Bài phóng sự “Thế hệ trẻ em nông thôn bị smartphone hủy hoại” đăng trên tờ Trung Quốc Thanh Niên Báo (Zhongguo Qingnian Bao) mới đây bắt đầu với câu chuyện về một thiếu niên học bậc phổ thông, sống ở nông thôn miền Đông Trung Quốc cùng bà vì cha mẹ em đi làm ăn ở tận Bắc Kinh. Vì bà của cậu đã già và không thể quản lý, nên hàng ngày cậu bé mải miết chơi điện thoại di động. Nghỉ hè, em vẫn nằm ườn trên giường chơi điện tử trên smartphone cho đến trưa. Buổi trưa, ăn vội vàng vài miếng rồi cậu bé lại chơi điện tử. Đêm khuya, thậm chí đến 2-3 giờ sáng, cậu vẫn còn chơi. Trả lời phóng viên, cậu bé nói: “Cháu còn biết làm việc gì khác ngoài chơi điện tử?”.
Theo Zhongguo Qingnian Bao, rất khó để tìm được trò chơi gì hay ở trong làng, các em không có chỗ bơi lội, không được trèo cây, chẳng có hoạt động vui chơi nào khác, cũng không có lớp học phụ đạo. Zhongguo Qingnian Bao cho rằng ở Trung Quốc hiện nay, trò chơi điện tử trực tuyến ngày càng hủy hoại cuộc sống của các thiếu niên, bởi nhiều em chơi không ngừng nghỉ và cho rằng thế mới là hợp thời.
Không chỉ ở Trung Quốc, chứng nghiện smartphone ở châu Á cũng được cảnh báo là trầm trọng. Một nghiên cứu mới đây cho thấy, người lớn châu Á có xu hướng nghiện sử dụng điện thoại thông minh cao gấp ba lần so với các nước phương Tây. Đặc biệt Hàn Quốc, một trong những quốc gia giàu nhất châu Á, nơi điện thoại thông minh không quá đắt và truy cập mạng Internet nhanh và tương đối rẻ, đã trở thành nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh. Kết quả điều tra của Trung tâm nghiên cứu thị trường Pew (Mỹ) cho biết, có tới 94% số người trưởng thành tại Hàn Quốc sử dụng điện thoại thông minh. Còn theo nghiên cứu của Common Sense Media, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại San Francisco, Mỹ, nhóm tuổi bị tác động nhiều nhất bởi điện thoại thông minh là từ 18-24 tuổi. Do vậy, không những chỉ trẻ em nông thôn Trung Quốc bị bỏ rơi, giao cho smartphone chăm sóc, những đứa trẻ thành thị ở Hàn Quốc cũng đang bị smartphone hủy hoại, khi tần suất sử dụng máy tính bảng và điện thoại thông minh ở trẻ em nước này đã tăng hơn gấp ba lần kể từ năm 2011. Việc kiểm soát điện thoại thông minh với trẻ con khi nhiều trẻ dùng điện thoại nhiều hơn 7 giờ/ngày đang là một vấn đề gây nhiều tranh cãi.
Một xã hội cho dù hiện đại như Hàn Quốc hay lạc hậu như vùng nông thôn Trung Quốc, trẻ em đều nghiện smartphone vì thiếu sự quan tâm của người lớn. Làm sao những đứa trẻ này không cảm thấy bị bối rối, khó hòa nhập với cộng đồng, khi cha mẹ vùng quê thì phải bươn chải mưu sinh xa và các bậc phụ huynh ở thành phố hiện đại thì cũng bị nghiện thiết bị thông minh? Cũng vì thế, chính phủ Hàn Quốc đang phải nỗ lực thúc đẩy các mô hình cai nghiện điện thoại thông minh, khi mà thiết bị này đang lấn quá sâu vào cuộc sống. Ban đầu là những ảnh hưởng trực tiếp đến đứa trẻ và sâu xa hơn, nó còn ảnh hưởng đến cả tương lai của xã hội.