2 tuần sau khi gia nhập WTO

Thị trường chứng khoán nóng lên

°Giá trị thị trường tăng hơn 7.000 tỷ đồng
Thị trường chứng khoán nóng lên

°Giá trị thị trường tăng hơn 7.000 tỷ đồng

Tác động của WTO cùng với việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước giai đoạn từ nay đến 2010 sẽ tạo ra sự sôi động trên thị trường tài chính là đánh giá của giới chuyên gia tài chính về tương lai và cơ hội cho một trong những thị trường đang phát triển nhanh nhất thế giới - Việt Nam. Nhưng với thị trường chứng khoán (TTCK), cơ hội tương lai được thể hiện bằng những biến động thực trên giá cả thị trường, như các nhà tài chính thế giới vẫn nhận định - TTCK chính là hàn thử biểu cho nền kinh tế.

Từ suy giảm niềm tin

Thị trường chứng khoán nóng lên ảnh 1
Giao dịch cổ phiếu tại Công ty Cổ phần chứng khoán Sài Gòn. Ảnh: CAO THĂNG

Dẫu biết vào WTO chúng ta có thêm nhiều cơ hội mới, nhưng song song đó là hàng loạt thách thức khi nhiều ngành nghề sẽ mất dần sự bảo hộ, các doanh nghiệp phải tự “chèo lái” cùng nhau ra “biển” và sẽ có những thương hiệu mất đi dần.

Những ngày chờ chính thức gia nhập, các thông tin cụ thể về những cam kết chưa được công bố đã khiến rất nhiều nhà đầu tư tài chính lo ngại, liệu chúng ta có quá vội vã để tự làm khó mình? Rồi việc các doanh nghiệp đua nhau xin niêm yết mang nhiều tính tình thế, mà trong đó “công lớn” từ quy định cắt giảm ưu đãi thuế sau khi niêm yết đã “ép” nhiều doanh nghiệp phải bước vào cuộc đua bất đắc dĩ. TTCK vốn nhạy cảm, các nhà đầu tư chứng khoán lập tức đặt nhiều nghi vấn và sự suy giảm niềm tin đã kéo thị trường vào giai đoạn ảm đạm.

Giá trị giao dịch hàng ngày trên TTCK từ mức bình quân 140 tỷ đồng/phiên đã giảm nhanh xuống mức dưới 90 tỷ đồng/phiên vào cuối tháng 10, trong đó có ngày chỉ đạt 61,8 tỷ đồng, thấp nhất 4 tháng qua. Chỉ số Vn-lndex chập chờn quanh ngưỡng 512 - 530 điểm suốt 2 tuần liền như không tìm được lối thoát.

Đến giá cổ phiếu nóng lên

Nhưng rồi tâm lý lo ngại đã bị phá vỡ đúng ngày Việt Nam gia nhập WTO 7-11. Vào ngày này, trong khi cả nước đặt cột mốc mới sau nhiều năm đàm phán và chờ đợi, TTCK phát tín hiệu bằng việc VN-Index tăng “tình cảm” 2,92 điểm để vượt qua mốc 520 điểm gian khó.

Những ngày sau đó là sự phục hồi niềm tin, sức mua gia tăng mạnh mẽ. Chỉ số VN-Index chỉ giảm 2 lần trong 10 phiên giao dịch gần nhất và tăng tổng cộng 81,11 điểm để lên mức 598,22 điểm lúc đóng cửa ngày 21-11. Điều này có nghĩa nếu một nhà đầu tư bỏ ra 1 tỷ đồng có thể nhận mức lãi bình quân 156 triệu đồng trong 2 tuần.

Những biến động trên ngày càng cho thấy sự trưởng thành của TTCK, đang dần trở thành là một hàn thử biểu thực sự cho nền kinh tế Việt Nam. Những cam kết WTO vừa được công bố rộng rãi, sau ngày gia nhập WTO là sự kiện tuần lễ APEC. Những kỳ vọng cao và cơ hội lớn sắp đến lập tức có tác động mạnh trên TTCK đưa đến cơn sốt giá vài ngày qua.

Phụ thuộc sức cầu ngoại

TTCK tăng mạnh, giá trị vốn hóa toàn thị trường từ mức 56,94 ngàn tỷ đồng đã lên trên 64 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 7.000 tỷ đồng chỉ trong 2 tuần qua. Giá trị khớp lệnh bình quân mỗi phiên trên 200 tỷ đồng (12,5 triệu USD).

Đây là những con số hấp dẫn cho đợt tăng giá trên TTCK hiện nay, tuy nhiên nhìn sâu hơn có thể thấy trong số liệu giao dịch đầy ấn tượng này nhà đầu tư nước ngoài đã mua gần 8 triệu cổ phiếu với giá trị hơn 533 tỷ đồng, chiếm 35,5% tổng giá trị khớp lệnh.

Như vậy đợt tăng giá này được sự “trợ giúp” lớn từ các tổ chức nước ngoài và nhà đầu tư trong nước lại một lần nữa dễ dàng bị dẫn dắt. Các nhà đầu tư nước ngoài luôn đánh giá cao tiềm năng của các cổ phiếu Việt Nam, nhưng với việc tham gia mua liên tục và room (giới hạn được mua cổ phiếu) của họ đang dần cạn, ai sẽ giữ ổn định cho thị trường thời gian tới khi nhà đầu tư trong nước không có tâm lý đầu tư ổn định? Chỉ cần nhà đầu tư nước ngoài dừng mua, giá cổ phiếu có thể rớt mạnh và cùng lúc hàng loạt doanh nghiệp “rủ” nhau ồ ạt lên sàn trong 43 ngày cuối năm trong tình thế gây “ngợp “? Câu trả lời phụ thuộc nhà đầu tư trong nước, vì với nhà đầu tư nước ngoài họ không nhìn ngắn vậy.

TƯỜNG CHÂU

Tin cùng chuyên mục