Qua 15 ngày thi đấu, kể từ lúc mở màn của môn bóng đá nam, chiều qua 5-12, SEA Games 23 đã khép lại ở môn thi đấu cuối cùng là bóng chuyền nữ. Với 71 HCV, đoàn thể thao Việt Nam xếp thứ 3 trong bảng tổng sắp chỉ sau Thái Lan và nước chủ nhà. Như thế chỉ tiêu đứng trong top 3 của thể thao Việt Nam đã hoàn thành.
- Niềm vui ở những môn cơ bản

Nguyễn Hữu Việt và chiếc HCV bơi lội quí giá sau 44 năm mới tìm lại được.Ảnh: H.T
Cách đây 2 năm trên sân nhà, điền kinh Việt Nam đã làm nức lòng người hâm mộ khi đoạt đến 8 chiếc HCV – một con số trong mơ của Việt Nam ở môn thể thao Nữ hoàng. Lần này trên đất khách, các tuyển thủ điền kinh tiếp tục lặp lại thành tích cũ và lẽ ra sẽ còn vượt hơn nếu nội dung 1500m nam không phạm qui. “Nữ hoàng lên ngôi” là một niềm vui lớn cho thể thao Việt Nam khi môn thể thao cơ bản số 1 ngày càng có bước tiến vững chắc.
Trong đó, những nội dung nhảy cao, các cự ly chạy trung bình nam, nữ vị trí số 1 hiện đang là của Việt Nam. Chưa kể VĐV Vũ Thị Hương đã ghi tên vào lịch sử điền kinh nước nhà khi trở thành nhà vô địch SEA Games ở cự ly chạy tốc độ.
Sau 44 năm, bơi lội Việt Nam đã có lại chiếc HCV của Nguyễn Hữu Việt ở nội dung 100m ếch. Một niềm vui lớn cho làng bơi Việt Nam khi chiếc HCV này sẽ khởi đầu những sự quan tâm hơn của UBTDTT để đường đua xanh nước nhà có sự khởi sắc hơn.
Sự lên ngôi của Thể dục dụng cụ ở môn thể dục với 5 chiếc HCV là một bất ngờ, nhưng không ngoài dự đoán khi bộ môn đã có sự chuẩn bị rất kỹ và các VĐV đã có một quá trình khổ luyện gần 10 năm tại Trung Quốc.
Sự khởi sắc và vững mạnh ở những môn thể thao cơ bản tại SEA Games là một tín hiệu vui cho thể thao nước nhà, bởi đó là một nền móng vững chắc để khẳng định sự phát triển và lớn mạnh của thể thao Việt Nam.
14 năm trước cũng tại Manila, đoàn TTVN tham dự SEA Games 16-1991 chỉ với 100 VĐV và tranh tài ở 15 môn, đoạt 7 HCV và đứng thứ 7/9 đoàn tham dự. Nay số VĐV đã lên trên 500, tranh tài ở 31 môn và đoạt 71 HCV và xếp thứ 3 tổng sắp. Con số tăng lên và vị thế trong khu vực đã khác.
- Còn đó những âu lo
Nếu như điền kinh là niềm vui lớn, thì đây cũng là nỗi âu lo khi thành tích hai môn nhảy cao nam, nữ vẫn chưa đúng tầm mong đợi. Một số nội dung do tính toán sai lầm trong chiến thuật đã khiến điền kinh mất đi chiếc HCV nhảy sào nữ cũng như 1500m nam, chưa kể sự xấu hổ vì VĐV Việt Nam chơi xấu trước mắt hàng ngàn khán giả. Ngoài ra, những nội dung nhảy xa, nhảy tam cấp nam, nữ và chạy tốc độ của nam đang là một khoảng trắng đáng lo. HLV trưởng Dương Đức Thủy nhìn nhận: “Thành tích của điền kinh Việt Nam hiện vẫn chỉ là ở mức độ ăn xổi theo thời vụ chứ chưa có sự định hướng và kế hoạch lâu dài”.
Trên đường đua xanh, được chiếc HCV 100m ếch thì các nội dung khác lại trắng tay. Sự đầu tư cho bơi lội lâu nay vẫn chưa bao giờ được quan tâm đúng tầm. Trong khi đó, các địa phương vẫn mãi chạy theo thành tích cục bộ ở các giải trong nước mà xem nhẹ các giải đấu quốc tế. Đơn cử tại giải VĐQG vào tháng 9, một số nội dung bơi có thành tích tăng “đột biến” rồi lại rơi “đột ngột” ở SEA Games.
Nếu như 14 năm trước, các cô gái bóng bàn Việt Nam đã làm nức lòng người hâm mộ với chiếc HCV đồng đội nữ. Nhưng đến thời điểm này, bóng bàn nữ Việt Nam đã không còn cửa gì trong khu vực, và các nhà vô địch nam đã trở thành “cựu vô địch” khi chẳng lấy được một chiếc vàng nào. Những môn thế mạnh là bắn súng, đua thuyền... cũng không còn giữ được vị thế hàng đầu.
Lâu nay, mỏ vàng của thể thao Việt Nam luôn tập trung vào những môn có sự can thiệp của trọng tài như các môn võ thuật, thể hình, Aerobic… và trước mỗi kỳ đại hội, chúng ta luôn nơm nớp lo lắng về sự thiên vị của đội ngũ “cầm cân nẩy mực”. Mà điều này đã, sẽ và luôn xảy ra ở bất kỳ đại hội nào, đấu trường SEA Games lại càng tệ. Đại hội lần này cũng không ngoại lệ và trong những nạn nhân luôn có tên VĐV Việt Nam.
Sau chủ trương “đi tắt, đón đầu”, nay với vị thế trong Top 3 khu vực và sự phất lên mạnh mẽ ở những môn thể thao cơ bản, đã đến lúc ngành thể thao Việt Nam cần có sự định hướng nghiêm túc và đầu tư mạnh mẽ hơn cho các môn mỏ vàng thật sự để có thể bước dài, bước vững chắc tại các kỳ đại hội thể thao, chứ không thể mãi theo kiểu “đếm cua trong hang” như hiện nay, rồi sau đó khi không đạt được như mong muốn lại đổ vấy cho trọng tài thiên vị, nước chủ nhà xử ép.
Sau SEA Games 23 sẽ là SEA Games 24, cao hơn nữa là ASIAD, Olympic… và sau mỗi đại hội thể thao ấy, đoàn Việt Nam sẽ luôn có những cái kết đẹp. Điều đó, mong lắm thay.
ĐỖ TUẤN