Thêm bước đột phá của ngành hàng lúa gạo

Bộ NN-PTNT đang hoàn thiện những bước cuối cùng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.

Nông dân, doanh nghiệp và chính quyền các tỉnh, thành ĐBSCL đang đặt kỳ vọng vào câu chuyện lúa gạo miền Tây sẽ tạo được thương hiệu, giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, và hơn hết là bắt tay vào những mô hình sản xuất giảm phát thải khí nhà kính.

Nông dân vùng tứ giác Long Xuyên thu hoạch lúa đông xuân chất lượng cao

Nông dân vùng tứ giác Long Xuyên thu hoạch lúa đông xuân chất lượng cao

Sản xuất thân thiện với môi trường

“Chúng tôi rất kỳ vọng vào đề án. Chắc chắn khi triển khai thực hiện, đề án không chỉ hướng đến hiệu quả kinh tế, an ninh lương thực, tạo thu nhập cao hơn cho nông dân, mà còn phải đảm bảo đa mục tiêu trong tình hình mới, gồm thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm được lượng khí metan (gây hiệu ứng khí nhà kính) do canh tác lúa gây ra, góp phần chuyển đổi tư duy sản xuất, nâng cao chất lượng, tạo giá trị gia tăng và phát triển bền vững của các tỉnh vùng ĐBSCL nói chung và Hậu Giang nói riêng”, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, chia sẻ.

Mục tiêu chính của đề án này là giúp nông dân sản xuất lúa theo hướng bền vững, hình thành các vùng trọng điểm sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, có sự đầu tư bài bản và liên kết chuỗi giá trị. Qua đó, nâng cao giá trị hạt gạo, tăng thu nhập nhiều hơn cho nông dân trồng lúa. Đồng thời xây dựng thương hiệu gạo, tăng tính cạnh tranh trên thế giới. Phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao lần này cũng nhằm mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thân thiện với môi trường, gắn với tăng trưởng xanh…

“Đề án có mục tiêu xuyên suốt là hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao với hệ thống sản xuất được tổ chức theo chuỗi giá trị; áp dụng các tiêu chuẩn bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho người trồng lúa”, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho biết.

Để đạt được kết quả giảm phát thải khí CO2, đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025, giảm lượng giống gieo sạ còn 80kg/ha, giảm lượng phân bón có nguồn gốc hóa học 30%, giảm lượng nước tưới 30%. Đến năm 2030, giảm lượng giống gieo sạ còn 80kg/ha, giảm lượng phân bón có nguồn gốc hóa học 40%, giảm lượng nước tưới 30%. Hiện các doanh nghiệp rất đồng tình với đề án, khi định vị ngành nông nghiệp nói chung và ngành lúa gạo nói riêng đi theo hướng tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu là hướng đi đúng, phù hợp với xu thế tiêu dùng mới hiện nay.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, chia sẻ với góc độ người tiêu dùng: “Không sớm thì muộn, nhãn sinh thái là bắt buộc phải có trên sản phẩm mới được đưa lên kệ hàng của những trung tâm tiêu dùng, chứ không chỉ là nâng cao chất lượng”.

Còn ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, cho rằng: Đề án chắc chắn sẽ mang đến những lợi ích thiết thực cho nông dân. Vấn đề là cần phát huy tối đa vai trò của các HTX sản xuất lúa - một mắt xích quan trọng để thực hiện đề án.

Chuyển đổi tư duy sản xuất

Đánh giá về đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, một số chuyên gia kinh tế nước ngoài cho rằng: Đề án lần này là bước đột phá của ngành hàng lúa gạo ĐBSCL, đưa Việt Nam thành nước đầu tiên thực hiện sản xuất lúa gạo gắn với tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính.

Ông Cao Thăng Bình, chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của WB tại Việt Nam, gợi mở đến chuyện bán tín chỉ CO2 thông qua đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam.

Theo ông Cao Thăng Bình, thời điểm hiện nay là cơ hội chín muồi, bởi nhóm thực hiện dự án VNSAT đã thực hiện thành công dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững, giúp giảm lượng phát thải khí CO2 rất lớn (dự án VNSAT được triển khai từ năm 2015, kết thúc vào tháng 6-2022, gồm các hợp phần: tăng cường năng lực, thể chế, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; hỗ trợ phát triển lúa gạo bền vững…).

Hiện số lượng 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL trong đề án đã được các địa phương trong vùng đăng ký. Thậm chí đã có dấu hiệu các doanh nghiệp trong ngành lúa gạo đăng ký diện tích sản xuất trong đề án như “xí phần, giẫm chân lên nhau”.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã lưu ý: Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL không phải là một hình thức “lobby chính sách”.

“Đề án lần này là xác lập, định hình rõ nét cấu trúc doanh nghiệp - nông dân - Nhà nước trong chuỗi sản xuất lúa gạo; không chỉ giúp nông dân gia tăng giá trị lúa gạo mà còn giúp vựa lúa miền Tây chuyển đổi tư duy sản xuất trong ngành hàng lúa gạo”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nêu ý kiến: Cần phải có chính sách đặc thù để thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Bởi ĐBSCL vừa phải đảm bảo an ninh lượng thực, vừa phải trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính. Cần tập trung các giải pháp giúp nông dân giảm giá thành; chuyển đổi số theo hướng truy xuất nguồn gốc; tăng tính cạnh tranh cho lúa gạo cao hơn.

Tin cùng chuyên mục