Thị trường chứng khoán - Dòng tiền nào sẽ “tiếp sức”?

Điểm sáng thanh khoản

Trong tuần qua, thị trường chứng khoán đã đánh dấu một phiên giao dịch kỷ lục từ đầu năm với giá trị giao dịch vượt trên 2.000 tỷ đồng/phiên. Tuy nhiên, đà tăng điểm đã không được duy trì bất chấp một số thông tin tích cực từ chính sách vĩ mô và lãi suất. Đây có thể là sự điều chỉnh không thể tránh khỏi sau một khoảng thời gian phục hồi rất mạnh từ cuối tháng 5.

Điểm sáng thanh khoản

Tuần qua, dòng tiền đã vào thị trường cùng với tâm lý nhà đầu tư được giải tỏa khiến thanh khoản của thị trường tăng vọt. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu cũng đã điều chỉnh khá mạnh sau thời gian tăng trước đó.

Đợt phục hồi trong 2 tuần trước đã đẩy nhiều mã cổ phiếu có vùng giá thấp tăng trưởng mạnh 30%-40%, thậm chí 50%. Vào ngày thứ tư (14-6) kỷ lục thanh khoản từ đầu năm đến nay được thiết lập với hơn 144,42 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, tương ứng giá trị 2.100 tỷ đồng.

Cũng trong tuần giao dịch này, tưởng chừng cổ phiếu giá rẻ sẽ tiếp tục “lên ngôi” như nửa đầu năm 2010. Tuy nhiên, thực tế không như mong đợi khi đứng trước áp lực chốt lời mạnh mẽ ở hai phiên cuối tuần, HNX-Index mất hơn 3%, còn VN-Index giảm hơn 1%.

Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là tâm lý nhà đầu tư đã được giải tỏa khá nhiều. Có lẽ nhà đầu tư đã tạm quên đi bóng ma giải chấp, áp lực lạm phát và sự bất ổn tỷ giá. Do vậy, họ mạnh dạn giải ngân và sẵn sàng tranh mua với giá trần. Điều này cũng thể hiện qua việc dòng tiền đổ rất mạnh vào các cổ phiếu “nóng” như chứng khoán, bất động sản.

Yếu tố vĩ mô

Các yếu tố vĩ mô có tính chất trung và dài hạn sẽ cần thêm thời gian để kiểm định những tác động đến thị trường. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán là thị trường của tâm lý và kỳ vọng, do vậy những chính sách của Chính phủ vẫn sẽ phát huy tác dụng. Cụ thể trước đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 74 với các nội dung quan trọng như chính thức cho phép giao dịch ký quỹ, mua bán cùng cổ phiếu trong phiên, được phép mở nhiều tài khoản… Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1-8-2011. Tuy đây là điều không mới, nhưng nó sẽ hợp thức hóa được giao dịch, tương tự như giao dịch ký quỹ đang “núp bóng” dưới nhiều hình thức khác. Những quy định mới này cũng đánh dấu một bước phát triển mới của thị trường chứng khoán. Do vậy, nó có thể hỗ trợ rất tốt cho thị trường.

Ngoài ra, trong phiên họp thường kỳ tháng 5 vừa qua, Chính phủ yêu cầu “Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phân tích, đánh giá và báo cáo Chính phủ trong tháng 6-2011 về tình hình hoạt động của thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, đề xuất giải pháp tổ chức, quản lý phù hợp nhằm phát triển ổn định, có hiệu quả hai thị trường này, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế”. Đây được xem như “tín hiệu đèn xanh” sẽ “cứu” cho hai kênh chứng khoán và bất động sản trong thời gian tới.

Đặc biệt, sắp tới, Bộ Tài chính sẽ trình phương án giãn, giảm và miễn thuế một số loại thuế cho doanh nghiệp, nhà đầu tư chứng khoán. Những chính sách này có thể là một “liều thuốc” cho nền kinh tế lẫn thị trường chứng khoán. Trước mắt nó sẽ tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư.

Dưới góc độ cổ phiếu trên thị trường, sau một thời gian dài thị trường giảm quá sâu và giá cổ phiếu đã về vùng rất thấp. Con số hơn 35% cổ phiếu dưới mệnh giá và gần 80% dưới giá trị sổ sách là hết sức “ấn tượng”. Do vậy, việc kỳ vọng về dòng tiền đầu tư giá trị “gom hàng” không phải là không xảy ra.

Nhìn chung, sức ép về giảm sâu của thị trường dường như không còn quá lớn đối với nhà đầu tư khi lạm phát tháng 6 tiếp tục có xu hướng giảm mạnh, lãi suất cũng đang có những chuyển biến tích cực. Dù vậy, có vẻ một kịch bản phục hồi mạnh của thị trường là quá lạc quan, khi mà Ngân hàng Nhà nước vẫn tuyên bố “siết” dòng tiền và hệ thống ngân hàng đang phải “còng lưng” kiểm soát rủi ro.

Phú Thuận

Tin cùng chuyên mục