Thể thao Việt Nam với Olympic: VĐV vẫn thiệt nhất

Olympic 2016 đã kết thúc và 23 tuyển thủ của chúng ta trở lại công việc thường ngày tập luyện chuẩn bị giải đấu tiếp theo. Sau Olympic 2016, nhiều người trong số họ đã nổi tiếng, có người lại muốn quên đi một kỳ Olympic không thành công. Trên hết, mọi người mong mỏi từ kết quả thi đấu của mình, hình ảnh được phát triển rộng khắp hơn.

1 Trong 23 người dự Olympic 2016, chỉ có VĐV cầu lông, bơi là những người có hợp đồng tài trợ cá nhân từ các hãng sản xuất đồ thể thao của nước ngoài. Còn lại, tất cả đều sử dụng đồ thể thao do hãng trong nước tài trợ cho đoàn thể thao Việt Nam. Hình ảnh xạ thủ Hoàng Xuân Vinh khi ra thi đấu mặc áo có logo của một hãng sản xuất đồ thể thao quốc tế cũng như…đeo đồng hồ là ràng buộc của những nhà tài trợ khi ký kết cùng Liên đoàn bắn súng Việt Nam. Các nhà tài trợ trên đã ký hợp đồng tài trợ trang phục cho thành viên đoàn bắn súng Việt Nam dự Olympic 2016 nên sản phẩm tài trợ được dùng tại Rio de Janeiro. Nhưng đó là chuyện tài trợ cùng Liên đoàn bắn súng Việt Nam chứ không phải hợp đồng cho riêng xạ thủ nào.

Xuân Vinh mặc áo thi đấu và đeo đồng hồ của nhãn hàng tài trợ.

Tiến Minh, Vũ Thị Trang, Nguyễn Thị Ánh Viên là những tay vợt đã có hợp đồng tài trợ riêng từ trước. Mặc nhiên, họ được nhãn hàng trang bị đồ dùng tối ưu nhất khi thi đấu. Nhất là ở Olympic, VĐV xuất hiện cùng thương hiệu thì đôi bên (từ người thi đấu cho tới nhà cung cấp sản phẩm) đều lợi. Hơi tréo nghoe một chút cho cả Minh và Trang vì đều phải sử dụng sản phẩm Yonex tại Olympic 2016. Dù thực tế, họ được tài trợ của nhà sản xuất khác. Nhưng vì thương hiệu trên đã độc quyền tài trợ cho đội cầu lông quốc gia nên Minh và Trang phải sử dụng mà không thể làm khác.

VĐV các môn thể thao ở Việt Nam (kể cả bóng đá) được một nhà sản xuất đồ thể thao tìm đến đặt vấn đề tài trợ độc quyền cá nhân không nhiều. Nếu không muốn nói là hiếm hoi. Kể cả những người nổi tiếng như Hoàng Xuân Vinh, Thạch Kim Tuấn, Phan Thị Hà Thanh hay Nguyễn Thị Huyền thường ngày tự bỏ tiền sắm đồ dùng, trang thiết bị cá nhân thi đấu cho mình. Không ai tài trợ khoản này. Khi vào giải tính chất đại hội, nếu đoàn Việt Nam có nhà tài trợ trang phục thì họ sẽ được cấp sử dụng. Bằng không, từng người tự sắm sản phẩm theo hãng tùy thích và phù hợp tài chính bản thân.

2 Chính vì thế, lĩnh vực kinh doanh hình ảnh thể thao từ VĐV bị bỏ ngỏ tại Việt Nam. Một số thương hiệu sản xuất đồ thể thao từng ký hợp đồng tài trợ cho một số cá nhân và quay hình ảnh quảng cáo. Nhưng sự lâu dài là không có. Sau thành công trong năm 2015, Ánh Viên và Cẩm Hiền đã được hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam mời ghi hình quảng bá hình ảnh và phát liên tục trên các kênh quảng bá của mình.

Tương lai, nếu xạ thủ Hoàng Xuân Vinh được nhiều nhà sản xuất đồ thể thao mời làm đại diện hình ảnh tại Việt Nam thì hoàn toàn xứng đáng. Xạ thủ số 1 là người hùng của thể thao chúng ta phải được như thế. Dù cho, bắn súng là môn đặc thù và quảng bá hình ảnh không đơn giản. Một số VĐV Việt Nam từ Rio de Janeiro trở về đã chia sẻ nhiều tuyển thủ của các quốc gia dự Olympic có sẵn nhà tài trợ thể thao trang bị đầy đủ từ vớ, giày cho tới trang phục thi đấu. VĐV của chúng ra ngưỡng mộ điều này. Mặc dù không phải tất cả các đoàn đều được như vậy vì vẫn có VĐV của quốc gia nghèo phải sử dụng đồ may mặc trong nước chứ không thể sắm sản phẩm xịn đắt tiền.

 HLV trưởng đội bắn súng Nguyễn Thị Nhung cho biết Liên đoàn bắn súng Việt Nam và bộ môn bắn súng (Tổng cục TDTT) sẽ tổ chức gặp gỡ tặng quà các xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và Trần Quốc Cường đã thi đấu tại Olympic 2016 mới đây. Dự kiến chương trình diễn ra ngày 23-8.

NGUYỄN ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục