Khi tổng kết thành tích thi đấu của đoàn thể thao Việt Nam, chúng ta nói nhiều đến việc không hoàn thành chỉ tiêu đề ra lúc ban đầu là đoạt từ 5 đến 7 huy chương vàng. Thế nhưng, trong thất bại đó có bao nhiêu phần trăm thuộc về các địa phương, các ngành thì ít ai biết.

Dương Anh Vũ để tuột mất HCV một cách đáng tiếc.
Ảnh: Q.TH
Khi Trưởng đoàn Nguyễn Hồng Minh lên tiếng xin lỗi người hâm mộ về việc không hoàn thành chỉ tiêu, nhưng trong đó có bao nhiêu phần trăm lỗi của ông? Và bao nhiêu phần trăm lỗi của người khác? Chắc cũng không ai biết.
Trong phạm vi hẹp của bài viết này, tôi xin đề cập đến vai trò của thể thao TPHCM tại Asian Games lần này.
Ngược thời gian, thể thao TP từng tự hào với võ sỉ Trần Quang Hạ, với tấm huy chương vàng đầu tiên của thể thao Việt Nam tại đấu trường Asian Games, tính từ sau ngày giải phóng.
Tôi còn nhớ lần đó, người ta đón Hạ từ sân bay bằng xe Jeep, có mô tô cảnh sát và mô tô thể thao mở đường, có dàn “hộ tống” là các nam nữ vận động viên thể thao rước về đến tận văn phòng Ủ y ban nhân dân quận 4, nơi anh ở.
Sau vài câu chúc mừng, khen ngợi, người ta lại rước Hạ diễu hành vòng quanh các con đường lớn, nhỏ của quận 4, vốn là quận nghèo, nhưng đang hào hứng với chiến tích của con em mình.
Lần đó vui lắm! Người viết tay máy, tay ghi đông xe phóng theo chiếc Jeep chở Trần Quang Hạ chạy vù vù khắp các con phố. Lần đó, Việt Nam chỉ có 3 huy chương. Hai chiếc còn lại đều là huy chương bạc, đều ở môn Karatedo của các vận động viên Hà Nội và Công an Nhân dân. Thể thao TPHCM không tự hào sao được.
4 năm sau, tại Asian Games 13 năm 1998, đoàn thể thao Việt Nam cũng chỉ có 1 vàng, cùng 5 bạc và 11 đồng. Thế nhưng, chiếc huy chương vàng duy nhất đó cũng thuộc về võ sinh Taekwondo của TPHCM, Hồ Nhất Thống, vẫn ở hạng cân của Hạ 4 năm trước, hạng cân 58kg. Đó là chưa kể một số bạc và đồng của đoàn Việt Nam đoạt được ở kỳ Asian Games này có “chử ký” của VĐV TPHCM.
Đến Asian Games 14 năm 2002 tại Busan, Hàn Quốc, TPHCM cũng không bỏ mất vị trí độc tôn của mình, trong việc giúp thể thao Việt Nam chinh phục đỉnh cao châu lục.
Vận động viên TPHCM đoạt 3/4 huy chương vàng của đoàn thể thao Việt Nam, với công đầu thuộc về Lý Đức (thể hình, hạng cân 80kg), Trần Đình Hòa (Billiard libre) và Nguyễn Trọng Bảo Ngọc (Karatedo, nội dung Kumite). Đây quả là một kỳ Asian Games thành công của các VĐV TPHCM, chưa kể một bạc và đồng đoạt được thêm.
Nay, khi đoàn thể thao Việt Nam quay về từ Asian Games 15 – Doha 2006, trên cổ áo của các VĐV TPHCM không còn lấp láng ánh vàng của những tấm huy chương, mà thay vào đó là 2 huy chương bạc của Dương Anh Vũ (Billiard 3 băng), Hoàng Hà Giang (Taekwondo, hạng cân dưới 55kg).
Quá ít, quá thấp so với những đóng góp của thể thao TPHCM ở 3 kỳ Asian Games trước. Có lý giải cho rằng, đáng ra TPHCM cũng góp được vàng cho đoàn Việt Nam ở kỳ đại hội này, nếu Dương Anh Vũ không nôn nóng, đi đường cơ sai lầm.
Thế nhưng, đó chỉ là cách biện hộ, vì có thay 1 bạc bằng 1 vàng ở môn Billiard thì thành tích trên mang so với Hà Nội, thậm chí vóyi láng giềng Đồng Nai cũng còn kém xa.
Sau đây là những đóng góp của các đơn vị khác vào bảng thành tích HCV của đoàn Việt Nam tại Asian Games 15:
1. Hà Nội: Đồng đội Cầu mây nữ (Nguyễn Thịnh Thu Ba, Nguyễn Bạch Vân, Cao Thị Yến, Nguyễn Đức Thu Hiền).
2. Hải Phòng: HCV Karatedo hạng cân dưới 48kg (Vũ Thị Nguyệt Ánh).
3. Đồng Nai: Đồng đội Cầu mây nữ (Nguyễn Hải Thảo, Nguyễn Thị Bích Thủy, Đỗ Thị Thu Hiền, Nguyễn Thị Thúy An), đôi nữ Cầu mây (Nguyễn Hải Thảo).
4. Thanh Hóa: Đồng đội Cầu mây nữ và đôi nữ (Lưu Thị Thanh),
5. Bắc Giang: Đồng đội Cầu mây nữ (Lê Thị Hạnh),
6. Quảng Ninh: Đồng đội Cầu mây nữ (Nguyễn Thị Hoa).
Đề cập đến những điều này làm gì? Không phải để so đo, ganh tị, mà ước muốn làm thay đổi nhận thức của những người làm công tác quản lý thể thao TPHCM. Cần biết nhìn thẳng vào sự thật, cần tự rèn mình, không cao ngạo và biết chọn cho mình hướng đi đúng trong tương lai.
MINH HÙNG