Máy bay Malaysia bị bắn rơi: Nga và Ukraine đổ lỗi cho nhau

Máy bay Malaysia bị bắn rơi: Nga và Ukraine đổ lỗi cho nhau

* Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc họp khẩn vì máy bay MH17

Theo thông tin từ trang theo dõi đường bay trực tuyến Flight Aware, những ngày trước đó, các chuyến bay cùng hành trình với chuyến bay của MH17 thuộc Hãng hàng không Malaysia (MAS) đều bay theo đường bay lệch về phía Nam, qua bán đảo Crimea. Nhưng đến ngày 17-7, đột nhiên MH17 thay đổi đường bay, dịch lên phía Bắc, ngang qua vùng chiến sự căng thẳng và tối cùng ngày thì xảy ra thảm họa.

Khẩn cấp điều tra

Máy bay MH17 bị bắn khi đang ở độ cao 10.000m trước khi biến mất khỏi màn hình radar. Trung tâm kiểm soát không lưu tại châu Âu Eurocontrol cho biết, tuyến đường này đã bị Chính phủ Ukraine giới hạn độ cao 9.700m. Hiện nay, nhiều nghi vấn cho rằng máy bay của MAS đã bay vào vùng chiến sự căng thẳng và vô tình bị tên lửa bắn hạ. Các phi công của MAS có thể đã phớt lờ một số cảnh báo tránh không phận của Ukraine.

Hiện trường máy bay MH17 sau khi gặp nạn.

Hiện trường máy bay MH17 sau khi gặp nạn.

Trong cuộc họp báo tổ chức sáng 18-7, Thủ tướng Malaysia Najib Razak khẳng định nếu chiếc máy bay MH17 đã thật sự bị bắn hạ, Malaysia yêu cầu phải đưa thủ phạm ra xét xử trong thời gian sớm nhất. Ông cho biết, một số trung tâm hoạt động khẩn cấp đã được thiết lập. Các quan chức Malaysia đã giữ liên lạc thường xuyên với những đối tác Ukraine và các nước khác. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko yêu cầu thành lập ngay một Ủy ban nhà nước để điều tra vụ việc.

Trong cuộc họp khẩn tối cùng ngày, LHQ kêu gọi thực hiện lệnh ngừng bắn tại khu vực miền Đông Ukraine. Đồng thời, ra thông báo kêu gọi tổ chức cuộc “điều tra quốc tế độc lập, toàn diện và kỹ lưỡng về vụ tai nạn máy bay cùng trách nhiệm liên quan”.

Trước đó, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond yêu cầu mở một cuộc điều tra do LHQ đứng đầu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barroso và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Manuel Barroso cũng đưa ra kêu gọi tương tự. Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng lên tiếng yêu cầu tiến hành điều tra vụ việc.

Theo giới chức an ninh Mỹ, máy bay MH17 của MAS đã bị bắn hạ bởi một tên lửa đất đối không Buk. Máy bay bay ở tầm cao 10.000m, tức là nằm trong tầm với của các tên lửa Buk mà cả lực lượng Nga và Ukraine đều sở hữu. Giới phân tích quân sự cho hay, trước khi xung đột ở Ukraine bắt đầu, lực lượng chính phủ Kiev có 6 đến 8 hệ thống tên lửa này. Một nhóm các điều tra viên thuộc Ủy ban an toàn hàng không quốc gia Mỹ và Cục điều tra liên bang Mỹ đến Ukraine để hỗ trợ điều tra nguyên nhân vụ tai nạn. Lực lượng chống đối chính phủ Kiev đã cam kết không cản trở lực lượng điều tra.

Tối cùng ngày, CNN đưa tin, theo kết luận sơ bộ của các chuyên viên tình báo Mỹ, lực lượng chống đối là thủ phạm gây ra vụ thảm họa này. Mỹ đang phân tích đường đi của tên lửa để biết vị trí tên lửa được bắn ra.

Nhiều nghi vấn

Trong ngày 18-7, truyền thông Nga và Ukraine liên tục cáo buộc lẫn nhau trong vụ máy bay MH17 bị bắn hạ. Theo Russia Today, tên lửa của Ukraine có thể đã nhắm vào chiếc chuyên cơ số 1 chở Tổng thống Nga Putin đang trên đường về Mátxcơva từ Brazil, nhưng đã nhầm sang chiếc máy bay MH17 của MAS bởi hai chiếc máy bay được sơn màu khá giống nhau.

Người thân khóc thương các nạn nhân.

Người thân khóc thương các nạn nhân.

Máy bay của Malaysia là chiếc Boeing 777-200, còn chiếc chuyên cơ chở ông Putin là Il-96. Vẫn theo Russia Today, chuyên cơ chở Tổng thống Nga Putin bay qua khu vực này vào lúc 16 giờ 21 phút theo giờ Mátxcơva, còn chiếc máy bay của Malaysia bay qua khu vực này vào lúc 15 giờ 44 phút. Tuy nhiên, sau đó Interfax cho biết chuyên cơ chở ông Putin không bay qua khu vực này do đang xảy ra xung đột.

Theo nhân viên điều hành bay người Tây Ban Nha, người thực hiện dẫn đường cho MH17, trước thời điểm chiếc máy bay gặp nạn có hai máy bay tiêm kích Ukraine bay bên cạnh. Bộ trưởng Quốc phòng của nước Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng, ông Igor Strelkov cho rằng chiếc máy bay MH17 đã bị bắn hạ bởi các máy bay tiêm kích Ukraine. Theo Ria Novosti, Bộ Quốc phòng Nga bắt được tín hiệu hoạt động của thiết bị radar của hệ thống tên lửa Buk ở Ukraine hôm 17-7, thời điểm MH17 của Malaysia bị bắn rơi. Tên lửa Buk của Ukraine nằm trong diện nghi vấn được bố trí ở phía Nam Donetsk.

Để đáp trả, tờ Kiyv Post dẫn lời Giám đốc cơ quan an ninh quốc gia Ukraine, ông Valentyn Nalivaychenko cáo buộc 2 sĩ quan tình báo Nga dính dáng tới các phần tử chống đối trong việc bắn hạ máy bay MH17. Theo đoạn ghi âm do ông Nalivaychenko công bố, cuộc trò chuyện của 2 quan chức tình báo Nga và các tay súng thuộc lực lượng chống đối ở miền Đông Ukraine đã nhắc đến vụ tai nạn vào lúc 16 giờ 33 phút giờ địa phương ngày 17-7. Một tay súng chống đối tự xưng là “thiếu tá” nói với một người khác có tên Grek rằng đã bắn rơi một máy bay dân sự.

Cũng theo Kiyv Post, trên mạng xã hội, ông Igor Girkin, người có biệt danh là Strelkov, lãnh đạo lực lượng quân đội ở Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng ở miền Đông Ukraine đã thừa nhận bắn hạ máy bay MH17 vào ngày 17-7. Ông Girkin viết: “Máy bay vừa bị bắn hạ ở đâu đó quanh Torez. Nó nằm ở đó, sau mỏ Progress. Chúng tôi đã cảnh báo các người, đừng có bay trên vùng trời của chúng tôi”. Song thông điệp trên đã bị xóa sau khi nhiều nguồn tin xác nhận là máy bay Malaysia bị tên lửa bắn hạ.

Sau khi tìm thấy 2 chiếc hộp đen, Chính phủ Ukraine và phe chống đối đã nảy sinh tranh cãi về việc chuyển những bằng chứng này đến địa điểm nào. Bộ Ngoại giao Ukraine tuyên bố theo Luật Hàng không quốc tế, các hộp đen của MH17 cần phải được giữ lại trên lãnh thổ Ukraine. Còn phía Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng thì khẳng định nên đưa hộp đen đến Nga để phân tích dữ liệu. Nga hiện đang có trụ sở Ủy ban hàng không liên chính phủ (IAC) do 12 quốc gia thuộc Liên Xô cũ tham gia.

Tưởng niệm các nạn nhân tại Hà Lan.

Tưởng niệm các nạn nhân tại Hà Lan.

* Trong số 298 người thiệt mạng có 189 người Hà Lan, 44 người Malaysia (gồm tổ bay), 27 người Australia, 12 người Indonesia, 9 người Anh, 4 người Đức, 4 người Bỉ, 3 người Philippines và 1 người Canada, 1 người New Zealand. Trên chuyến bay có 80 trẻ em, trong đó có 3 trẻ sơ sinh. Còn 4 người chưa rõ quốc tịch. Hơn 100 hành khách có mặt trên chuyến bay là các nhà khoa học hàng đầu đến Australia tham dự Hội nghị về AIDS. Theo BBC, trên chuyến bay có ít nhất 1 gia đình gốc Việt mang quốc tịch Hà Lan, gồm người mẹ và 2 người con.

* Chủ tịch Hãng hàng không Malaysia cho biết, gia đình mỗi thân nhân trên máy bay MH17 sẽ được nhận bồi thường 5.000 USD.

* Trong ngày 18-7, đồng ringgit Malaysia giảm 0,4% so với USD, cổ phiếu của MAS rớt giá 13%. Giá vàng đã tăng 18 USD lên 1.318 USD/ ounce. Giá dầu tăng mạnh với giá dầu giao ngay tháng 8 tăng lên mức 103.19 USD/thùng. Chỉ số chứng khoán MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 0,6%. Các sàn chứng khoán châu Âu, Mỹ đồng loạt có phiên giao dịch giảm điểm.

THANH HẰNG (tổng hợp)


Việt Nam gửi lời chia buồn sâu sắc về việc máy bay MH17 gặp nạn

(SGGP).- Được tin chiếc máy bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia gặp nạn tại miền Đông Ukraine ngày 17-7-2014 và toàn bộ hành khách cùng phi hành đoàn đã thiệt mạng, ngày 18-7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi điện chia buồn tới Quốc vương Malaysia Apdul Halim Mu’adzam Shah. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gửi điện chia buồn tới Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã gửi điện chia buồn tới Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte.

Ngày 18-7, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc máy bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia bị rơi tại miền Đông Ukraine, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Việt Nam hết sức đau buồn khi nhận được tin máy bay mang số hiệu MH17 của Hãng hàng không Malaysia gặp nạn khiến nhiều người thiệt mạng. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn và cảm thông sâu sắc đến Chính phủ, nhân dân các quốc gia và gia đình những người bị nạn”.

Về phản ứng của Việt Nam trước tình hình căng thẳng ở miền Đông Ukraine trong những ngày gần đây, ông Lê Hải Bình cho biết: “Việt Nam hết sức lo ngại trước những diễn biến phức tạp và tình trạng bạo lực gia tăng tại các tỉnh miền Đông Ukraine. Chúng tôi mong muốn các bên liên quan kiềm chế, tránh những hành động làm phức tạp thêm tình hình và gây tổn thất cho người dân, nỗ lực thông qua đối thoại để tìm giải pháp hòa bình, vì hòa bình, ổn định và phát triển của Ukraine và khu vực”.

* Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Minh Trí cho biết Đại sứ quán đã phối hợp với Bộ Ngoại giao Ukraine, Ủy ban di trú Ukraine cũng như ngành giao thông nước này, sẵn sàng phối hợp để đưa người Việt Nam từ Donetsk về Kiev an toàn.

THÀNH NAM

Vietnam Airlines điều chỉnh một số đường bay đi châu Âu

Ngày 18-7, ông Lê Trường Giang, người phát ngôn của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) thông báo, do chuyến bay Malaysia Airlines gặp tai nạn tại Ukraine, Vietnam Airlines đã cho dừng 4 chuyến bay ngày 17-7 là VN37 Hà Nội - Frankfurt (Đức), VN17 Hà Nội - Paris (Pháp), VN55 Hà Nội - London (Anh) và VN11 TPHCM - Paris (Pháp) để điều chỉnh lại đường bay và xin phép bay. Các chuyến bay này sau đó đã khởi hành vào sáng sớm 18-7, chậm từ 3 giờ 25 phút đến 5 giờ 10 phút so với kế hoạch dự kiến. Ngay từ khi diễn ra khủng hoảng tại Ukraine, Vietnam Airlines đã chủ động triển khai điều chỉnh đường bay tránh vùng chiến sự để đảm bảo an toàn. Do được chuẩn bị trước nên việc xin phép bay theo không phận mới đã được thực hiện nhanh chóng.

MỸ HẠNH

Một số thảm họa máy bay dân sự do tên lửa, hỏa lực quân sự

Máy bay mang số hiệu MH17 của Hãng hàng không Malaysia không phải là trường hợp đầu tiên bị tên lửa, hỏa lực quân sự bắn rơi trong lịch sử hàng không thế giới.

* Ngày 21-2-1973: chiếc máy bay Boeing 727 của Hãng hàng không Libya từ Tripoli tới Cairo bay sai lộ trình, đi qua không phận của Israel. Chính quyền Tel Aviv khi đó tuyên bố máy bay trên từ chối cung cấp danh tính, buộc 2 tiêm kích F-4 Phantom phải khai hỏa. Chiếc máy bay bị mất kiểm soát khi tiếp đất và phát nổ. 108 người thiệt mạng, có 5 người may mắn sống sót.

* Ngày 1-9-1983: chiếc máy bay chiến đấu Su-15 của Liên Xô bắn rơi máy bay chở khách Boeing 747 của Korean Airlines khi đang trên đường từ New York tới Seoul vì nhầm với một phi cơ gián điệp. Chiếc máy bay dân sự trên đang bay qua vùng đảo Sakhalin thuộc không phận Liên Xô. Toàn bộ 269 người có mặt trên máy bay thiệt mạng.

* Ngày 3-7-1988: Tàu chiến USS Vincennes (Mỹ) bắn rơi chiếc máy bay Airbus A300 chở 290 người của Iran khi đang bay qua Vịnh Persic. Mỹ đã nhầm máy bay trên là chiến đấu cơ bởi thời gian đó diễn ra cuộc chiến giữa Iraq và Iran. Mỹ phải trả hơn 130 triệu USD, trong đó có tiền bồi thường cho gia đình của 290 nạn nhân, để dàn xếp vụ việc.

* Ngày 4-10-2001: Quân đội Ukraine phóng nhầm tên lửa đất đối không khi đang tập trận ở bán đảo Crimea khiến máy bay Tupolev TU-154 của hãng Air Siberia (Nga) nổ tung, làm 78 người trên máy bay thiệt mạng.

CAO VĂN


>> Nga: Máy bay MH17 bị bắn hạ giống chuyên cơ Tổng thống Putin

>> 298 người thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay Malaysia

Tin cùng chuyên mục