Sau khi đóng cửa 4 ngày để kỷ niệm lần thứ 70 chiến thắng phát xít của nhân dân thế giới, phiên chào tuần mới thị trường chứng khoán châu Á ngày 7-9 tiếp tục giảm điểm mạnh trong bối cảnh Trung Quốc chuẩn bị công bố thêm các số liệu được dự báo sẽ cho thấy xu hướng giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Nỗi lo của nhà đầu tư chứng khoán châu Á
Trung Quốc điều chỉnh hạ mức tăng trưởng GDP năm 2014
Ngày 7-9, Trung Quốc đã hạ mức tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2014 xuống còn 7,3% trên cơ sở điều chỉnh những số liệu tính toán sơ bộ trước đó. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất của Trung Quốc kể từ năm 1990 (tăng trưởng 3,9%), trong bối cảnh nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu ở mức thấp và thị trường bất động sản trì trệ. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2014 của nước này ở mức 63.614 tỷ nhân dân tệ - NDT (tương đương 10.000 tỷ USD), giảm 32,4 tỷ NDT so với số liệu tính toán sơ bộ được công bố hồi đầu năm. Theo đó, mức tăng trưởng GDP hàng năm được điều chỉnh giảm từ 7,4% xuống 7,3%.
Theo Wall Street Journal, mặc dù sự thay đổi này là tương đối nhỏ nhưng nó cho thấy nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng chính thức là 7,5% là khó khăn hơn như dự tính. Thậm chí, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm nay cũng rất khó.
Trong thông điệp cùng ngày, nhằm trấn an thị trường, Ủy ban quốc gia về Phát triển và Cải cách của Trung Quốc khẳng định, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang ổn định và chuyển biến theo hướng tốt hơn, thể hiện qua việc ổn định vận chuyển hàng hóa đường sắt và thị trường bất động sản ấm lên. Sau khi điều chỉnh số liệu tăng trưởng GDP sơ bộ, dự kiến vào tháng 1-2016, NBS xác nhận lần cuối mức tăng trưởng GDP năm 2014.
Tuy nhiên, tuần trước, Tổng cục Thống kê Trung Quốc tuyên bố tạm ngừng vô thời hạn việc cung cấp các số liệu cụ thể của chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) do những lo lắng về tính chính xác. Nhà đầu tư tỏ ra không hài lòng và động thái trên đã gây nên một sự hoảng loạn thật sự trong tâm lý nhà đầu tư toàn châu Á (và có thể cả toàn cầu trong ngày tiếp theo). Hãng tin Reuters ngày 7-9 nhận định, việc thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục giảm điểm cho thấy sự thiếu định hướng rõ ràng bất chấp các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã cố gắng mọi cách làm dịu cơn hốt hoảng của thị trường.
Tác động từ phía Mỹ
Giới quan sát cho rằng tiết lộ ngày 6-9 của hãng tin CNN cho biết, chính quyền Mỹ có thể thông qua quyết định trừng phạt Trung Quốc do Bắc Kinh đã tham gia các cuộc tấn công mạng nhằm vào các công ty tư nhân Mỹ cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán châu Á nói riêng và thị trường chứng khoán thế giới nói chung trong những ngày tới đều phải thận trọng.
Trang News của Australia cho biết, các biện pháp trừng phạt sẽ “mạnh chưa từng có” và là thông điệp gửi đến chính quyền Bắc Kinh. Theo trang News, quyết định trên nếu được công bố, sẽ gây những chấn động không nhỏ không chỉ cho các công ty Trung Quốc mà còn cho cả các công ty nước ngoài có quan hệ kinh tế với những đối tác Trung Quốc cũng bị đưa vào “danh sách đen”.
Bên cạnh đó, dù cho tỷ lệ thất nghiệp Mỹ hiện nay giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 7 năm qua, nhưng có nhiều dự đoán về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào giữa tháng này. Theo các nhà phân tích, FED tiếp tục là nhân tố điều hướng thị trường do nhiều nhà kinh doanh và nhà đầu tư vẫn đặt câu hỏi về thời gian tăng lãi suất lần đầu tiên trong 9 năm qua.
Theo CNN, quyết định trừng phạt của chính quyền Mỹ có thể được công bố vào tuần sau. Các biện pháp trừng phạt sẽ liên quan đến hàng loạt cá nhân và tổ chức thương mại của Trung Quốc, và gói trừng phạt này đã được chuẩn bị trong những tháng vừa qua. Những năm gần đây, Mỹ đã tố cáo Trung Quốc xâm nhập nguồn thông tin của các công ty Mỹ để đánh cắp tài sản trí tuệ. Theo quan điểm của Nhà Trắng, việc đe dọa thực hiện áp đặt trừng phạt nhằm buộc lãnh đạo Trung Quốc phải đàm phán với Mỹ về vấn đề gián điệp không gian mạng. |
HẠNH CHI (tổng hợp)