Thế hệ nhà văn sau 1975 - Cuộc bứt phá ngoạn mục

Với 85 tham luận của các nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học tại các trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước, câu chuyện về thế hệ nhà văn sau 1975 một lần nữa được đưa ra tại hội thảo quốc gia có chủ đề “Thế hệ nhà văn sau 1975” do Trường Đại học Văn hóa, Bộ VH-TT-DL tổ chức ngày 28-4, tại Hà Nội.
Thế hệ nhà văn sau 1975 - Cuộc bứt phá ngoạn mục

Với 85 tham luận của các nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học tại các trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước, câu chuyện về thế hệ nhà văn sau 1975 một lần nữa được đưa ra tại hội thảo quốc gia có chủ đề “Thế hệ nhà văn sau 1975” do Trường Đại học Văn hóa, Bộ VH-TT-DL tổ chức ngày 28-4, tại Hà Nội.

Những cây bút đưa văn học sang giai đoạn mới

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện nhận định: Thế hệ nhà văn sau năm 1975 chính là thế hệ sáng tác khi chiến tranh đã kết thúc, khi non sông đất nước đã thu về một mối. Có thể họ đã không sinh ra trong thời chiến nhưng họ đã cầm bút và trưởng thành trong thời bình. Thế hệ này đã tiếp nối xứng đáng lớp thế hệ cầm bút trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Dù chưa thể nhận dạng đầy đủ văn học thời kỳ đổi mới, nhưng có một điều chúng ta có thể khẳng định, thế hệ nhà văn xuất hiện trên văn đàn sau năm 1975 là lớp người có đóng góp hết sức to lớn cho sự nghiệp đổi mới của văn học nước nhà.

Họ xuất hiện là để làm mới văn học, là đưa văn học sang giai đoạn mới, họ xuất hiện để tiếp thu tìm tòi những nguyên tắc nghệ thuật hiện đại, làm phong phú cho nền văn học.

Sách của nhiều nhà văn thế hệ sau năm 1975 được bạn đọc yêu thích. Ảnh: TƯỜNG VY

Cùng chung quan điểm này, nhà phê bình Chu Văn Sơn cũng cho rằng, lịch sử văn học bao giờ cũng là cuộc chạy tiếp sức không mệt mỏi của các thế hệ văn học. Mỗi chặng đường lớn luôn có sự góp mặt của nhiều thế hệ khác nhau.

Các thế hệ vừa có tiếp bước, song hành, vừa có đan xen, chuyển hóa trên hành trình văn học để kiến tạo nên hệ thẩm mỹ thời mình. Nhưng bao giờ vai trò chủ lực cũng thuộc về một thế hệ nào đó. Thế hệ ấy mới là chủ thể đích thực của chặng ấy. Phần cốt yếu của bức tranh văn học ở chặng đó được vẽ bởi ngòi bút của họ.

Nhưng theo ông phải đến 1986, khi Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện với hàng loạt truyện ngắn đình đám mà đầu tiên là Tướng về hưu, Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh, về thơ có Dương Kiều Minh với Củi lửa, Nguyễn Lương Ngọc với Từ nước, Ngày sinh lại và Nguyễn Quang Thiều với Sự mất ngủ của lửa... thì một thế hệ cầm bút mới mới chính thức khai hỏa. Mỹ học thời chiến lùi hẳn vào hậu trường nhường chỗ cho mỹ học hậu chiến. “Với sự xuất hiện của họ, mẫu nhà văn chiến sĩ thời chiến đã nhường chỗ hoàn toàn cho mẫu nhà văn kẻ sĩ hiện đại thời bình”, nhà phê bình Chu Văn Sơn nhấn mạnh.

Nhìn nhận về sự xuất hiện của thế hệ nhà văn sau 1975, giáo sư Trần Đình Sử cũng cho rằng: “Các nhà văn không cùng kể một câu chuyện chung của thời đại, mà mỗi người kể câu chuyện của mình về thời đại, mỗi nhà thơ cũng có tâm trạng, giọng điệu riêng, không ai giống ai. Đã kết thúc nền văn học đồng phục”.

Cú hích mạnh mẽ

Văn xuôi giai đoạn này tạo ra những cú hích mạnh mẽ và đồng thời lĩnh vực phê bình văn học có một phần đi trước, đặc biệt đồng hành với tiếng nói đổi mới đầu tiên, đây là điều rất thú vị. TS Đỗ Hải Ninh, Viện Văn học nhận định: “Văn xuôi Việt đã bứt phá ngoạn mục với một thế hệ viết bằng tư duy văn học mới, với lối viết mới hoàn toàn cắt đứt khỏi tư duy phân lập rõ ràng tốt - xấu, địch - ta, chính diện - phản diện. Điều đó dẫn đến xu hướng giải thiêng và giễu nhại trở thành đặc điểm nổi bật của văn học giai đoạn này. Đồng thời, văn học cũng chuyển hẳn từ cảm hứng triết luận và tính luận đề sang một hình thái mới: ngôn ngữ tự trình hiện bằng những biểu tượng và ký hiệu.

Giai đoạn đầu đổi mới 1986 - 1991 và thế hệ mang ý thức tự vấn, là cao trào của văn học đổi mới đánh dấu sự bứt phá mạnh mẽ của một thế hệ nhà văn hoàn toàn mới mẻ, với những đại diện tiêu biểu Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh... Từ đầu thập niên 1990 đến nay, với xu hướng hội nhập và tinh thần phản vấn, đã ghi nhận sự trỗi dậy của thế hệ của những tác giả đã bắt đầu sáng tác từ thập niên 80 như Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái… Một thế hệ kế tiếp đã hình thành trong giai đoạn hội nhập với Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp…

Nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy cũng khẳng định rằng: “Sự thành công về mặt nghệ thuật của những nhà văn tiêu biểu của thế hệ này đã tạo ra sự cộng hưởng sâu rộng ở người đọc và làm phấn khích nhiều cây bút khác tham gia”.

Như nhà phê bình Chu Văn Sơn nhận định: “Với những thành quả sáng giá nhất trong chặng này, họ - những nhà văn sau 1975, đã tạo nên một tầm vóc mới, một uy tín mới cho văn học nước nhà. Dù rằng, hệ giá trị được kiến tạo chưa phải đã hoàn tất và người đọc vẫn có quyền đòi hỏi họ nhiều hơn. Bằng những tên tuổi nổi bật nhất, họ đã góp vào sơn hệ văn học nước nhà không ít những đỉnh cao. Dù rằng, vẫn còn những ngọn núi mà hôm nay chưa dễ nhìn ra đỉnh. Bó đuốc trên tay họ đến nay vẫn không ngừng tỏa sáng. Dù rằng, trên đường chạy trường kỳ của lịch sử văn học nước nhà đã rậm rịch bước chân của lớp người sau”.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục