Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Bí thư Thành ủy TPHCM; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính tới dự. Cùng dự có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương và gần 400 đại biểu tiên tiến trong cả nước.
Đây là dịp để tiếp tục tuyên truyền và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực; góp phần khơi dậy, cổ vũ sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy mạnh mẽ nội lực, tạo động lực tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở từng ngành, từng cấp, từng địa phương và cả nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020).
Theo Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, thực hiện Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, phong trào thi đua đã phát động rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, trên khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu: “Nông dân sản xuất giỏi”, “Cây sáng kiến”, “Công nhân tiên tiến tiêu biểu”, “Cựu chiến binh giúp nhau xóa đói giảm nghèo”, “Phụ nữ tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, “Thanh niên ưu tú, lập thân lập nghiệp”, “Công dân tiêu biểu”, “Đội xe máy cứu thương tự nguyện”... Các điển hình tiên tiến với nhiệm vụ, hoàn cảnh, độ tuổi khác nhau, song đều tỏa sáng tinh thần yêu nước, sống có lý tưởng, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, giản dị, khiêm tốn, giàu lòng nhân ái, làm sáng ngời truyền thống yêu nước, phẩm chất anh hùng, ý chí tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam…
Trong 377 gương mặt điển hình tiên tiến tham dự lễ tuyên dương lần này, đại biểu lớn tuổi nhất là ông Vũ Văn Thuật (71 tuổi), nông dân xã Thống Kê, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, điển hình về đóng góp xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hải Dương. Đại biểu nhỏ tuổi nhất là em Huỳnh Hoàng Khánh (14 tuổi), học sinh xuất sắc và có nhiều sáng kiến hay của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam, tỉnh Hậu Giang. Những người được tôn vinh đều là những tấm gương tiêu biểu, những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa thi đua yêu nước. Trong số đó, có xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, vận động viên đầu tiên của Việt Nam đoạt được Huy chương vàng tại Thế vận hội Olympic; cô giáo Nguyễn Thị Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, dũng cảm cùng đồng nghiệp cứu 15 cháu nhỏ thoát khỏi nước lũ…
Phát biểu tại sự kiện, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, bên cạnh gần 400 điển hình tiên tiến về dự lễ tôn vinh, còn có rất nhiều tấm gương thầm lặng khác trên rất nhiều lĩnh vực, trên mọi miền của Tổ quốc, trong các tầng lớp dân cư, đồng bào ta đang lao động, học tập, sinh sống ở nước ngoài. Đằng sau những gương điển hình tiên tiến, đằng sau những việc làm tốt là những tấm lòng yêu nước, yêu chế độ, trọng nghĩa tình, tương thân tương ái với đồng bào, đồng chí và đồng đội; là quyết tâm làm giàu cho mình và cho quê hương, đất nước; là ý chí vươn lên nắm lấy những hiểu biết mới về khoa học và công nghệ để lao động có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Những cá nhân tiêu biểu được tuyên dương là những tấm gương sáng, là hạt nhân nòng cốt để góp phần làm cho phong trào thi đua ngày càng đi vào chiều sâu thực chất và đạt kết quả tốt hơn.
Nhắc lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, Tổng Bí thư nhấn mạnh, nếu làm khoa học, làm quản lý, làm lãnh đạo thì phải lao tâm khổ tứ, ngày đêm suy nghĩ, trăn trở, tìm mọi cách sáng tạo để thúc đẩy công việc. Nếu là người lao động bình thường thì hết lòng, hết sức tận tụy để đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao nhất, đóng góp được nhiều nhất. Thêm mỗi việc làm tốt, mỗi nghĩa cử cao đẹp là thiết thực góp phần xây dựng nền tảng đạo đức tốt đẹp trong xã hội, góp phần làm cho cuộc sống của mỗi người ngày càng tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.