Chỉ rõ những dấu hiệu phục hồi, nhận diện những nút thắt và cách tháo gỡ của thị trường bất động sản (BĐS) trong năm 2015, đó là những nội dung được các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực BĐS phân tích và mổ xẻ tại hội thảo quốc gia về “Thị trường bất động sản, cơ hội và thách thức” được tổ chức tại Hà Nội ngày 27-11.
Tồn kho BĐS giảm 50.000 tỷ đồng
|
Thông tin từ hội thảo cho biết, thị trường BĐS đã và đang trên đà phục hồi khá tốt. Biểu hiện rõ nhất là từ năm 2013 đến nay, thị trường luôn có hoạt động mua và bán tăng dần.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Xây dựng, trong 11 tháng của năm 2014, thị trường Hà Nội đã có xấp xỉ 10.000 giao dịch thành công, bằng 200% cùng kỳ năm 2013; thị trường TPHCM cũng có 8.850 giao dịch thành công, bằng 135% so cùng kỳ năm trước. Đây mới chỉ là số liệu thống kê qua sàn, chưa kể các giao dịch của người dân nên con số giao dịch thực tế còn có thể cao hơn.
Nhờ sự hồi phục tích cực này, tính đến 20-11, tồn kho BĐS còn 77.800 tỷ đồng, so với năm 2013 đã giảm 50.000 tỷ đồng, bằng 39%. Theo đánh giá của các chuyên gia, sự hồi phục của thị trường cho thấy, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ đã có tác động tích cực, tiềm tin với thị trường đã dần được hồi phục. Các chuyên gia cũng dự báo, đà hồi phục này sẽ tiếp tục ở năm 2015.
Theo TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, kịch bản khả quan nhất của thị trường BĐS năm 2015 là thị trường sẽ tái phục hồi. Cụ thể, các dự án đã hoàn thành sẽ được đưa vào vận hành, các dự án đang triển khai được tiếp tục; một số dự án có vị trí tốt sẽ đắt hàng, một số sản phẩm mới ra đời và giao dịch tiếp tục tăng lên.
Cũng theo ông Chung, trong tầm nhìn trung hạn, thị trường BĐS vẫn có xu hướng tốt lên, đến quý 2 và quý 3-2015 thị trường sẽ có những xung lực mới do tác động của tình hình kinh tế thế giới ổn định, một số nguồn tiền sẽ được khơi thông, nhất là nguồn tiền kiều hối và tiền của các chủ thể nước ngoài dưới tác động của các luật mới.
Thiếu nhiều công cụ hỗ trợ thị trường
Được hầu hết các chuyên gia nhận định là khả năng phục hồi tốt nhưng nhiều ý kiến cũng chỉ ra tốc độ hồi phục thị trường BĐS vẫn chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Từ thực trạng thị trường hiện tại, các chuyên gia đã chỉ ra khá nhiều nút thắt của thị trường cần được tháo gỡ. Theo đại diện của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cái khó nhất cho thị trường là hiện vẫn còn thiếu một khung pháp lý hoàn chỉnh điều chỉnh hoạt động của thị trường.
Cụ thể, chưa ban hành luật về đăng ký giao dịch BĐS, luật về môi giới BĐS, thiếu quy định cụ thể điều chỉnh hoạt động của các tổ chức trung gian như tổ chức môi giới BĐS, tổ chức định giá BĐS, tổ chức tư vấn dịch vụ pháp lý về BĐS, tổ chức bảo hiểm hoạt động kinh doanh BĐS… Bên cạnh đó, nguồn vốn cho thị trường BĐS vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, khảo sát của Bộ Xây dựng cho thấy, năng lực tự chủ vốn của các doanh nghiệp BĐS rất yếu, tiềm ẩn nhiều rủi ro khi thị trường gặp khó khăn. Hiếm có doanh nghiệp nào có vốn trên 1.000 tỷ đồng, mức vốn pháp định 50.000 tỷ đồng là quá nhỏ khi làm một dự án bất động sản thông thường cần trên 3.000 tỷ đồng. Những khó khăn cả từ phía chủ quan, khách quan càng trở nên khó kiểm soát trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp BĐS hiện nay đều có năng lực quản trị và quản lý rủi ro yếu kém.
Theo TS Trần Kim Chung, giải pháp lớn nhất cho thị trường là tạo dòng vốn vận hành vào thị trường, bằng cách huy động nguồn vốn kiều hối; ban hành chính sách về hệ thống thế chấp thứ cấp; ban hành chính sách về ngân hàng tiết kiệm nhà ở, văn bản về quỹ đầu tư tín thác BĐS và thúc đẩy các bên liên quan nỗ lực giải ngân gói 30.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tháo gỡ những khó khăn về thủ tục, cho phép chia nhỏ căn hộ tại các dự án trên địa bàn các quận mới thành lập của Hà Nội và TPHCM, xem xét điều chỉnh giá đất theo chiều hướng giảm, cho phép nộp tiền sử dụng đất chậm và kiên quyết tạm dựng phê duyệt mới dự án BĐS.
Ông Trần Ngọc Quang, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, bày tỏ quan điểm cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp BĐS bằng các hành lang pháp lý minh bạch, đặc biệt cần thực hiện đấu giá công khai các dự án BĐS nhằm đảm bảo cho việc tiếp cận bình đẳng giữa các doanh nghiệp và làm cho giá BĐS thực sự phản ánh được giá trị thực của nó.
BÍCH QUYÊN