Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam giao dịch trong hai tuần cuối trước Tết Nguyên đán khá eo sèo, dòng tiền vào thị trường giảm mạnh, phản ánh tâm lý nghỉ tết sớm của nhà đầu tư. Hai nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí trong tuần qua không còn hút nhiều như trước. Theo dự báo của các công ty chứng khoán, thị trường có thể điều chỉnh tại vùng kháng cự 575 - 580 điểm trước kỳ nghỉ lễ dài.
Hiệu ứng Thông tư 36
Mặc dù nhiều ý kiến lạc quan cho rằng, sức ảnh hưởng từ Thông tư 36/2014 về siết cho vay chứng khoán của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ không gây áp lực quá mạnh đến thị trường này vì các ngân hàng đã chủ động giảm bớt hoạt động hỗ trợ cho vay margin trong thời gian qua. Cùng với đó, các công ty chứng khoán lớn cũng đã chuẩn bị nguồn vốn thay thế thị trường; hoạt động giảm sở hữu chéo tại các ngân hàng cũng đã bắt đầu tiến hành khi xuất hiện các thông tin liên quan đến M&A…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau khi Thông tư 36 được áp dụng từ ngày 1-2, TTCK đã chao đảo mạnh. Phiên đầu tiên trong ngày Thông tư 36 có hiệu lực, thị trường chìm trong sắc đỏ, VN-Index lùi sát mốc 370 điểm. Liên tục các phiên giao dịch sau đó, thị trường cũng giảm điểm khá sâu vì tâm lý dè dặt, ngại giải ngân của các nhà đầu tư. Chính trạng thái “chờ đợi” từ phần lớn các nhà đầu tư cũng là nguyên nhân khiến thanh khoản trên hai sàn trong tuần đầu tiên khi áp dụng thông tư này sụt giảm mạnh gần 1/3 so với tuần giao dịch trước đó. Tổng giá trị giao dịch của thị trường luôn dưới 1.800 tỷ đồng, trung bình ở mức 1.300 đến 1.500 tỷ đồng/phiên. Nhóm phân tích ở Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVS) nhận định, dòng tiền vào thị trường trong tuần cuối cùng trước khi nghỉ Tết Nguyên đán vẫn thuận lợi nhưng không đột biến và lượng tiền từ margin sẽ quay lại sau thời gian suy giảm gần đây. Tuy nhiên, nhóm phân tích này cũng nhìn nhận rằng, dòng tiền này đang chịu tác động của Thông tư 36 vì các công ty chứng khoán có nguồn liên quan sẽ giảm lượng margin và co lại.
Nhà đầu tư nội e dè giải ngân để nghe ngóng thị trường. Ảnh: HUY ANH
Về diễn biến của các nhóm ngành, trong tuần thứ hai của tháng 2, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn tiếp tục là tâm điểm của sự chú ý. Nhóm cổ phiếu này đã có những phiên quay đầu tăng điểm mạnh về cuối tuần, sau khi bất ngờ bị “đo sàn” hàng loạt khi thông tin NH Xây Dựng Việt Nam (VNCB) được NHNN mua lại với giá “0” đồng được công bố. Những lo ngại rằng các khoản cầm cố của VNCB tại các NHTM sẽ trở thành nợ xấu đã khiến tâm lý nhà đầu tư tiếp tục bị dao động dữ dội trong những phiên giữa tuần. Sự hồi phục của VN-Index trong vài phiên cuối tuần trước, cùng với cổ phiếu ngành ngân hàng đã có phiên hồi phục thứ hai liên tiếp (sau biến cố) với hầu hết các cổ phiếu trong nhóm này như VCB, BID, CTG, EIB, MBB, SHB đều đóng cửa trong sắc xanh. Nhận định về việc này, nhóm chuyên viên phân tích thị trường Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, Thông tư 36 được áp dụng sẽ không tác động tích cực đến ngành ngân hàng trong ngắn hạn mà chỉ là nhân tố khiến một số cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh. Sau đó, mối quan tâm của các nhà đầu tư đến nhóm ngành này cũng thuyên giảm. “Về dài hạn, do các vấn đề của hệ thống ngân hàng phần nào được giải quyết nên sẽ là nhân tố tác động tích cực đến nhóm ngành này” - nhóm phân tích thị trường VDSC cho hay.
Hút dòng vốn ngoại
Trong khi các nhà đầu tư nội đã trong tinh thần nghỉ tết thể hiện qua việc giao dịch trong những phiên cuối cùng trước kỳ nghỉ hết sức uể oải thì khối ngoại quay trở lại mua ròng sau một thời gian bán ròng. Theo chuyên viên phân tích thị trường Nguyễn Hải Hoàng từ VDSC, nhóm nhà đầu tư nước ngoài quay lại và tập trung mua ròng ở nhóm ngân hàng có thể xem là động thái tích cực, sau các phiên liên tiếp nhóm này tập trung bán ròng. Trong phiên giao dịch ngày 9-2, nhà đầu tư nước ngoài đã có phiên mua ròng mạnh nhất trong hơn 5 tháng qua với hơn 13,4 triệu đơn vị trên cả 2 sàn, tăng 183,3% so với phiên trước. Tổng giá trị mua ròng đạt 248,97 tỷ đồng, tăng 155,5%. Các phiên tiếp theo ngày 10, 11-2 khối ngoại vẫn tiếp tục gom cổ phiếu ngân hàng. Theo thống kê của VDSC, mặc dù thanh khoản toàn thị trường sụt giảm đáng kể trong tuần qua, nhưng tổng giá trị giao dịch khối ngoại vẫn giữ ở mức khoảng 1.700 tỷ đồng/tuần.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, thanh khoản thị trường ngày càng giảm thời gian gần đây không hẳn vì nhà đầu tư do lo ngại về thị trường mà còn do yếu tố tâm lý nghỉ ngơi của nhà đầu tư trong nước. Và chính kỳ nghỉ tết dài ngày khiến dòng tiền dè dặt hơn trong việc tham gia thị trường trong thời gian này. Mặc dù vậy, thống kê thị trường từ 2008 - 2014 từ các công ty chứng khoán cho thấy, các chỉ số thị trường lại thường biến động khá tích cực vào thời điểm sau kỳ nghỉ tết âm lịch. Do đó, giới đầu tư rất kỳ vọng vào yếu tố chu kỳ này.
MINH HUY