Thể thao Việt Nam 1 năm nhìn lại: Taekwondo và judo mờ nhạt

Cũng như một số môn thể thao Olympic khác, taekwondo và judo Việt Nam đã hiện diện ở London, những rõ ràng đây vẫn còn là một đấu trường quá sức và cả hai đều thất bại ngay từ trận ra quân. Còn ở giải vô địch taekwondo châu Á, nội dung đấu đối kháng chỉ đoạt được 1 ngôi vô địch, trong lúc judo cũng chỉ tỏ ra hùng mạnh ở đấu trường Đông Nam Á.
Thể thao Việt Nam 1 năm nhìn lại: Taekwondo và judo mờ nhạt

Cũng như một số môn thể thao Olympic khác, taekwondo và judo Việt Nam đã hiện diện ở London, những rõ ràng đây vẫn còn là một đấu trường quá sức và cả hai đều thất bại ngay từ trận ra quân. Còn ở giải vô địch taekwondo châu Á, nội dung đấu đối kháng chỉ đoạt được 1 ngôi vô địch, trong lúc judo cũng chỉ tỏ ra hùng mạnh ở đấu trường Đông Nam Á.

Trở lại với đấu trường Olympic, không phủ nhận nỗ lực của võ sĩ Văn Ngọc Tú, nhưng suất dự Olympic vừa qua của cô có kèm chút may mắn do Liên đoàn Judo quốc tế thay đổi cách tính toán về suất đến London của khu vực châu Á. Nhìn lại suốt quá trình tích điểm, thành tích đáng ghi nhận của Ngọc Tú là 2 chiếc HCĐ tại World Cup Tashkent (Uzbekistan) 2010 và vô địch châu Á 2011. Thế nên, không có gì đáng ngạc nhiên khi cô thua ngay từ trận đầu tiên tại Olympic London.

Võ sĩ Chu Hoàng Diệu Linh thi đấu tại Olympic London 2012.

Võ sĩ Chu Hoàng Diệu Linh thi đấu tại Olympic London 2012.

Mặt khác, năm 2012 chưa rơi vào định kỳ judo tổ chức giải vô địch châu Á nên chiến thắng tuyệt đối 16 HCV của judo Việt Nam tại giải vô địch Đông Nam Á diễn ra tại Bạc Liêu hồi tháng 10 vừa qua (do đối thủ đưa sang lực lượng không mạnh lắm) chưa thể hiện được điều gì mới mẻ. Vài năm gần đây, dù judo Việt Nam đứng đầu khu vực, nhưng vẫn còn gặp nhiều thách thức khi bước ra đấu trường châu lục khi chiếc HCĐ của Ngọc Tú ở giải vô địch châu Á tại Abu Dhabi (Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất) vừa nêu trên là lần đầu tiên judo Việt Nam nếm trải hương vị giành được huy chương cấp châu lục.

Giành 2 suất dự Olympic ở vòng tuyển chọn khu vực châu Á, nhưng Lê Huỳnh Châu và Chu Hoàng Diệu Linh cũng sớm trở thành khán giả tại London chỉ sau 1 trận đấu. Ở một vài đấu trường khác, Chu Hoàng Diệu Linh giành được HCĐ giải Hamburg mở rộng 2012, và chiếc HCV đối kháng duy nhất của Việt Nam tại giải vô địch châu Á 2012 lại do công của lão tướng Nguyễn Văn Cường (hạng dưới 87kg) ở hiệp phụ trong lúc Lê Huỳnh Châu chỉ nhận được HCĐ. Hiện nay, điểm sáng của taekwondo Việt Nam là ở các nội dung thi quyền mà gần nhất là chiếc HCV ở giải vô địch thế giới tại Colombia hồi tháng 11 vừa qua. Như vậy, kể từ sau chiếc HCB lịch sử của Trần Hiếu Ngân ở Olympic Sydney 2000, taekwondo Việt Nam đã trải qua 3 kỳ Olympic trắng tay.

o0o

Thất bại của taekwondo và judo Việt Nam cũng tương tự như một số môn thể thao khác vừa góp mặt ở Olympic London, đó là sự đầu tư mà nhiều người đã nhận định rằng chưa có chiến lược đầu tư dài hạn và tập trung vào trọng tâm, trọng điểm.

Trong lúc đội tuyển quyền taekwondo Việt Nam ở giải thế giới đang ngày càng bị cạnh tranh gay gắt xen lẫn sự cảm tính của trọng tài thì sự sa sút ở nội dung đấu đối kháng đang khiến các nhà chuyên môn không khỏi băn khoăn. Cụ thể là một số nam tuyển thủ quốc gia đã thất bại tại giải vô địch sinh viên Đông Nam Á lần thứ 16 ở Vientiane, Lào vừa qua - thậm chí có người thua vỡ trận.

Chính vì thế một HLV taekwondo đã bày tỏ: “Nội dung thi đấu đối kháng của taekwondo nước ta vài năm gần đây không bật lên được, việc mời chuyên gia nước ngoài cho đội tuyển quốc gia chắc chắn sẽ được bàn bạc kỹ lưỡng trong kế hoạch 2013. Ngay cả một vài địa phương như TPHCM cũng đang tính toán chuyện này…”. Tương tự như thế, judo cũng rất cần những bước đột phá quyết liệt để hướng đến Asian Games Uncheon (Hàn Quốc) 2014 và xa hơn là Olympic Rio de Janeiro (Brazil) 2016. 

TRÚC QUỲNH

Năm 2012, bằng kinh phí tự túc, vovinam Việt Nam đã xếp hạng nhì toàn đoàn giải vô địch châu Á lần 2 với 11 HCV, 1 HCB, 3 HCĐ. Bên cạnh đó, vovinam Việt Nam cũng hỗ trợ tập huấn kỹ thuật cho Italia, Algeria và tổ chức đại hội Liên đoàn nhiệm kỳ 2 (2012-2016). Để xứng đáng là cánh chim đầu đàn của phong trào vovinam thế giới, vovinam Việt Nam cần củng cố tình đoàn kết, quan tâm xây dựng lực lượng kế thừa, biên soạn tài liệu kỹ thuật…

Ba giải đấu quốc tế trong năm 2013 của vovinam Việt Nam là giải vô địch Đông Nam Á (tháng 5, Phnom Penh, Campuchia), vô địch thế giới lần 3 (tháng 7, Paris, Pháp) và SEA Games 27 (tháng 12, Myanmar). Ở SEA Games 27, môn vovinam sẽ tranh tài 18 bộ huy chương, trong đó có 6 bộ huy chương đối kháng (2 nữ, 4 nam) và 12 bộ huy chương thi quyền, nhiều hơn 4 bộ so với SEA Games 26 tại Indonesia.

Vừa qua, Liên đoàn Vovinam Việt Nam và Sở VH-TT-DL TPHCM đã 2 lần cử HLV sang tập huấn cho VĐV vovinam Myanmar. Vấn đề đặt ra cho vovinam Việt Nam ở các giải quốc tế là nên cân đối giữa thành tích và phát triển phong trào ở các nước. Quan trọng hơn, Liên đoàn Vovinam thế giới và Liên đoàn Vovinam Việt Nam cần có kế hoạch tập huấn chu đáo và căn cơ ở khu vực châu Á và Đông Nam Á để hình thành lực lượng HLV có khả năng xây dựng và phát triển phong trào, chứ không chỉ tập huấn VĐV để thi đấu, giành huy chương ở một vài giải nào đó.

H.Th

Tin cùng chuyên mục