Thị trường chứng khoán - Nhà đầu tư mất phương hướng?

Thị trường chứng khoán - Nhà đầu tư mất phương hướng?
  • Từ “xanh vỏ đỏ lòng” đến “giá trị thực”

Vào cuối năm 2010, sau một con sóng ngắn kéo sàn HOSE lên 15% và sàn HASTC lên 25%, một số công ty chứng khoán đã mạnh dạn dự báo về một triển vọng sáng sủa của Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong năm 2011, thậm chí còn có “dự cảm” rằng năm 2011 cả hai sàn CK “sẽ rộn tiếng cười”.

Thế nhưng thời gian dần trôi qua, hai sàn lập đỉnh rồi dần trôi xuống. Những cổ phiếu large-cap như BVH, MSN, VIC và cả PVF, DPM thi nhau được nhồi lên dìm xuống, tạo nên tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” khiến nhà đầu tư hoang mang, không biết thực chất xu hướng thị trường đang diễn biến như thế nào.

Cũng cần nhắc lại, hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” khởi điểm từ tháng 9-2010 với chu kỳ đúng 3 tháng. Trong giai đoạn đó, chỉ số sàn HOSE không giảm bao nhiêu nhưng chỉ số HASTC giảm mạnh. Ngoài một số large-cap được ưu ái, còn lại tuyệt đại đa số các cổ phiếu khác đều giảm dần rồi lao dốc.

Vào tháng 2-2011, có đến 2/3 cổ phiếu của hai sàn được đánh giá đã lập độ giảm về sát giá trị thực, thậm chí khá nhiều cổ phiếu đã giảm về dưới giá trị thực. Trước đó không lâu, người ta còn so sánh giá cổ phiếu rẻ hơn bó rau muống, giờ đây với mặt bằng giá cả và lạm phát xã hội tăng vọt, người ta lại phải lấy đơn vị ly trà đá để so với giá cổ phiếu.

Thực ra tình hình khách quan tác động đến TTCK không đến nỗi quá bi quan. Trong nước, kinh tế vẫn duy trì nhịp tăng trưởng vừa phải, mặc dù các yếu tố vĩ mô về tài chính, tín dụng không thật sự ổn định. Tuy nhiên, do hầu hết các kênh tài chính khác như vàng, ngoại tệ và đặc biệt là bất động sản đều ở trong trạng thái ì nên nhiều nhà đầu tư vẫn cố bám theo kênh CK với hy vọng đây sẽ là kênh ít nhiều mang lại chút lời lãi, ít nhiều tạo sóng.

Còn trên thế giới, tuy có những bất ổn về giá dầu và giá vàng cùng bóng ma cuộc khủng hoảng nợ công vẫn dai dẳng đeo bám, nhưng điều khá kỳ diệu – đi ngược lại với phán đoán của các nhà kinh tế học nổi tiếng như Stiglitz – TTCK các khu vực, đặc biệt là các nước mới nổi như Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia… đều tăng trưởng vượt bậc. Riêng Dow Jones thì duy trì một đồ thị vận động hướng lên khá tốt, liên tiếp phá hết ngưỡng kỹ thuật này dến ngưỡng kỹ thuật khác.

Cũng tại Mỹ, chỉ số Nasdaq đã lập bước đi tiên phong, có thời điểm chỉ còn cách đỉnh năm 2007 vài phần trăm. Ở châu Âu, Đức là một nhân tố đặc biệt nổi trội, với chỉ số DAX tăng trưởng ngoạn mục theo những dấu hiệu tốt về nền kinh tế của quốc gia này.

Vậy còn TTCK Việt Nam đang vận hành theo xu hướng nào? Ngay cả nếu so sánh với TTCK mới mở của Lào với độ tăng trưởng đến 80% so với thời điểm khai trương, CK Việt Nam còn tỏ ra ít khả quan hơn. Giờ đây, nhà đầu tư luôn phải đối mặt với một sự thật: chỉ số HOSE tuy không giảm nhiều và thực tế là từ tháng 8-2010 đến nay chưa hề giảm xuống dưới mốc 425 điểm, nhưng nhiều chuyên gia CK đã phải thừa nhận rằng thực chất mặt bằng giá cổ phiếu của sàn này đã giảm về khoảng mức 340-350 điểm.

Còn với HASTC, rất nhiều cổ phiếu có mức vốn hóa thấp của sàn này đã giảm rất mạnh và còn có thể giảm nhiều hơn nữa trong tương lai. Kéo theo đó là một hệ quả đáng lo ngại đối với nhiều small-cap và cả mid-cap: tính thanh khoản ngày càng vơi hụt.

Trong khi đó, tuy về biểu hiện bên ngoài vẫn còn duy trì giá trị mua ròng, nhưng thật khó để đánh giá là khối đầu tư nước ngoài hiện nay thực tế còn giữ giá trị cổ phiếu là bao nhiêu. Chẳng lẽ họ cứ tiếp tục duy trì chiến thuật mua ròng trong xu thế thị trường đi xuống để rồi tiếp tục phải ôm lỗ, kẹt hàng hệt như giai đoạn nửa cuối năm 2010?

Sinh viên trên sàn chứng khoán. Ảnh: VIỆT DŨNG

Sinh viên trên sàn chứng khoán. Ảnh: VIỆT DŨNG

  • Trung hạn: tăng hay giảm?

Rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ giờ đây đang giảm sút nghiêm trọng niềm tin vào TTCK. Một số trong đó đã rút vốn và đứng ngoài chờ đợi, còn một số khác mang tâm lý “chơi không lại thị trường” nên đã chấp nhận lỗ nặng (thường lỗ đến 50-60%), chuyển vốn sang kênh khác, tuy ít lãi nhưng cũng ít rủi ro hơn.

Cũng không thể không xem xét đến một yếu tố khác đang góp phần “đè” thị trường là nguồn cung cổ phiếu. Nguồn cung này, trước đây vốn đã vô tội vạ, nay tiếp tục được phát hành thêm, chia cổ tức bằng cổ phiếu… khiến giá trị thực của cổ phiếu ngày càng mỏng manh.

Trong bối cảnh chỉ số TTCK cứ liên tiếp sút giảm, còn lực cầu lớn thì hiếm hoi mới xuất hiện, gần đây đã có nhận định cho rằng TTCK Việt Nam giống như một con bệnh với nhiều thứ bệnh, mà muốn trị dứt thì ít nhất mặt bằng giá cổ phiếu của thị trường này cần được trả về giá trị thực của nó. Nhưng thế nào là giá trị thực? Giá cổ phiếu dưới 10.000 đồng (mệnh giá) đã được coi là thấp, tuy nhiên cứ với cái đà thị trường uể oải và giảm dần triền miên như hiện nay, liệu đến một lúc nào đó mặt bằng giá cổ phiếu có giảm về dưới 5.000 đồng?

Những phân tích kỹ thuật từ khá lâu nay đã không còn mấy tác dụng. Hơn nữa trong tâm trạng chán chường, nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng không còn mấy quan tâm đến mảng phân tích và dự báo của các công ty CK. Điều quan trọng nhất đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ lúc này có lẽ không phải là việc xác định đỉnh và đáy của sóng mà chỉ cần biết được thị trường đang nằm trong xu hướng lên hay xuống là đã mỹ mãn lắm rồi. Cũng bởi thế, trường phái đầu tư theo giá trị, tuy vẫn được các nhà chuyên môn đánh giá cao, nhưng trong tâm thức nhiều nhà đầu tư thì nay cũng chứa đựng không ít rủi ro.

Chúng ta hãy thử đặt một giả thuyết: nếu TTCK đang nằm trong xu hướng giảm trung hạn thì sao? Trong lịch sử vận động của các TTCK trên thế giới, đã từng có nhiều kinh nghiệm, và bài học về chu kỳ giảm trung hạn và dài hạn. Gần nhất là TTCK Thượng Hải của Trung Quốc với chu kỳ giảm kéo dài đến 4 năm.

Có lẽ những kinh nghiệm này cũng giúp ích đôi chút cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ Việt Nam để họ cẩn trọng hơn trong việc đầu tư, nhất là với quan điểm lướt sóng, trong giai đoạn hiện nay. 

HẠ XUYÊN

Tin cùng chuyên mục