoảng nợ châu Âu vẫn được coi là tâm điểm của bất ổn kinh tế thế giới. Trong khi đó tại châu Á, biểu tượng tăng trưởng Trung Quốc, vốn được kỳ vọng sẽ là đất nước kéo kinh tế toàn cầu nhanh chóng thoát khỏi suy thoái, cũng đang gặp nhiều khó khăn. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) ngày 14-1 đã ra thông báo yêu cầu các ngân hàng tại nước này tăng tỷ lệ dự trữ (19% tài khoản tiền gửi đối với các ngân hàng lớn, 15,5% với các ngân hàng nhỏ).

Đây là lần đầu tiên trong năm 2011, nhưng là lần thứ 7 PBOC yêu cầu tăng tỷ lệ dự trữ kể từ năm 2010 đến nay vì lo ngại tỷ lệ lạm phát gia tăng.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chính sách thắt chặt tiền tệ của Trung Quốc tất sẽ dẫn đến sự sụt giảm tiêu thụ các loại hàng hóa cơ bản như kim loại và dầu thô trong thời gian tới. “Chiến tranh thương mại” hay “chiến tranh tiền tệ” là những cụm từ được nhắc đến phổ biến trong năm vừa qua.

Người dân Haiti chờ thế giới ứng cứu trong khi nhân loại đang loay hoay với khủng hoảng mọi mặt. Ảnh: AFP

Người dân Haiti chờ thế giới ứng cứu trong khi nhân loại đang loay hoay với khủng hoảng mọi mặt. Ảnh: AFP

Sự bùng nổ về giá nguyên liệu được các chuyên gia của WEF đánh giá là vấn đề nhạy cảm nhất. Giá dầu lửa đã vượt qua ngưỡng 100 USD/thùng và giá nông sản tiếp tục leo thang. Năm 2010 chứng kiến hàng loạt thảm họa thiên tai xuất hiện khắp nơi, từ những nước nghèo khó (động đất lịch sử ở Haiti) đến những quốc gia là vựa lúa mì của thế giới: cháy rừng nghiêm trọng ở Nga, lũ lụt nhấn chìm khu vực rộng lớn của Australia.

Theo đánh giá của WEF, đây là những màn khởi đầu cho viễn cảnh đáng lo ngại về nhu cầu nước, lương thực và năng lượng trên thế giới sẽ tăng khoảng 30%-50% trong 2 thập kỷ tới.

  • Khó khăn chồng chất

Trong khi WEF khẳng định rằng các quốc gia trên thế giới vẫn còn loay hoay, chưa sẵn sàng đối phó với những vấn đề trên thì những vấn đề nảy sinh tiếp tục làm đau đầu các nước. Trước tiên là lỗ hổng an ninh mạng đe dọa dẫn đến một cuộc chiến mà nếu diễn ra sẽ gây hiểm họa khôn lường, nhất là trong bối cảnh chỉ vài nước rục rịch thành lập những rào chắn bảo vệ.

Thứ hai, đó là vấn đề dân số tăng mạnh ở nhiều quốc gia, đặc biệt đáng ngại ở những quốc gia kém phát triển khiến chất lượng cuộc sống của người dân giảm đáng kể. Dù mâu thuẫn liên quan đến vũ khí hạt nhân - sinh học khiến mối quan hệ các quốc gia ngày càng căng thẳng thì cuộc đua củng cố sức mạnh của các nước trong lĩnh vực gây tranh cãi trên vẫn được tập trung cao độ.

Khủng hoảng về mọi mặt đang bao trùm thế giới. Tập trung bảo vệ lợi ích của riêng quốc gia mình trong bối cảnh hiện nay có lẽ đã lỗi thời. Điều cần thiết nhất trong thời đại này là các nước cần sáng suốt hợp tác, tìm giải pháp chung phù hợp với nhu cầu của toàn nhân loại

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục