Thêm vào diễn đàn thảo luận

Tính chuyên nghiệp nơi công sở

Tính chuyên nghiệp nơi công sở

Do công việc, tôi có dịp làm việc với khá nhiều cán bộ các cấp tại các cơ quan công quyền và nhận thấy nhiều cán bộ có tác phong làm việc rất trì trệ, lề mề và có khi vô cảm. Các cán bộ, nhân viên này dường như chưa bao giờ được huấn luyện về tác phong làm việc chuyên nghiệp.

Đầu tiên là trang phục. Đến các công sở ai cũng có thể thấy vẫn còn khá nhiều cán bộ ăn mặc khá tuềnh toàng và tùy tiện. Thiết nghĩ, nếu các cơ quan công quyền chưa có điều kiện may đồng phục thì cũng nên có các quy định về trang phục để đảm bảo được tính văn minh, lịch sự tại các nơi này.

Thứ hai là cách xưng hô. Tiếng Việt rất phong phú. Nơi công sở ta nên dùng cách xưng hô tỏ rõ sự tôn trọng lẫn nhau trong giao tiếp cũng như thể hiện tính nghiêm túc, đoàng hoàng nơi chốn công quyền.

Thứ ba là tính ngăn nắp. Tôi nghĩ, trên bàn làm việc, các cán bộ cũng nên sắp xếp hồ sơ, sổ sách, các dụng cụ làm việc khác như bút, thước, máy tính… một cách gọn gàng. Tại một số nơi, trên bàn làm việc vẫn còn bày bừa rất nhiều thứ linh tinh như gói thuốc lá, gương, lược… thậm chí có nơi còn bày cả đồ ăn, thức uống nữa.

Cuối cùng là phải nói đến chuyện… nhân viên bảo vệ tại các công sở. Trong khi, tại hầu hết các khách sạn nhà hàng lớn đều có người tươi cười chào đón, thì tại khá nhiều cơ quan nhà nước, mỗi khi có việc đi vào, ấn tượng đầu tiên mọi người phải gặp lại chính là… bộ mặt khá lạnh lùng của nhân viên bảo vệ. Thậm chí có bảo vệ còn hoạch họe: “Gặp ai? Vào làm gì? Đi đâu?...”. Chính những thái độ này đã gây không ít khó chịu cho người dân mỗi khi họ có việc đến các cơ quan công quyền.

Thiển nghĩ, các điều trên tuy nhỏ nhưng cũng cần thiết để xây dựng “văn hóa công sở”  tại các cơ quan nhà nước.

HẢI ÂU
(Quận Tân Bình, TPHCM)

Ăn, nói, gói, mở…

Một lần, tôi đến đóng tiền cho chiếc điện thoại bàn của gia đình, đúng lúc các nhân viên trong phòng đang xúm xít ăn thịt quay  cùng với bánh mì. Một cô nhân viên vui vẻ chùi tay vào khăn giấy, đến làm thủ tục và thu tiền của tôi.

Lần khác, tôi lại đến nơi ấy. Lần này vào tầm 14 giờ. Một nữ nhân viên đứng tuổi, trước khi tiến hành công việc cho tôi, cô bứt một trái trong chùm chôm chôm trên đầu tủ, bóc vỏ, cho vào miệng. Lúc ấy, hoàn cảnh hiện tại, hình ảnh một người vừa ngậm “cục” trái cây trong miệng, vừa tiếp xúc khách hàng, trông thật khó coi và bất lịch sự…

Bất giác tôi nhớ đến câu “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Ắt hẳn  ông bà ta đã rất ý nhị khi đặt sự  ăn đứng vế đầu tiên. Chuyện ăn uống là nhu cầu cần thiết, tuy nhiên, không nên ăn trong giờ và trong phòng làm việc, trước mặt khách hàng.

Riêng đối với các trường học. Chuyện giáo viên không được phép ăn trong lớp, trước mặt học trò cũng là vấn đề đáng quan tâm. Ở đây tôi không bàn đến vấn đề văn hóa, lịch sự. Ta cứ thử hình dung ở những vùng sâu, vùng xa, có những em học sinh nhà nghèo, phải nhịn đói để đến trường… Nếu thi thoảng có cô giáo nào đó đem thức ăn sáng vào lớp, ngồi ăn trước mặt các em… sẽ vô tình làm đau lòng cả cô và trò.

Về “Học gói”, theo tôi, ở đây gói là mặc.

Mùa hè, tôi đưa thằng cháu vào trường xin giấy xác nhận là học sinh để làm thẻ thư viện cho cháu. Sau khi xong việc, tôi và cháu chào các cô giáo, rồi chợt thấy một nhân viên nam cỡ tuổi ba mươi, hỏi ra mới biết là bảo vệ của trường. Trời ạ! trong nhà trường, chú lại mặc quần đùi. Nếu cho là những ngày hè, hầu như không có khách hoặc học sinh đến trường, nhưng trước mặt các cô giáo trực trường, sao lại mặc loại quần chỉ nên ở trong phòng riêng. Đó là lịch sự tối thiểu không những chỉ với “khách hàng” mà còn là cả với đồng nghiệp ở nơi công sở, học đường.

BAO KIM THANH

Tin cùng chuyên mục