Thể thao Việt Nam: Ông lớn đang ở đâu?

Thế nào mới chuẩn?

Cùng chiếc HCV nội dung 10m súng ngắn nam, chiếc HCB của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh trong nội dung 50m súng ngắn bắn chậm (tối 10-8) đã giúp thể thao chúng ta lần đầu trong lịch sử giành được 2 huy chương trong một kỳ Olympic. Đây chính là năm thể thao Quân đội thăng hoa trong khi những địa phương mạnh khác đầu tư rất lớn nhưng lại không có kết quả như mong đợi.

Thế nào mới chuẩn?

Quả thật, trong 2 năm liên tiếp 2015 và 2016, thể thao Quân đội nói chung đã thăng hoa thật sự. Nguyễn Thị Ánh Viên thành công vang dội tại SEA Games 28-2015 bằng kết quả đạt 8 HCV cá nhân trong môn bơi lội. Hoàng Xuân Vinh giành 1 HCV, 1 HCB tại Olympic 2016 trong môn bắn súng. Những kết quả đó của họ, chưa VĐV nào của những đơn vị, địa phương khác giành được. Nếu không muốn nói, nhóm những địa phương rất coi trọng thành tích như Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng đã bị tụt lại phía sau.

Hoàng Xuân Vinh (trái) và Nguyễn Thị Ánh Viên đã giúp thể thao Quân đội thăng hoa ở đấu trường quốc tế

Khi Olympic 2016 chưa tranh tài, mọi phân tích và chắc mẩm thể thao TPHCM và thể thao Hà Nội sẽ có nhiều cơ hội đạt được huy chương đầu tiên tại một kỳ Olympic vì Thạch Kim Tuấn (cử tạ, TPHCM), Vương Thị Huyền (cử tạ, Hà Nội) rất tốt. Đáng tiếc, họ thất bại. Vào lúc này, thể thao TPHCM và Hà Nội chưa có tuyển thủ nào giành được huy chương tại Olympic. Trong lần có mặt tại Hà Nội dự chương trình kỷ niệm 70 năm thành lập ngành TDTT, Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê đã chia sẻ với đại ý từ nay nhà quản lý thể thao thành phố sẽ tập trung và xây dựng nhiều kế hoạch trong công tác đào tạo thể thao thành tích cao. Đẩy mạnh công tác đào tạo không dễ bởi ngoài chiến lược và chương trình thực hiện, từng địa phương phải tìm được con người.

Thạch Kim Tuấn chưa bao giờ là tuyển thủ không được đánh giá cao và có tiềm năng. Thế nhưng, thành tích của Tuấn lại không phát huy đúng giải đấu chúng ta chuẩn bị và đã đầu tư nhiều cho lực sĩ này. Do đó, Kim Tuấn vẫn mãi chỉ là...VĐV tiềm năng chứ chưa thể là VĐV thành danh thật sự. Bây giờ, sức ép với Kim Tuấn và thể thao TPHCM nói riêng còn mạnh mẽ hơn vì thể thao Quân đội cũng có con người như thế và đầu tư cùng nhóm môn trọng điểm như nhau và xạ thủ Xuân Vinh giành HCV, HCB Olympic 2016. Thể thao Hà Nội tham dự nhiều VĐV nhất tại Olympic 2016 (8 người). Tuy thế triển vọng có được 1 tấm huy chương không cao. Dù luôn là đơn vị dẫn đầu trong công tác đào tạo thể thao thành tích cao cũng như có số VĐV, HLV đông đảo.

Thế nhưng, thể thao Hà Nội vào lúc này lại đang trong điểm giao thời và thiếu một thủ lĩnh quản lý thật sự. Trước đây họ có ông Hoàng Vĩnh Giang (hiện đang là Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam) rồi khi ông Giang nghỉ thì ông Nguyễn Đình Lân nối tiếp cũng tạo được dấu ấn. Cả ông Lân và ông Giang là người máu nghề, cùng xuất thân từ dân thể thao nên hiểu được thể thao cần phát triển như thế nào. Hơi tiếc cho đơn vị này, người quản lý trực tiếp hiện là Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Tô Văn Động không phải người quá đam mê thể thao nên tất cả vẫn chỉ ở sự cầm chừng. Và như thế, việc đầu tư cho các môn trọng điểm không phải hanh thông thoáng đạt.

Nguồn nhân lực quyết định

Thể thao Quân đội may mắn có được Nguyễn Thị Ánh Viên và Hoàng Xuân Vinh là những người xuất chúng. Viên may mắn vì sinh ra và lớn lên trong giai đoạn mới và được sự đầu tư kịp lúc nên ở tuổi còn nhỏ đã phát triển được tài năng. Hoàng Xuân Vinh phải tới năm 42 tuổi thì mới lần đầu có được huy chương Olympic trong sự nghiệp. Dù chưa biết sau anh, còn có bao nhiêu VĐV Việt Nam làm được như thế.

Tìm được VĐV có chất lượng và tiềm năng là không dễ. Cả 23 tuyển thủ Việt Nam dự Olympic 2016 đều là những cá nhân xuất sắc nhất của chúng ta. Nhưng không phải ai cũng hội đủ những tố chất để trở thành người hùng. Tất nhiên, người chiến thắng là người có tất cả và người không đạt được mục tiêu đặt ra coi như là thất bại. Thể thao của các quốc gia khác cũng vậy, không riêng của Việt Nam chúng ta.


NGUYỄN ĐÌNH

.

Tin cùng chuyên mục