Thể thao Việt Nam: Bây giờ hoặc không bao giờ

MINH CHIẾN

Cử tạ Việt Nam sau ngày thi đấu 6-8 tại Olympic (rạng sáng ngày 7-8 giờ Việt Nam) có Vương Thị Huyền (48kg) xuất trận. Sau Huyền, người được chờ đợi nhất là Thạch Kim Tuấn bước vào tranh tài.

HLV Huỳnh Hữu Chí từng tâm sự, ngày ông vô tình được giới thiệu Thạch Kim Tuấn đã mang đến cho cử tạ TPHCM nói riêng và cử tạ Việt Nam nói chung một sự may mắn lớn. Đó là, chúng ta phát hiện được một tài năng và trui rèn lực sĩ ấy thành người đứng hàng nhất, nhì thế giới lúc này.

Lực sĩ Thạch Kim Tuấn. Ảnh: T.L

4 năm trước, ở tuổi 18, Kim Tuấn đã mất cơ hội dự Olympic 2012 do thua đàn anh Trần Lê Quốc Toàn tại cuộc đấu nội bộ. Sau 4 năm, Kim Tuấn ở tuổi 22 và được tin tưởng cao đủ sức giành huy chương tại Rio de Janeiro. Trần Lê Quốc Toàn vẫn tiếp tục thi đấu hạng cân 56kg tại giải. Đối thủ lớn nhất trước mắt của Kim Tuấn là các lực sĩ không dễ đối chọi. Om Yun Chol (CHDCND Triều Tiên), Long Qingquan (Trung Quốc) rất mạnh.

Lực sĩ Om Yun Chol đã giành HCV hạng 56kg ở Olympic 2012, đồng thời là đương kim vô địch thế giới hạng cân này. Om từng đạt mức 302kg tổng cử. Long Qingquan vô địch Olympic 2008 với tổng cử 292kg. Tuy nhiên, mức tổng cử của lực sĩ này giờ vẫn ổn định trên 290kg. Không phải ngẫu nhiên sau 8 năm Long Qingquan xuất hiện lại ở Olympic 2016, do lực sĩ trên đã thắng trong cuộc đấu nội bộ giữa các lực sĩ mạnh nhất hạng 56kg nam của Trung Quốc. Một vài gương mặt khác cũng có khả năng tạo bất ngờ như Sinphet Kruaithong (Thái Lan, đăng ký ban đầu 290kg, Arli Chontey (Kazakhstan, 286kg).

Tuấn được chia sẻ đạt ổn định 300kg trong tập luyện. Nhưng, đó là lúc, lực sĩ của chúng ta chưa ép trọng lượng cơ thể. Chưa thi đấu, tất cả các đội đều tung hỏa mù làm nhiễu thông tin và chỉ khi lên sàn tố tạ thì mới biết năng lực chính xác từng người (kể cả Kim Tuấn). Một gương mặt khác là Phan Thị Hà Thanh sẽ thi đấu nội dung đầu tiên trong tranh điểm toàn năng cá nhân ở ngày 7-8 (theo giờ Brazil). Cô cũng chỉ đặt mục tiêu phấn đấu vượt kết quả bản thân tại lần thứ 2 ở Olympic.

***
Ngày 7-8 (theo giờ Brazil), Đoàn thể thao Việt Nam có Hoàng Quý Phước thi đấu vòng loại 200m tự do. Đây là cự ly duy nhất mà Quý Phước thi đấu tại Rio de Janeiro và cũng là lần đầu tiên, VĐV bơi nam số 1 Việt Nam được dự Olympic. Quý Phước đặt mục tiêu vượt kết quả bản thân, lọt vào tốp 16. Phước thi lượt vòng loại thứ 2/6 với các tuyển thủ của Na Uy, Thụy Sĩ, Anh, Venezuela, Italia, Trung Quốc, Tunisia. Môn rowing cũng thi đấu vòng loại thuyền đôi nữ hạng nhẹ với cặp Hồ Thị Lý/Tạ Thanh Huyền. Đôi thuyền của chúng ta đọ sức ở lượt vòng loại thứ 2/4 cùng các đôi tới từ Australia, Nhật Bản, Hà Lan và Rumania.

“Rái cá sông Hàn” Hoàng Quý Phước nhập cuộc.  Ảnh: Nhật Anh

 Trong những đôi trên, đáng kể nhất là đôi  Paulis Iise/Head Maaike (Hà Lan) đang giữ kỷ lục thế giới với 6’47”69. Nguyễn Thị Ánh Viên thi đấu tiếp cự ly 400m tự do. Cô sẽ dự lượt vòng loại thứ 2/4 cự ly cùng các VĐV của Hungary, Đan Mạch, Đức, Trung Quốc, Venezuela, Canada, Nga. Thành tích Viên đăng ký vòng loại là 4’08”66. Đây là chỉ số mà Viên từng giành HCV tại SEA Games 28-2015 và xác lập kỷ lục đại hội.

 Kim Tuấn thi đấu ở nhóm A hạng 56kg nam bắt đầu lúc 5 giờ ngày 8-8 (giờ Việt Nam). Quý Phước thi đấu vòng loại lúc 23 giờ 19 ngày 7-8 (giờ Việt Nam). Ánh Viên thi đấu lúc 0 giờ 33 ngày 8-8 (giờ Việt Nam). Rowing tranh tài lúc 20 giờ 50 ngày 7-8 (giờ Việt Nam). Hà Thanh thi đấu lúc 19 giờ 45 ngày 7-8 (giờ Việt Nam).

MINH CHIẾN

Tin cùng chuyên mục