Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh lập kỳ tích
° Hoàng Xuân Vinh lớn tuổi nhất (42 tuổi) trong số 8 xạ thủ dự đợt bắn chung kết.
° Xuân Vinh đã thay súng và không sử dụng súng cũ tại Olympic 2016.
Những gì xạ thủ Hoàng Xuân Vinh làm được tại Rio de Janeiro (Brazil) vào rạng sáng 7-8 (theo giờ Việt Nam) đã làm người khó tính nhất cũng phải hài lòng. Lần đầu thể thao Việt Nam giành được 1 HCV tại một kỳ Olympic. Chúng ta gọi Hoàng Xuân Vinh là người hùng của dân tộc cũng sẽ không quá vì tấm huy chương của Olympic luôn mang ý nghĩa quá lớn lao cũng như khẳng định được vị thế thể thao của một quốc gia...
Hoàng Xuân Vinh trên bục cao vinh quang.
1. Ánh mắt và gương mặt lạnh thật sự trong suốt lượt bắn chung kết rồi cả khi xếp nhất giành HCV với tổng điểm 202,5 (phá kỷ lục Olympic), sự biểu cảm của Hoàng Xuân Vinh không thay đổi nhiều. Rõ ràng, xạ thủ nổi danh nhất của Việt Nam đã rèn cho mình một sự điềm tĩnh quá hoàn hảo. Nó là hình ảnh khác hoàn toàn với Hoàng Xuân Vinh cách đây 6 năm tại Asian Games 2010 ở Quảng Châu và 4 năm tại Olympic London 2012. Hai đại hội quan trọng đó, Hoàng Xuân Vinh đều lỡ nhịp nhận huy chương vàng chỉ vì viên đạt trượt khỏi nòng bay ngoài hồng tâm.
Câu chuyện tâm lý không ổn định vào phút quan trọng thường gắn với Xuân Vinh mỗi khi xạ thủ này thi đấu các giải quốc tế. Bốn năm kể từ sau thi đấu tại London (Anh), xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã thay đổi gần như hoàn toàn. HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung đưa vào những đổi mới trong huấn luyện và quan trọng, Xuân Vinh được cọ xát tối đa và khắc phục dần yếu tố tâm lý. “Thường thì những loạt cuối rất gay cấn. Tôi cũng chỉ tâm niệm sự nhắc nhở của HLV trưởng rằng lúc nào khó khăn nhất phải mạnh mẽ nhất. Mình cố gắng trấn tĩnh lại, hít thở sâu lấy cảm giác mới tự tin chiến thắng. Tôi mong các VĐV của mình cũng sẽ làm được như vậy để thành công tại Olympic 2016”, Xuân Vinh chia sẻ sau chiến thắng.
Xuân Vinh thi đấu chung kết.
Cuộc chiến cân não với xạ thủ Brazil (trái). Ảnh: T.L
Với một người lớn tuổi như Hoàng Xuân Vinh (42 tuổi), việc thay đổi và phải tập ổn định dần tâm lý là điều không dễ. Thậm chí, khi đã ở vai trò một người quản lý môn bắn súng của thể thao Quân đội, khó ai bắt được xạ thủ này thay đổi được. Thế nhưng, chính anh từng bảo, mình vẫn đau đáu một kết quả Olympic và phải hoàn thiện thì mới thành công bởi đã là một VĐV khoác áo lính thì không thể thấy khó mà thoái lui. 17 năm theo sự nghiệp VĐV bắn súng thể thao chuyên nghiệp, trước Olympic 2016, thành công của Xuân Vinh có nhiều nhưng tất cả vẫn luôn nghi ngại khả năng đạt kết quả của xạ thủ này tại Olympic. Khi viên đạn cuối cùng nhắm hồng tâm đạt 10,7 điểm qua đó chiến thắng thuyết phục với tổng 202,5 điếm (hơn 202,1 điểm của xạ thủ chủ nhà Wu Felipe Almeida), Hoàng Xuân Vinh đủ tự tin khẳng định, mình đã chiến thắng xứng đáng.
2. Tấm HCV đã đổi cách nhìn của thể thao thế giới với Việt Nam. Tất nhiên, trong một cuộc đấu rất căng thẳng và có tính chất quyết định thắng-thua chỉ trong khoảnh khắc, một chút may mắn cũng góp làm nên thành công. Nếu những Jin Jongoh (Trung Quốc), Wang Pei (Trung Quốc), Wu Felipe Almeida (Brazil) – những người mạnh nhất súng ngắn trên thế giới hiện tại - bắn không đều tay khiến điểm số tụt lại thì có thể cơ hội của Xuân Vinh đã khó hơn. Dù sao, chiến thắng vẫn là chiến thắng và tất nhiên, nhà vô địch phải có may mắn mới toàn diện.
Tự hào trong tiếng Quốc ca.
Khoảnh khắc Xuân Vinh nhẹ nhàng bắt tay 2 xạ thủ xếp sau mình là Wang Pei và Wu Felipe Almeida trước khi lên bục số 1 nhận HCV cho thấy sự lịch thiệp và rất tôn trọng đối thủ. Khi Xuân Vinh nhận HCV, những tiếng vỗ tay từ chính đối thủ đã thay lời nói họ thua tâm phục khẩu phục. Hoàng Xuân Vinh đã chiến thắng những đối thủ mạnh nhất của Trung Quốc, Brazil, Hàn Quốc, Nga, Italia, Ấn Độ, Slovakia tại chung kết nội dung. Súng ngắn Việt Nam rõ ràng đã được nâng vị thế hơn hẳn. Sau hơn 50 năm từ thời cố xạ thủ Trần Oanh được cả thế giới nhắc tới, bây giờ, bắn súng Việt Nam có thêm người thứ 2 là Hoàng Xuân Vinh. Một hành trình dài cần có sự tôi luyện, khổ luyện và cả hy sinh. Vượt qua được những khó khăn ấy, Hoàng Xuân Vinh đã là biểu tượng xứng đáng cho thể thao Việt Nam trên đấu trường Olympic.
NGUYỄN ĐÌNH
3 tỷ đồng tiền thưởng
Tổng cộng các mức thưởng, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh sẽ có tiền mặt hơn 3 tỷ đồng. Quy định thưởng của Nhà nước tại quyết định 32/2011 QĐ-TTg thì 1 HCV Olympic được nhận 160 triệu đồng. Phá một kỷ lục tại Olympic được thêm 60 triệu đồng. Liên đoàn bắn súng Việt Nam cùng các nhà tài trợ đã treo thưởng với tổng hơn 2,2 tỷ đồng nếu VĐV đạt 1 HCV. Đoàn thể thao Việt Nam có các nhà tài trợ công bố rõ ràng mức thưởng dành cho 1 HCV và tổng cộng tiền mặt là 600 triệu đồng. Chưa kể, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện đã thưởng nóng 60 triệu đồng cho Hoàng Xuân Vinh (HLV Nguyễn Thị Nhung và chuyên gia Park Chung Gun mỗi người nhận 20 triệu đồng). Một công ty du lịch tại TPHCM cũng thưởng 10.000 USD cho riêng Hoàng Xuân Vinh khi có HCV và phá kỷ lục Olympic. Phần thưởng quan trọng nhất là Hoàng Xuân Vinh nhận tấm HCV của Ban tổ chức Olympic 2016 tại Brazil. Chiếc HCV Olympic 2016 được chế tác bằng vàng và có giá trị 564 USD.
Cần có trường bắn Hoàng Xuân Vinh
Cố xạ thủ Trần Oanh đã được thể thao Thanh Hóa lấy tên đặt cho trường bắn của tỉnh mình để ghi nhận kết quả xuất sắc và nhớ mãi về huyền thoại của mình. Khi Ánh Viên thành công vang đội sau SEA Games 2015, Trung tâm TDTT Quốc phòng 4 đã khánh thành hồ bơi và đặt tên là hồ bơi Ánh Viên nhằm ghi nhận nỗ lực của cô. Người vùng quê Cần Thơ nhắc về Viên sẽ biết về hồ bơi có tên gọi thân thuộc ấy. Bây giờ, liệu xạ thủ Hoàng Xuân Vinh có được đặt tên cho một trường bắn nào không khi đã đạt kết quả HCV Olympic quá xuất sắc? Hoàng Xuân Vinh đang là đại tá, Trưởng bộ môn bắn súng của Trung tâm TDTT Quân đội. Để lưu danh một VĐV đạt thành tích lịch sử, trường bắn được đặt tên Xuân Vinh hoàn toàn là một sự tri ân nên làm của nhà quản lý thể thao.
Tuổi thơ dữ dội
Hoàng Xuân Vinh sinh năm 1974 tại Sơn Tây, Hà Tây (nay là Hà Nội), quê bà ngoại. Bố Vinh là bộ đội Quảng Trị tập kết, mẹ anh là công nhân. Mẹ mất sớm khi anh mới 3 tuổi vì bệnh nan y, Xuân Vinh theo cha và em mới hơn một tuổi về Hà Nội, sống trong một căn nhà nhỏ trên phố Thụy Khuê. Cảnh nhà nghèo, khó khăn, bố Vinh đã không lo được nhiều cho hai anh em. Về Hà Nội, cha đi bước nữa, Vinh được người mẹ kế chăm sóc và yêu thương hết mực, nhưng cũng chẳng được bao lâu thì bà qua đời vì bệnh ung thư. Lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, hai lần mất mẹ nên có lẽ đã tôi luyện cho Xuân Vinh 1 nghị lực sống và vươn lên đáng nể.
Bà xã cũng hồi hộp
Gia đình xạ thủ Hoàng Xuân Vinh (tại Hà Nội) đã không còn chỗ khi nhiều phóng viên túc trực từ sáng 7-8 để gặp gỡ vợ và người thân xạ thủ này.
Chị Hương Giang (trái) – nội tướng của xạ thủ Xuân Vinh. Ảnh: T.L
Vợ anh (chị Hương Giang) cũng là một cán bộ đang làm việc tại trung tâm TDTT Quân đội. Chị chia sẻ, sáng 7-8 cũng dõi theo những phút nghẹt thở chồng tranh tài tại Brazil qua màn hình. Dù cứng cỏi là thế nhưng chị cũng bảo, mình rất run không dám xem phút anh Vinh đấu loạt cuối vì hồi hộp không muốn một thất bại. Khi thấy thông báo chồng mình giành HCV, chị mừng rơi nước mắt chung vui với các con.
Ông Nguyễn Hồng Minh - Nguyên Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam: Vinh đã thắng được chính mình
“Hoàng Xuân Vinh giành được HCV là chiến thắng về thành tích. Nhưng tôi đánh giá, chiến thắng lớn nhất của Vinh là đã vượt qua chính mình bởi vấn đề tâm lý luôn bị nhắc tới mỗi khi xạ thủ này tranh tài. Lần này, Vinh đã thành công để có chiến thắng qua một diễn biến tâm lý. Đây cũng là sự tiến bộ của Vinh, sự trưởng thành lớn lao...”, nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT – ông Nguyễn Hồng Minh (ảnh) đã chia sẻ cùng phóng viên SGGP thể thao.
° Ông đánh giá ra sao về thành tích của Hoàng Xuân Vinh?
- Lúc này, anh em báo chí và giới truyền thông đã dành những lời khen ngợi tốt đẹp nhất tới xạ thủ số 1 của chúng ta. Là người chứng kiến quá trình phát triển thể thao thành tích cao Việt Nam trong tiến lên thành tích Olympic, tôi đánh giá HCV của Vinh là dấu mốc lịch sử, một kỳ tích lịch sử. Hoàng Xuân Vinh đã thực hiện được điều mà nhiều người không dám tin vào. Bản thân tôi nhiều lần xem xét, phân tích và cũng chưa dám nói với anh em rằng thể thao Việt Nam giành được HCV. Đầu năm nay, tôi đã gặp gỡ và trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng với động viên “anh phải tin vào bắn súng và năm nay, bắn súng sẽ có kết quả”. Vinh từng nói, những khó khăn mất mát và sự chịu đựng đã qua. Xạ thủ này chia sẻ anh sắp tới nhận nhiệm vụ quản lý tại đơn vị chủ quản nên chính HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung đã e ngại không biết Xuân Vinh còn tập trung vào thi đấu hay không. Tôi đã nói, tất cả trong thể thao, với sự cố gắng của mình, dù luôn là 5 ăn-5 thua nhưng quyết tâm tin ở khả năng 5 ăn thì sẽ thành công. Và cũng đừng để áp lực đè nặng. Tôi muốn nói với các bạn một điều, HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung giỏi trong công tác phân tích và chia sẻ tâm lý khi huấn luyện. Điều này rất phù hợp với Hoàng Xuân Vinh. Chúng ta biết nhiều HLV không phải giỏi và trùng khớp suy nghĩ của mình với VĐV trong công tác này. Đây là điều cực kỳ may mắn vì có sự tương tác này.
° Ông cảm nhận tấm HCV lịch sử có ý nghĩa gì với những người làm thể thao Việt Nam?
- Vô cùng to lớn. Nó thể hiện ở 3 mặt. Đầu tiên là thay đổi nhận thức. Thể thao VIệt Nam đã có VĐV giành được thành tích cao trên đấu trường thế giới thì người ta phải dám tin các VĐV chúng ta có khả năng sánh vai với đối thủ trong một số nội dung trên thế giới. Tuy nhiên trước đó, nhiều nhà quản lý đã không tin. Thứ hai, thành tích của Xuân Vinh làm thay đổi nhận thức và khi thay đổi thì tôi tin sẽ được đầu tư. Sau sự kiện này, không riêng bắn súng, nhiều môn thể thao khác thuộc Olympic sẽ được đầu tư xuất sắc hơn. Những VĐV đến Olympic đều là VĐV giỏi và kết quả Hoàng Xuân Vinh nâng cao vị thế của thể thao Việt Nam. Tôi nghĩ rằng các cấp, các ngành quản lý cấp cao sẽ quan tâm hơn về thể thao. Mặt cuối là chúng ta đều vinh dự, tham gia phong trào Olympic với nhiều VĐV. Lần đầu lá cờ và quốc ca đã được cử vang tại Olympic. Điều này thể hiện sự ưu việt của con người Việt Nam và chúng ta nâng tầm giá trị của mình trước các quốc gia trên thế giới. Tôi đánh giá đây là ý nghĩa hết sức quan trọng.
° Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã chiến thắng những đối thủ của các nền thể thao mạnh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Italia, Ấn Độ, Brazil... tại chung kết và phải chăng chúng ta mạnh thật?
- Tôi thấy, VĐV Việt Nam không đạt được kết quả huy chương tại Olympic là bình thường. Khi đạt được huy chương nghĩa là một sự phi thường. Những người dự Olympic đều là VĐV tốt nhất, được sự đầu tư mạnh mẽ nhất của mỗi quốc gia. Xuân Vinh đã làm được sự phi thường của thể thao Việt Nam bởi trong sự chuẩn bị thì chưa hẳn chúng ta đã có những phương tiện tốt nhất và cơ sở vật chất tốt nhất. Đầu tư cho thể thao Việt Nam vẫn chưa đủ đảm bảo để giành thành tích cao nhất nhưng Xuân Vinh và tập thể đội bắn súng làm được HCV thì quá tốt. Nhìn rộng ra, nếu các VĐV khác cũng được đầu tư mạnh mẽ và lâu dài thì có thể sẽ đạt thành tích hiệu quả.
Xin cám ơn ông!
MINH CHIẾN (thực hiện)
Các tin, bài viết khác
- Ánh Viên không thể gây bất ngờ(08/08/2016,01:27) (GMT+7)
- Hoàng Quý Phước dừng cuộc chơi(08/08/2016,00:41) (GMT+7)
- Người đàn bà thép(07/08/2016,20:33) (GMT+7)
- Huy chương này anh tặng em và các con(07/08/2016,15:35) (GMT+7)
- Thất bại sớm ở Olympic, nhiều tay vợt đổ thừa…(07/08/2016,15:26) (GMT+7)
- Đoàn thể thao Việt Nam củng cố niềm tin(07/08/2016,10:42) (GMT+7)
- Vương Thị Huyền gây thất vọng(07/08/2016,10:31) (GMT+7)
- Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thưởng nóng Hoàng Xuân Vinh 60 triệu đồng(07/08/2016,10:21) (GMT+7)
- Ngày thi đấu đầu tiên - Kỷ lục thế giới và HCV tuổi 19(07/08/2016,03:57) (GMT+7)
- Khai mạc Olympic 2016: Tưng bừng và nhiều ý nghĩa(07/08/2016,03:49) (GMT+7)