Điện thoại cố định

Thêm một mạng hướng về vùng xa

Thêm một mạng hướng về vùng xa

Nhận định này được các chuyên gia đưa ra trước động thái mạng điện thoại cố định E-com của Công ty Viễn thông điện lực (EVN Telecom) chính thức ra mắt tại Gia Lai vừa qua.

Từ trước tới nay, nói tới việc phát triển mạng viễn thông nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người ta chỉ thấy Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) mặn mà với các chương trình, dự án như: đưa điện thoại về 100% xã trong cả nước, và mới đây nhất là lễ ký kết phát triển mạng Viễn thông nông thôn miền Trung vừa được diễn ra vào trung tuần tháng 10 này.

Thêm một mạng hướng về vùng xa ảnh 1

Điện thoại di động không còn xa lạ với nông dân.

Song nhiệm vụ thực hiện công ích vốn thường trực đặt trên vai VNPT dường như đã được chia sẻ cùng với EVN Telecom khi họ chính thức ra mắt dịch vụ điện thoại cố định không dây E-com. Sau hơn 1 năm thử nghiệm ở 5 địa phương Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, TPHCM và Đồng Nai, EVN Telecom vừa chính thức cung cấp dịch vụ điện thoại cố định không dây E-com tại địa bàn tỉnh Gia Lai.

Trao đổi với SGGP, ông Hoàng Minh Thái – Phó Giám đốc EVN Telecom cho biết: dự kiến trong tháng 10 này, dịch vụ E-com sẽ được triển khai ở địa bàn Hà Nội và thời gian tới sẽ triển khai rộng rãi ở tất cả các địa phương trên cả nước, trong đó có những địa phương thuộc diện nghèo.

Chắc hẳn đây không phải là một sự lựa chọn vô tình mà đã nằm trong chiến lược thực hiện của EVN Telecom. Dù rằng giá thiết bị đầu cuối của dịch vụ này còn khá cao với mức tối thiểu 1,2triệu đồng/máy nhưng lại có thuận lợi là vùng phủ sóng trên diện rộng nên có thể đáp ứng được nhu cầu của người dân ở các vùng sâu, vùng xa.

E-com được triển khai nhằm mục đích góp phần giảm thiểu những khó khăn trong việc đưa mạng điện thoại cố định về vùng sâu vùng xa với chi phí đầu tư mạng lưới rất tốn kém. Không chỉ có vậy, để tăng tính cạnh tranh cho một dịch vụ mới, EVN còn đưa ra giá cước khá “mềm” ở mức thuê bao 27.000 đồng/tháng và phí cuộc gọi nội vùng là 120 đồng/phút, ngang bằng cước điện thoại cố định của VNPT.

Với những ưu điểm trên của E-com, VNPT đã có thêm một doanh nghiệp cùng chung vai gánh vác nhiệm vụ “công ích” phát triển mạng viễn thông ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên lãnh đạo EVN Telecom không nghĩ như vậy. Theo họ, đây cũng là một mảng thị trường.

Bằng chứng là dù đầu tư tại đây cao như vậy nhưng giá cả dịch vụ thuộc EVN Telecom “mềm hơn” mạng điện thoại cố định hiện nay của VNPT. EVN Telecom chắc hẳn cũng đã lường trước được việc phải đối mặt với một thực tế dễ nhận thấy là: một số doanh nghiệp thuộc VNPT đã phải bỏ ra một số vốn không nhỏ chỉ để thu về doanh số vài chục ngàn đồng mỗi tháng.

Giám đốc Bưu điện tỉnh Gia Lai cho rằng việc triển khai dịch vụ E-com sẽ giúp phía Bưu điện có động lực hơn trong việc triển khai phát triển mạng lưới dịch vụ tới người dân. Theo ông, hiện số thuê bao điện thoại cố định trên mạng của VNPT đạt ở mức khoảng 6 triệu, so với thị trường hơn 80 triệu dân thì còn rất nhỏ bé. 

Dịch vụ điện thoại cố định không dây E-com sử dụng công nghệ tiên tiến CDMA 2.000 - 1X, tần số 450 Mhz với khả năng thu phát tối thiểu từ điện thoại đến trạm chính là 3 km và tối đa là 30 km. Ngoài nhiều dịch vụ gia tăng, điểm đặc biệt của E-com là tốc độ kết nối Internet cao gấp 3-4 lần so với điện thoại cố định có dây hiện nay.

(Nguồn: EVN Telecom)

PHẠM LÊ

Tin cùng chuyên mục