Cơ hội mong manh

Kết quả cuộc trưng cầu ý dân ở Hy Lạp lại đặt ra cho các nhà lãnh đạo EU thêm một ẩn số cho bài toán hóc búa Hy Lạp. Như vậy, khả năng Hy Lạp phải rời khỏi Eurozone là rất lớn, kèm theo những tác động và hệ quả vô cùng khó lường đến toàn bộ khu vực.

Nếu Hy Lạp bị loại ra khỏi Eurozone, điều đó không chỉ gây thiệt hại kinh tế to lớn, có thể lên tới hàng ngàn tỷ EUR, mà còn kéo theo sự đổ vỡ niềm tin vào chiến lược xây dựng liên minh lâu dài. Ngoài nguy cơ các chủ nợ quốc tế mất trắng khoản cho vay lên đến 242,8 tỷ EUR, chủ yếu nằm trong hai gói cứu trợ cùng số trái phiếu chính phủ của Hy Lạp, hiện do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các ngân hàng trung ương của các quốc gia Eurozone nắm giữ, việc Hy Lạp hoàn toàn đoạn tuyệt với đồng EUR được ví như “một trận động đất kinh hoàng” khi nó có thể gây ra “hiệu ứng dây chuyền” đe dọa toàn bộ tương lai của đồng EUR. Điều này đặt EU vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Ngay cả các nhà lãnh đạo EU và Eurozone giờ đây cũng phải lựa chọn “có hay không” đối với bài toán Hy Lạp.

Về phần mình, Hy Lạp cũng tỏ ý nhượng bộ phần nào khi đưa ra những đề nghị cải cách mới và cam kết sẽ khắc phục tình trạng trốn thuế. Theo tuần san NZZ am Sonntag của Thụy Sĩ, Hy Lạp đang xem xét một lệnh ân xá dành cho những người dân nước này trốn thuế bằng cách giấu tiền ở các ngân hàng Thụy Sĩ. Lượng tài sản trốn thuế của công dân Hy Lạp trong các tài khoản không công bố ở ngân hàng Thụy Sĩ ước tính vào khoảng 200 tỷ EUR. Người phát ngôn Bộ Tài chính Thụy Sĩ xác nhận đề xuất ân xá của Hy Lạp, song từ chối bình luận về nội dung cụ thể. Bản thân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras ngay sau khi có kết quả trưng cầu dân ý cũng tuyên bố Athens sẵn sàng tiếp tục đàm phán về kế hoạch cải cách, bởi nước này không muốn rời khỏi Eurozone.

EU và Hy Lạp sẽ phải gấp rút nối lại cuộc thương lượng nhằm tìm giải pháp cho tình trạng bế tắc hiện nay trước thềm hội nghị thượng đỉnh Eurozone. Đây được coi là cơ hội cuối cùng để các bên đạt được thỏa thuận trước khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cắt nguồn Hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA), hiện ở mức khoảng 89 tỷ EUR, cho các ngân hàng Hy Lạp. Vấn đề là các bên có thể thỏa hiệp tới đâu, và những thỏa hiệp này có phải là chiếc phao cứu sinh cho cả Hy Lạp lẫn Eurozone hay không? Báo điện tử Kinh tế tham khảo của Trung Quốc cho rằng việc người dân Hy Lạp nói không với các biện pháp thắt lưng buộc bụng cũng chỉ là giải pháp tình thế. Đây là nước cờ mạo hiểm mang tính rủi ro rất cao, bởi nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đều thẳng thừng tuyên bố rằng họ coi kết quả này đồng nghĩa với lựa chọn rời khỏi Eurozone. Và việc người dân Hy Lạp tỏ thái độ lạnh nhạt với Eurozone chắc chắn sẽ khiến các cuộc thương lượng giữa nước này với nhóm các Bộ trưởng Tài chính Eurozone sau cuộc trưng cầu ý dân đối mặt với những thách thức mới. Dù thế nào thì bài toán Hy Lạp vẫn còn tiếp tục làm đau đầu EU khi khối này cũng đang phải đương đầu với những thách thức to lớn, từ nguy cơ khủng bố tới vấn nạn nhập cư.

VIỆT ANH

>> Hy Lạp nói “không”, Eurozone họp khẩn

Tin cùng chuyên mục