Đầu tư hàng tỷ USD
Theo Tổng Thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Antonio Guterres, một loại vaccine phòng Covid-19 an toàn và hiệu quả có thể là công cụ duy nhất đưa thế giới trở lại bình thường, cứu sống hàng triệu người và hàng ngàn tỷ USD thiệt hại kinh tế.
Trong khi đó, Chính phủ Anh đã quyết định chi thêm 84 triệu bảng (102 triệu USD) để đẩy nhanh các nỗ lực thử nghiệm và sản xuất hàng loạt vaccine phòng Covid-19, vốn đang được các nhà khoa học thuộc Đại học Oxford tiến hành. Trước đó, Chính phủ Anh cũng đã tài trợ 47 triệu bảng để triển khai nghiên cứu vaccine phòng Covid-19. Bên cạnh đầu tư trực tiếp cho quá trình phát triển vaccine, Chính phủ Anh cũng đã quyết định “bơm” thêm 93 triệu bảng để đẩy nhanh hoàn tất Trung tâm Sản xuất và phát triển vaccine chuyên biệt vào năm 2021 - sớm hơn một năm so với kế hoạch. Trung tâm này đang được xây dựng ở Oxfordshire với mục tiêu sản xuất đủ liều vaccine phục vụ người dân Anh trong vòng 6 tháng.
Liên minh châu Âu (EU) vừa chủ trì hội nghị trực tuyến với các nhà lãnh đạo thế giới và các tổ chức từ thiện để gây quỹ 7,5 tỷ EUR (khoảng 8,23 tỷ USD) thông qua dự án đối tác toàn cầu mang tên “Access to Covid-19 Tools (ACT) Accelerator” cho hoạt động nghiên cứu vaccine phòng ngừa virus SARS-CoV-2 cùng thuốc điều trị bệnh Covid-19 trên quy mô toàn cầu. Bước đầu, Na Uy đã cam kết hỗ trợ 1 tỷ USD, Nhật Bản 800 triệu USD, Đức 525 triệu EUR, Pháp 500 triệu EUR và Tây Ban Nha 125 triệu EUR. Canada cũng quyết định chi 780 triệu USD để “tổng động viên” các chuyên gia nghiên cứu vaccine và tìm cách điều trị bệnh Covid-19. Australia đóng góp 352 triệu AUD....
Cuộc đua của trách nhiệm
Hiện trên toàn cầu có khoảng 110 loại vaccine đã được phát triển hoặc đang trong giai đoạn thử nghiệm. Các nhà phân tích cũng tin rằng, thị trường vaccine Covid-19 sẽ có giá trị từ 10-30 tỷ USD trong thời gian đại dịch và 2-25 tỷ USD/năm khi dịch bệnh qua đi.
Tuy nhiên, quá trình đầu tư và phát triển một loại vaccine ngừa Covid-19 cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn để có thể hoàn thiện một loại vaccine an toàn trong thời gian tối đa 8 tháng. Các “ứng cử viên” vaccine phải vượt qua nhiều lần thử nghiệm trên động vật rồi đến thử nghiệm lâm sàng trên người trước khi được cấp phép đưa vào sử dụng.
Vấn đề hàng đầu đặt ra là với chi phí phát triển khổng lồ và nguồn lợi nhuận hứa hẹn trước mắt, vaccine có được sản xuất hàng loạt và phân phối trên toàn thế giới với mức giá hợp lý hay không. Bước đầu, các chính phủ cũng đã có những cam kết chính trị để bảo đảm rằng các nước được tiếp cận và đáp ứng nhu cầu sử dụng vaccine cùng thuốc chữa trị Covid-19 nếu nghiên cứu thành công. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong bối cảnh các nước trên thế giới đang tính toán những chiến lược đối với việc phát triển vaccine phòng ngừa và thuốc điều trị bệnh Covid-19, thì hợp tác với nhau sẽ là cách tiếp cận hiệu quả nhất vì đây còn là cuộc đua của trách nhiệm chung đối với toàn thể nhân loại.