Thí sinh tự tin “vượt vũ môn”

Chỉ còn 2 tuần nữa kỳ thi THPT quốc gia 2016 sẽ diễn ra và nó sẽ là bước ngoặt quan trọng quyết định tương lai, nghề nghiệp của thí sinh. Vào thời điểm nước rút này, ôn tập khoa học kết hợp với nghỉ ngơi, dưỡng sức hợp lý sẽ giúp học sinh tự tin, thoải mái bước vào cuộc đua để đạt kết quả cao nhất.
Thí sinh tự tin “vượt vũ môn”

Trước kỳ thi THPT quốc gia năm 2016

Chỉ còn 2 tuần nữa kỳ thi THPT quốc gia 2016 sẽ diễn ra và nó sẽ là bước ngoặt quan trọng quyết định tương lai, nghề nghiệp của thí sinh. Vào thời điểm nước rút này, ôn tập khoa học kết hợp với nghỉ ngơi, dưỡng sức hợp lý sẽ giúp học sinh tự tin, thoải mái bước vào cuộc đua để đạt kết quả cao nhất.

Thí sinh tự tin “vượt vũ môn” ảnh 1

 Học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn (TPHCM) trong giờ làm bài thi thử. Ảnh: KHÁNH BÌNH

Không tạo áp lực, thí sinh nhẹ nhàng

Có mặt tại một số trường THPT trên địa bàn TPHCM, chúng tôi nhận thấy không khí ôn tập của học sinh khối 12 đang bước vào cao trào nhộn nhịp, tăng tốc. Cả thầy lẫn trò đều tranh thủ thời gian đang ngắn dần để tập trung củng cố, hệ thống lại kiến thức cơ bản và chú trọng kỹ năng giải đề, làm bài nhanh, chính xác. Theo nhiều học sinh ở Trường THPT Lê Quý Đôn, các em cảm thấy kỳ thi quan trọng nhưng không bị áp lực nhiều. Bởi lẽ, từ trong năm học, các em đã được thầy cô củng cố, ôn tập kiến thức và kết thúc năm học thì tập trung ôn theo khối thi, môn tự chọn một cách kỹ lưỡng. Sau khi làm bài kiểm tra và thi thử, nếu học sinh bị hổng kiến thức và yếu môn nào thì được nhà trường tập trung bồi dưỡng, ôn tập riêng. Vì thế, đa phần thí sinh cảm thấy thoải mái, yên tâm bước vào kỳ thi với tâm thế sẵn sàng, tự tin. Tương tự, học sinh lớp 12 Trường THPT Trưng Vương (quận 1) cũng bận rộn, căng thẳng với đợt ôn tập diễn ra từ cuối tháng 5 đến sát ngày thi. Nhưng phần đông các em đều cảm thấy yên tâm, nắm vững kiến thức ôn tập theo đề cương của nhà trường và từng bộ môn đăng ký dự thi.

Tại Trường THPT Nguyễn Khuyến (quận 10), học sinh lớp 12 cũng cảm thấy tự tin, thoải mái trước kỳ thi quan trọng. Bởi vì các em được giáo viên bộ môn ôn tập kỹ lưỡng, chu đáo và “rút ruột” chỉ bảo bí quyết, kỹ năng làm bài đạt kết quả cao. Thầy Nguyễn Xuân Thảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến, chia sẻ kinh nghiệm: “Để học sinh nắm vững kiến thức cơ bản, có kỹ năng làm bài tốt, cần có quá trình tích lũy, bồi dưỡng kiến thức, ôn tập lâu dài chứ không chỉ tập trung vào giai đoạn nước rút trước kỳ thi THPT quốc gia. Vì thế, ngoài việc giúp thí sinh hệ thống kiến thức khi ôn tập tại trường, nhà trường luôn khuyến khích các em tự học, tự ôn tập tại nhà. Việc ôn tập theo lối mòn, giải đề thi quá nhiều hoặc “mớm mồi” cho thí sinh sẽ khiến các em bị động, thiếu sáng tạo trong làm bài thi”.

Với học sinh ở các trường THPT tốp trên như Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai… thì việc ôn tập, luyện thi cũng nhẹ nhàng hơn vì trình độ, năng lực của học sinh đều khá, giỏi. Thầy Nguyễn Hùng Khương, Hiệu phó Trường THPT Bùi Thị Xuân, cho biết: “Bên cạnh việc củng cố, hệ thống lại kiến thức cho học sinh, nhà trường tập trung ôn tập theo hướng tiếp cận những loại câu hỏi thi đại học có độ khó cao để các em làm quen. Sau kết quả khảo sát thi thử hai đợt, nhà trường cũng quan tâm phù đạo số học sinh làm bài chưa tốt, còn yếu kiến thức, kỹ năng vận dụng thực tế”.

Ôn tập và nghỉ ngơi hợp lý

Bước vào năm thứ hai thực hiện tinh thần đổi mới hoạt động giáo dục, kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 đã dần đi vào nề nếp và tạo được tâm lý thoải mái hơn cho thí sinh lẫn giáo viên khối 12. Với tinh thần đổi mới, không tạo áp lực cho học sinh, một số trường THPT đã chủ trương không ôn luyện, thi thử quá nhiều mà khuyến khích học sinh tự học, tự ôn tập. Điển hình như Trường THPT Marie Curie, cho học sinh lớp 12 tự ôn tập tại nhà sau khi kết thúc năm học, chứ không tổ chức ôn tập trung tại trường.

Tuy nhiên, để học sinh của mình đạt được kết quả cao trong kỳ thi, tỷ lệ đậu ĐH cao, một số trường THPT vẫn chủ trương tăng tốc ôn luyện, bắt học sinh giải đề thi, làm nhiều câu hỏi có độ khó cao, thậm chí là vượt sức của thí sinh. Một hiệu trưởng trường THPT ở quận ven cho biết: “Đầu vào lớp 10 của trường rất thấp nên dù cố dạy dỗ, cố nâng cao chất lượng nhưng chúng tôi không cảm thấy yên tâm lắm với học sinh khối 12. Phần nhiều các em không chịu tự học, tự ôn tập tại nhà. Nếu không ép các em ôn tập tại trường để củng cố kiến thức cơ bản, rèn luyện kỹ năng làm bài, nhất là các môn xã hội thì chắc chắn tỷ lệ đậu tốt nghiệp khó cao, nói gì đến đậu ĐH, CĐ”.

Tương tự, một phụ huynh có con học lớp 12 tại Trường THPT Tây Thạnh (Gò Vấp) cũng than thở con mình không chịu tự học nên ngoài ôn tập tại trường 5 môn, chị còn cho con học thêm môn Toán, Văn, Anh văn tại nhà riêng của thầy, cô. Theo nhiều hiệu trưởng trường THPT, nếu học sinh đã học các khóa ôn luyện tại trường thì phụ huynh không nên cho con em học thêm ở các trung tâm hay điểm dạy riêng của giáo viên vì mất sức, tạo thêm áp lực, căng thẳng không đáng có. Thế nhưng, điểm qua các trung tâm văn hóa ngoài giờ, điểm luyện thi riêng lẻ của giáo viên, vẫn có hàng ngàn học sinh lớp 12 chạy sô - miệt mài học thêm, căng mắt giải đề thi, nạp kiến thức đến tận đêm khuya. Như thế, áp lực do đâu và ai làm khổ thí sinh?

Theo các chuyên gia giáo dục và tâm lý, thời điểm nước rút - gần đến kỳ thi quan trọng này, thí sinh cần phân bổ thời gian hợp lý và khoa học giữa ôn tập và nghỉ ngơi. Nếu học quá sức, ngủ không đủ giấc (8 giờ/ngày) và bổ sung dinh dưỡng không đúng thì cơ thể sẽ suy nhược, sức khỏe tinh thần suy sụp và thí sinh không thể làm bài tốt nhất, kết quả cao như mong muốn. Cho nên cần tạo tâm lý thoải mái, nhẹ nhàng, để thí sinh tự tin bước vào kỳ thi THPT quốc gia và làm bài với kết quả tốt nhất.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục