Thị trường chứng khoán “nín thở” chờ tín hiệu từ FED

Rủi ro về tỷ giá
Thị trường chứng khoán “nín thở” chờ tín hiệu từ FED

Sau khi VN-Index mất gần 60 điểm trong tháng 8, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam 2 tuần đầu tháng 9 mặc dù có vài phiên tăng điểm khá tốt nhưng giao dịch kém sôi động. Tâm lý dè dặt bao trùm lên TTCK khi giới đầu tư vẫn duy trì sự thận trọng trước việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể nâng lãi suất đồng USD.

Rủi ro về tỷ giá

Ngoài các yếu tố vi mô như kết quả kinh doanh của DN, các yếu tố vĩ mô như GDP, lãi suất, tỷ giá cũng có những mối tương quan mật thiết đến diễn biến TTCK mới nổi, nhất là khi hoạt động xuất nhập khẩu và dòng vốn đầu tư nước ngoài luôn là một thành phần trọng yếu trong GDP của các quốc gia. Đặc biệt với Việt Nam, nơi mà VND luôn đứng ở thế “chỉ giảm không tăng” so với USD thì TTCK thường giảm điểm mạnh khi tiền đồng mất giá. Thực tế cho thấy, hai lần tiền đồng mất giá mạnh nhất gần đây là năm 2009 (6%) và năm 2011 (9%), VN-Index đều rơi vào tình trạng bất ổn. 8 tháng đầu năm 2015, tiền đồng mất giá 5%, TTCK đã quay đầu giảm điểm mạnh và gần như ngay lập tức trong ngày 19-8. Đó cũng là lý do TTCK những ngày qua đang “nín thở” chờ động thái của FED.

Tâm lý nhà đầu tư đang chờ đợi FED công bố kết quả cuộc họp nên cân nhắc đầu tư vào thị trường chứng khoán. Ảnh: KIM NGÂN

Chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu, phân tích, tình hình kinh tế Trung Quốc đang diễn biến xấu, tỷ giá đồng NDT với USD liên tục biến động, giá dầu và vàng tiếp tục giảm, nhiều nền kinh tế lâm vào tình trạng tài chính khó khăn, do vậy kinh tế thế giới từ nay đến cuối năm chưa thể khởi sắc. Trong bối cảnh đó, các thị trường đầu tư tại Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động. Riêng về TTCK sẽ chịu nhiều tác động trong thời gian tới, trong đó có việc các nhà đầu tư ngoại rút vốn. “Giá cổ phiếu của những ngành liên quan đến khoáng sản, nhập khẩu sẽ có thể thuyên giảm. Tuy nhiên, TTCK vẫn được xem là thị trường mang tính minh bạch cao và là thị trường được đầu tư bởi các nhà đầu tư chuyên nghiệp nên có tính bền vững”- TS Hiếu nhận định.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Bộ phận nghiên cứu Công ty Chứng khoán Bảo Việt, cho rằng, trong các tháng cuối năm, khó có chuyện NHNN sẽ tiếp tục phá giá VND do khoảng cách lãi suất tiền gửi VND và USD đã bị thu hẹp lại rất nhiều. Tổng cộng mức mất giá của VND so với USD từ đầu năm là 5,1%, đã gần bằng biên độ chênh lệch giữa lãi suất huy động VND và USD trung bình cũng đang vào khoảng 6%. Nếu NHNN tiếp tục phá giá, sẽ ảnh hưởng đến niềm tin vào VND, gia tăng áp lực USD hóa trong nền kinh tế và ảnh hưởng đến các mục tiêu của chính sách tiền tệ.

Giảm điểm trong ngắn hạn

Trong 2 tuần qua, thanh khoản thị trường tiếp tục đà sụt giảm với tổng giá trị giao dịch chỉ còn trung bình 1.879,58 tỷ đồng/phiên (giảm gần 10% so với các tuần trước đó). Nhiều phiên giao dịch có thanh khoản ở mức dưới 1.500 tỷ đồng, vì các nhà đầu tư vẫn trong tâm lý rất thận trọng và chờ đợi... Nguyên nhân chính vẫn là do thời điểm hiện tại chưa có thông tin nào đủ sức lôi kéo dòng tiền tham gia TTCK. Cùng với đó, là tâm lý nhà đầu tư đang chờ đợi FED công bố kết quả cuộc họp vào ngày 18-9.

Nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng chờ tín hiệu từ FED nên thanh khoản thị trường thời gian qua giảm mạnh. (Nhà đầu tư tại sàn chứng khoán Rồng Việt. Ảnh: HUY ANH)

Vì sao động thái tăng lãi suất của FED trong các tháng cuối năm tác động không nhỏ đến TTCK Việt Nam? Ông Hoàng Công Tuấn, chuyên viên cao cấp Công ty Chứng khoán MB, lý giải: “Vì điều này có thể kích hoạt một lượng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài rút ra khỏi TTCK Việt Nam, khiến các nhà đầu tư trong nước vẫn giữ tâm lý e dè”. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, việc điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô trong nước thời gian vừa qua, đặc biệt là chính sách tỷ giá cũng đã lường trước yếu tố này. “Vì vậy trong kịch bản FED tăng lãi suất trong tháng 9 này với biên độ không quá lớn, ở mức từ 0,5% trở xuống, thì sẽ không ảnh hưởng nhiều đến diễn biến của TTCK” - ông Tuấn nhận định. Phân tích các kịch bản FED tăng lãi suất, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, nếu kịch bản này diễn ra sẽ tạo nên nhiều rủi ro đối với các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, theo dõi dòng vốn các quỹ ETF thời gian qua cho thấy, trước áp lực rút vốn, TTCK Việt Nam vẫn được xem là thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Dữ liệu thống kê cho thấy, trong những tuần đầu của tháng 9, dòng vốn từ những nhà đầu tư ngoại vẫn tiếp tục đổ vào thị trường mới nổi. Cụ thể, dòng vốn vào thị trường mới nổi tăng thêm 10 tỷ USD, trong đó 40% đến từ các quỹ ETF. Trên thị trường Việt Nam, dòng vốn ngoại cũng đã quay trở lại. Dù vậy, quỹ VNM ETF vẫn tiếp tục bị rút vốn khoảng 7,2 triệu USD. Như vậy, trong kịch bản này, tâm lý bi quan sau quyết định của FED có thể khiến TTCK Việt Nam giảm điểm trong ngắn hạn.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, hiện tại lãi suất huy động tại các ngân hàng TM Việt Nam đang tăng nhẹ. Một khi lãi suất trên thị trường ngân hàng tăng thì có thể tác động tích cực đến TTCK, vì lúc đó giá các cổ phiếu có thể trở nên rẻ hơn, nên TTCK sẽ hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư trong thời gian tới.

Vàng và tỷ giá tăng, chứng khoán giảm

Trong khi chờ kết quả cuộc họp về chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) kết thúc, tỷ giá ngân hàng và vàng SJC trong ngày 17-9 đã bật tăng mạnh và thị trường chứng khoán tiếp tục giảm. Trong đó, tỷ giá USD ngân hàng tăng từ 10-25 đồng/USD so với cuối giờ chiều hôm trước, vàng SJC tăng mạnh nhất trong gần 1 tháng lên 34,14 - 34,18 triệu đồng/lượng chiều bán ra, tùy doanh nghiệp.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong ngày 17-9 mặc dù 2 sàn tăng giảm trái chiều nhưng chốt phiên VN-Index vẫn giảm thêm gần 2 điểm, thanh khoản thị trường vẫn giữ ở mức thấp. Cụ thể, VN-Index giảm 1,65 điểm xuống còn 526,48 điểm. VN30-Index giảm 0,1 điểm đứng ở mức 576,68 điểm. Trong khi đó tại thị trường Hà Nội, HNX-Index lại tăng 0,52 điểm lên 77,22 điểm. HNX30-Index cũng tăng 0,93 điểm lên 143,26 điểm. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường ở mức hơn 1.700 tỷ đồng.


NHUNG NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục