Thời khắc cuối cùng của năm 2013 đã qua, cả thế giới bước vào năm mới 2014 với hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn.
Châu Á rực sáng pháo hoa
Theo hãng tin AFP, là một trong những thành phố đầu tiên trên thế giới bước qua thời khắc giao thừa sớm nhất, thành phố Sydney của Australia mang đến một đại tiệc pháo hoa, âm thanh và ánh sáng nghệ thuật tại khu vực cầu cảng Sydney ngay sau khi kết thúc việc đếm ngược tới thời khắc giao thừa, Ước tính năm nay có hơn 1,6 triệu du khách và hơn một tỷ người trên thế giới xem pháo hoa tại Australia qua truyền hình. Với chủ đề “Ánh sáng”, khoảng 7 tấn pháo hoa được bắn tại các địa điểm xung quanh cầu cảng Sydney và nhà hát Opera Sydney. Kinh phí của đợt bắn pháo hoa là 5,4 triệu USD. Ngoài pháo hoa, khán giả còn được thưởng thức màn nhào lộn trên không. Hơn 3.000 cảnh sát làm nhiệm vụ canh gác và giữ gìn an ninh trên toàn bang New South Wales, trong đó có 2.500 cảnh sát tuần tra tại Sydney.
Khác với các nước láng giềng khác ở châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản tổ chức đón năm mới theo dương lịch. Người Nhật gọi ngày tết là “Oshogatsu”. Trong tiếng Nhật, Oshogatsu vốn là từ dùng để gọi tháng Giêng, nhưng dần dần, nó được hiểu là 3 ngày đầu tiên của năm mới. Tại Tokyo, đúng vào thời khắc chuyển giao năm mới, hàng ngàn quả bóng bay màu trắng mang theo điều ước đã được người Nhật Bản thả lên trời. Cùng lúc đó các ngôi chùa trên xứ sở mặt trời mọc đánh 108 tiếng chuông chính thức báo hiệu một năm mới đã đến mang theo hòa bình và thịnh vượng.
Ở Trung Quốc đón tết theo lịch âm nhưng vào dịp Tết Dương lịch nhiều thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu vẫn tổ chức nhiều buổi lễ mừng năm mới. Theo thông lệ, như mọi năm, ở Hồng Công (Trung Quốc) trình diễn một đại tiệc pháo hoa rực rõ trên cảng Victoria. Tại Philippines, năm nay không khí có phần trầm lắng hơn do thảm họa thiên tai hồi tháng 11. Tại thành phố Tacloban, nơi bị san phẳng bởi cơn bão Haiyan, giới chức chuẩn bị một bữa tiệc pháo hoa vào đêm giao thừa để cố gắng động viên tinh thần người dân.
Tại Singapore, người dân đổ tới quận tài chính để chiêm ngưỡng pháo hoa, trong khi hàng ngàn quả cầu màu trắng được thả trên Vịnh Marina, mang theo những điều ước của mọi người cho năm mới 2014. Còn thủ đô Jakarta của Indonesia đã dựng 12 sân khấu trung tâm phục vụ các màn trình diễn nhằm chứng tỏ nền văn hóa đa dạng của quần đảo rộng lớn này. Hơn 6.500 cảnh sát được huy động để đảm bảo an ninh trong bối cảnh có các cảnh báo rằng các phần tử cực đoan tại quốc gia với đa số dân là người Hồi giáo có thể tấn công vào các hoạt động mừng năm mới, khiến các nước phải phát các cảnh báo đi lại đối với Indonesia.
Cũng như mọi năm, hoạt động mua sắm trong những ngày cuối năm tại các nước trong khu vực vẫn nhộn nhịp, nhất là chuẩn bị cho ngày tết truyền thống cận kề. Những vật dụng với biểu tượng hình con ngựa (năm Giáp Ngọ 2014) là những mặt hàng rất được ưa chuộng. Chính phủ nhiều nước thực hiện nhiều biện pháp kích cầu tiêu dùng đặc biệt vào dịp cuối năm để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Âu, Mỹ, Phi: Tưng bừng nhảy múa
Tại Mỹ, vào đúng thời khắc chuyển giao năm cũ- năm mới, tại Quảng trường Thời đại ở New York, pháo hoa sẽ được bắn rợp kín trời và hơn 1 tấn hoa giấy sẽ được “người nhện” tung thả từ trên Hard Rock Cafe nhằm cầu mong may mắn đến với mọi người trong năm mới. Với người dân Mỹ, đón thời khắc giao thừa ở quảng trường Thời Đại luôn là một khoảnh khắc khó quên trong đời. Năm nay chính quyền thành phố dự kiến có khoảng 1 triệu người chờ xem “Quả cầu của đêm giao thừa” rực rỡ sắc màu từ từ hạ xuống từ đỉnh chiếc cột của tòa nhà One Times Square. Họ cùng đồng thanh đếm ngược tới thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới. Năm nay, quảng trường Thời Đại càng rực rỡ hơn, với các bảng quảng cáo khổng lồ đăng tải hình ảnh và lời chúc mừng năm mới của người dân ở 175 quốc gia trên thế giới trong một chiến dịch có tên “Năm mới vô giá” (Priceless New Year) do hãng thẻ MasterCard tổ chức vừa qua.
Ở Mátxcơva, người dân năm nay không đón năm mới trong tuyết trắng nhưng cũng không làm giảm đi sự phấn khích. Theo Giám đốc Sở Văn hóa Mátxcơva Sergey Kapkov, khoảng 35.000 quả pháo hoa được bắn lên bầu trời thủ đô nước Nga trong đêm giao thừa.
Ở Paris, Pháp, người dân và du khách có cơ hội ngắm tháp Eiffel lung linh ánh đèn. Họ có thể vui chơi thoải mái đến tận sáng vì năm nay, năm thứ 13 liên tiếp, chính quyền Paris tuyên bố phục vụ tàu điện ngầm thâu đêm và miễn phí.
Không khí rộn ràng chuẩn bị ngày lễ lớn trong năm diễn ra tại Đức, Italia, Đan Mạch… Còn tại thành phố Madrid của Tây Ban Nha, gạt bỏ một năm kinh tế đầy khó khăn, người dân nơi đây lại đón chào năm mới với cuộc đua của hàng trăm chú chó. Đã thành lệ cứ đến ngày cuối cùng của năm cũ, tổ chức El Refugio, một tổ chức chăm sóc động vật phi lợi nhuận lại tổ chức cuộc đua cho khoảng 600 chú chó trên các đường phố của thành phố Madrid.
Chính quyền Rio de Janeiro (Brazil) tự tin đón đến 2,3 triệu người trong đó 1/3 là du khách, tụ tập trên bãi biển lừng danh Copacabana để xem pháo hoa và nghe những giai điệu cuồng nhiệt nhất của xứ sở samba. Chính quyền đảm bảo màn pháo hoa dài 16 phút này làm mãn nhãn người xem từ 11 chiếc tàu neo gần bờ biển và bắn lên trời 24.000 tấn pháo hoa.
Ở khu vực Trung Đông, chính quyền Dubai thuộc Các tiểu vương quốc Arab thống nhất tổ chức chào đón năm mới 2014 bằng 400.000 quả pháo hoa, bắn từ 400 điểm, được kỳ vọng sẽ phá kỷ lục Guinness thế giới về màn trình diễn pháo hoa lớn nhất. Màn trình diễn dài 6 phút, dự kiến tổ chức tại 2 hòn đảo nhân tạo của Dubai, tạo hình thành hàng loạt cảnh ấn tượng, khớp với nhạc nền.
Tại Nam Phi, không khí đón năm mới mở đầu bằng buổi hòa nhạc miễn phí tổ chức tại Cape Town. Trong buổi lễ, người dân Nam Phi một lần nữa nhìn thấy cố lãnh đạo Nelson Mandela được tái hiện qua hình ảnh 3D sống động trong buổi hòa nhạc.
THANH HẰNG (tổng hợp)