Thị trường bất động sản TPHCM vẫn tiềm ẩn yếu tố bất ổn

Báo cáo về thị trường bất động sản (BĐS) tại buổi làm việc với Thường trực thành uỷ, thường trực UBND TPHCM do Bí Thư Thành uỷ Đinh La Thăng chủ trì vào sáng ngày 6-6, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, thị trường BĐS vẫn đang trong quá trình phục hồi và tăng trưởng.
Thị trường bất động sản TPHCM vẫn tiềm ẩn yếu tố bất ổn

(SGGPO).- Báo cáo về thị trường bất động sản (BĐS) tại buổi làm việc với Thường trực thành uỷ, thường trực UBND TPHCM do Bí Thư Thành uỷ Đinh La Thăng chủ trì vào sáng ngày 6-6, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, thị trường BĐS vẫn đang trong quá trình phục hồi và tăng trưởng.

Tuy nhiên, so với năm 2015 - thị trường BĐS TP đã có sự tăng trưởng  mạnh trên tất cả các phân khúc thị trường, vào 5 tháng đầu năm 2016, thị trường đã có dấu hiệu chững lại, tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn. Các yếu tố như: giao dịch chững lại; có dấu hiệu lệch pha sang phân khúc bất động sản cao cấp trong khi thiếu sản phẩm căn hộ quy mô vừa và nhỏ có 1-2 phòng ngủ, có giá bán vừa túi tiền; có sự gia tăng rất lớn các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp (chủ yếu nhằm mục đích mua đi bán lại). Thị trường cũng đã xuất hiện một số trường hợp chủ đầu tư dự án đã không chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, chưa đảm bảo đủ điều kiện đưa nhà chung cư vào sử dụng đã cho khách hàng vào ở; chưa thực hiện đúng các quy định về thế chấp, giải chấp và bán nhà cho khách hàng đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến an sinh xã hội; tranh chấp trong chung cư vẫn còn xảy ra phức tạp.

Thị trường BĐS đã có dấu hiệu chững lại. Ảnh: Cao Thăng

Đưa ra dự báo thị trường  BĐS thị trường 7 tháng cuối năm 2016, ông Châu cho rằng sẽ nhỉnh hơn 5 tháng đầu năm, nhưng nhìn toàn cục cả năm 2016 thị trường BĐS có xu thế vẫn trong trạng thái chững lại, và vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn như đã nêu trên. Theo ông Châu, mặc dù có nhiều nhân tố tích cực tác động đến việc nâng cao niềm tin thị trường, nhất là nhà đầu tư và người tiêu dùng xuất phát từ những cam kết về cơ chế, chính sách và tháo gỡ những vướng mặc hiện tại của DN cũng như thị trường BĐS của Chính phủ và lãnh đạo TP. Tuy nhiên, hiện thị trường BĐS vẫn còn nhiều rất vướng mắc liên quan như: tiền sử dụng đất; về sự cần thiết giao đất ổn định lâu dài cho chủ đầu tư đối với phần diện tích công trình thương mại, dịch vụ trong dự án nhà ở; Về cơ chế chọn chủ đầu tư để đẩy nhanh chương trình xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng; chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch…

 Cụ thể, tiền sử dụng đất là nguồn thu ngân sách rất lớn của TP, trong thời gian qua có nhiều chủ đầu tư phải xếp hàng chờ đợi được nộp tiền sử dụng đất, trong lúc ngân sách TP rất cần bổ sung nguồn vốn này. Nguyên nhân là do quy trình xác định tiền sử dụng đất hiện nay không hợp lý vì do 2 Sở (Tài chính và Tài nguyên- Môi trường) thực hiện. Cụ thể, Sở Tài nguyên Môi trường đấu thầu qua mạng chọn công ty tư vấn xác định giá đất để đề xuất tính tiền sử dụng đất của dự án. Chi phí xác định giá đất do ngân sách chi trả, nên gần như các công ty tư vấn đều bỏ giá rất thấp (thậm chí chỉ vài trăm ngàn đồng) để được trúng thầu, sau đó có thể xảy ra trường hợp công ty tư vấn sẽ "làm tình làm tội" chủ dự án và không loại trừ việc "thỏa thuận" kết quả xác định tiền sử dụng đất; nếu "khó xơi" thì công ty tư vấn bỏ của chạy lấy người (như tại dự án 128 Hồng Hà, quận Phú Nhuận của Công ty CP Thương mại Phú Nhuận).

Sở Tài chính (Ban Vật giá) là thường trực Hội đồng xác định giá đất Thành phố có nhiệm vụ thẩm định đề xuất tính tiền sử dụng đất dự án do Sở Tài nguyên Môi trường chuyển qua, nếu thuận thì trình UBND TP quyết định số tiền sử dụng đất phải nộp; Nếu không thuận thì trả hồ sơ làm lại từ đầu rất mất thời gian. Quy trình này không hợp lý, mất rất nhiều thời gian. Trước Luật Đất đai 2013, chỉ một đầu mối là Sở Tài chính chịu trách nhiệm việc thẩm định tiền sử dụng đất dự án nên kết quả nhanh hơn.

Từ đó, HoREA kiến nghị TP giao chỉ giao một Sở (hoặc Sở Tài nguyên Môi trường hoặc Sở Tài chính) chịu trách nhiệm vấn đề này thì hợp lý hơn, sẽ rút ngắn thời gian, giải tỏa hồ sơ tồn đọng, tạo điều kiện cho chủ đầu tư sớm đưa dự án vào thực hiện và không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh. Theo ông Châu, khâu thẩm định số tiền sử dụng đất phải nộp cũng chính là mảnh đất béo bở, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, đề nghị lãnh đạo TP quan tâm, giám sát, đặc biệt là công tác quản lý cán bộ.

Về việc này, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết TP đã xây dựng một quy trình để xác định giá đất cụ thể để bồi thường hoặc thực hiện nghĩa vụ tài chính thực hiện trong 30 ngày và được đăng công khai trên website của Sở Tài nguyên và Môi trường. Đại diện Sở Tài chính cũng cho biết, sau khi nhận hồ sơ từ Sở Tài nguyên- Môi trường thì Sở Tài chính tiến hành việc thẩm định giá trong 5 ngày. Thế nhưng ông Thắng cũng thừa nhận có những dự án chậm xác định tiền sử dụng đất do lỗi của cán bộ, mặc dù thẩm định giá đất là khâu rất quan trọng để DN thực hiện các bước tiếp theo của dự án.

 Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng  khẳng định thị trường BĐS là một trong những thị trường rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TP, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng 6,7% kinh tế cả nước năm 2016. Muốn vậy, TP phải tháo gỡ các khó khăn cho  DN BĐS. Từ đó, TP yêu cầu các sở ngành rà soát lại các quy định về thủ tục hành chính theo hướng tiếp tục đơn giản hoá thủ tục tối đa, coi đây là giải pháp đột phát để giúp DN lấy lại niềm tin. “Cái gì bớt được thì bớt, cái gì bỏ được thì bỏ, điều gì thí điểm thấy không phù hợp bỏ luôn, bỏ những thủ tục không cần thiết, hình thức quá thì cũng cần phải bỏ”- Bí thư Đinh La Thăng chỉ đạo.

        Hạnh Nhung

Tin cùng chuyên mục