Hôm nay (8-11), Trưởng đoàn Lâm Quang Thành sẽ có mặt ở Indonesia để bắt đầu giải quyết những công việc cho đoàn Việt Nam ở 2 địa điểm Jakarta và Palembang. Việt Nam cũng đã chọn được người cầm cờ và chắc chắn, sự chuẩn bị của 868 thành viên đã ổn thỏa…
- Trách nhiệm người cầm cờ
Vậy là, sau nhiều ngày chờ đợi, người hâm mộ đã được biết tên VĐV sẽ cầm cờ cho đoàn thể thao Việt Nam dự lễ khai mạc: VĐV nhảy cao Nguyễn Duy Bằng. Có thể xem, đây là một trong những lần lãnh đạo đoàn lại kín thông tin đến vậy về người được vinh dự cầm cờ cho đoàn.
Việc lựa chọn Bằng cũng có thể xem đã tốn khá nhiều thời gian bàn thảo bởi tiêu chí được đưa ra luôn phải là VĐV thể hiện được ưu thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Ngoài ra, ai cũng hiểu, ở việc duy tâm, VĐV cầm cờ luôn phải là người mang về vận may cho cả đoàn.
Duy Bằng năm qua được nhìn nhận có sự nỗ lực của riêng anh khi vượt qua khó khăn để giành được thành tích cao tại giải VĐQG 2011. Hẳn đó là một trong những lý do mà lãnh đạo đoàn đã cân nhắc rồi đưa tới thống nhất chọn VĐV này cầm cờ.
Còn nhớ tại SEA Games 25, việc lựa VĐV cầm cờ đã gặp “sự cố” khi người được chọn là Nguyễn Trọng Cường (taekwondo) nhưng tới phút cuối, võ sỹ này không thể đảm nhiệm trọng trách và Nguyễn Thanh Quyền (pencak silat) được thế chỗ tức thì. Đó cũng là nguyên nhân, lãnh đạo đoàn không hề hé lộ thông tin sẽ được chọn ở SEA Games 26 này để cân nhắc chín muồi và luôn thông báo “phải cân nhắc theo lịch thi đấu rồi mới quyết định VĐV nào được chọn cầm cờ”.
Thêm một lần ở Indonesia, nếu không có sự cố nào đáng kể, Nguyễn Duy Bằng sẽ lần thứ 2 được cầm cờ cho đoàn thể thao Việt Nam. Tại SEA Games 24 (Thái Lan), VĐV này là người đi đầu của đoàn trong lễ khai mạc.
Trọng trách của người cầm cờ cũng không nhỏ vì ngoài thể hình lý tưởng, đó còn được nhìn nhận là biểu tượng tinh thần cho đoàn. Mọi sự lựa chọn cũng còn phụ thuộc ở lịch thi đấu nhưng Duy Bằng có thể xem là phương án khả dĩ nhất.
- Đâu lại vào đấy
Sự chuẩn bị trước mỗi kỳ SEA Games của đoàn Việt Nam bao giờ cũng có thay đổi nhân sự. Nhưng điều đáng mừng là năm nay không có nhiều thay thế, bổ sung gây xáo trộn. Có lẽ, sự khúc mắc lớn nhất là ở trường hợp của đô vật Mai Văn Luật đã làm đơn gửi tới Tổng cục TDTT mới đây. Nhưng có thể hiểu, sự vụ của Luật lại xảy ra khi đoàn thể thao dự SEA Games 26 đã thành lập nên rất khó thay đổi. Ngoài trường hợp của Luật, Đào Văn Thủy (điền kinh, nhảy cao) suýt chút nữa cũng phải “tạm biệt” SEA Games. Được biết, Đào Văn Thủy gặp chấn thương trong quá trình chuẩn bị, nhưng rất may, với sự đảm bảo tiến độ hồi phục từ bác sĩ của Trung tâm HLTTQG Hà Nội nên VĐV này vẫn được Bộ môn và Liên đoàn thông qua để tới Indonesia.
Sau môn vật, môn canoeing và rowing cũng đón nhận tin không vui do Trưởng bộ môn đua thuyền - ông Nguyễn Hải Đường - gặp vấn đề về sức khỏe phải phẫu thuật. Vì vậy, nhiều khả năng ông Đường sẽ vắng mặt ở SEA Games. Tuy nhiên, sự quản lý ở cả canoeing lẫn rowing cũng không gặp nhiều khó khăn do HLV trưởng Nguyễn Văn Thắng là người kinh nghiệm lâu nắm và có sự chỉ đạo khá sít sao. Trước đó, ở môn cử tạ, HLV Dương Thị Ngọc từng bày tỏ ý định xin rút không tới SEA Games 26 để đảm bảo sức khỏe do chuẩn bị cho thiên chức làm mẹ. HLV Nguyễn Mạnh Thắng đã được tính đến làm người thay thế. Tuy nhiên, sau những bàn thảo và thống nhất cuối cùng thì HLV Ngọc vẫn theo đoàn để chỉ đạo. Nhưng có thể thấy, khi cần đảm bảo sức khỏe cho bản thân vì sự bất khả kháng, ít nhiều HLV Ngọc cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
Chưa kể, bóng chuyền trong nhà nữ cũng gặp chuyện khi chuyên gia Qiao Yu Chuan bị thanh lý hợp đồng vào thời điểm quan trọng vì không đảm bảo sức khỏe. Sự thay tướng giữa dòng khiến kế hoạch “thầy ngoại” của bóng chuyền phá sản hoàn toàn.
NGUYỄN ĐÌNH
| |