
* Nhà đầu tư nước ngoài “lướt sóng” khi đẩy mạnh bán ra
Thị trường chứng khoán tuần qua biến động đảo chiều khá mạnh khi chỉ số VN-Index tăng vọt 37% trong 6 tuần, vượt qua ngưỡng cản 320 điểm và bị “đánh bật” giảm điểm trong 2 phiên giữa tuần. Tuy nhiên, trước nhu cầu mua quá lớn, chỉ số giá chứng khoán vẫn xác lập tuần tăng điểm thứ 5 liên tiếp bằng phiên cuối tuần tăng mạnh.
Chứng khoán lập các “đỉnh” cao mới

Bất kể các mối lo về nền kinh tế chưa thể phục hồi sớm, giá chứng khoán cả trong lẫn ngoài nước vẫn liên tục leo thang và đang là kênh đầu tư hấp dẫn nhất.
Tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE), chỉ số VN-Index tiếp tục tăng 14,77 điểm (+4,76%) so với cuối tuần trước và đóng cửa phiên thứ sáu tại 325,05 điểm.
Đây là mức cao nhất của chỉ số này trong 4 tháng rưỡi qua kể từ hạ tuần tháng 11-2008. Và nếu tính từ mức đáy 5 năm rưỡi lập ngày 24-2-2009 tại 235,5 điểm, VN-Index đã tăng 89,55 điểm, tương ứng tỷ lệ tăng 38%.
Việc nhiều nhà đầu tư tham gia mua bán chứng khoán có thể thu lãi 50%-100% khiến người dân bắt đầu chuyển tiền trở lại mua cổ phiếu. Một thông tin “gây sốc” khác cho thị trường là việc nhiều công ty chứng khoán bất ngờ thông báo quá tải trước số lượng lệnh đặt tăng vọt trong khi vài tháng trước trong cảnh ế khách.
Tuần qua cũng chứng kiến phiên giao dịch bùng nổ mua bán vào ngày 8-4 khi đạt tổng lượng khớp lệnh cao kỷ lục trong 9 năm ra đời của TTCK Việt Nam với hơn 55 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ được chuyển nhượng. Khối lượng giao dịch trung bình tuần cũng tăng vọt lên mức 40,54 triệu chứng khoán mỗi phiên, vượt rất xa so với mọi tuần giao dịch trước đây vốn chưa bao giờ vượt qua con số 30 triệu đơn vị.
Trong bối cảnh giá chứng khoán tăng nóng, thị trường thu hút nguồn tiền rất lớn liên tục đổ vào tham gia mua bán. Tổng giá trị giao dịch tại HOSE trong tuần qua đạt hơn 3.611 tỷ đồng.
“Đây là một dòng tiền thực sự khổng lồ trong điều kiện hiện nay, nó đã và đang lay chuyển sự sợ hãi sang lòng tham. Hẳn không nhà đầu tư nào muốn “lỡ tàu” và điều đó giúp VN-Index trở lại xu hướng tăng sau tuần giao dịch giằng co quyết liệt”, bà Võ Ngọc Hoàng Vy, chuyên viên phân tích của Vietstock nhận định. Lòng tham và sự sợ hãi là 2 ý niệm tạo ra các quyết định mua hoặc bán trên thị trường tài chính vốn luôn biến động và chỉ báo cho nền kinh tế.
Nước ngoài đẩy mạnh bán ra
Thông tin về lo ngại lợi nhuận suy giảm của các tập đoàn toàn cầu làm chứng khoán Mỹ lao đao đầu tuần kéo theo việc tăng bán của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại TTCK Việt Nam. Bên cạnh đó, năm tài chính đối với các quỹ ĐTNN thường kết thúc vào ngày 31-3 hằng năm và đó là lý do khiến họ thường đẩy mạnh giao dịch vào cuối tháng 3 (chốt báo cáo năm), đầu tháng 4 (mở đầu niên độ). Điều này khiến các quỹ có giao dịch khó đoán và bất thường.
Tại HOSE, trong tháng 3, khối ngoại chuyển nhượng gần 77,2 triệu chứng khoán với giá trị mua hơn 1.046 tỷ đồng so với 911 tỷ đồng bán ra. Nhưng trong 7 phiên đầu tháng 4, nhà ĐTNN chuyển sang đẩy mạnh bán ra dù xu hướng thị trường đang tăng mạnh. Họ mua vào 12,52 triệu chứng khoán trị giá 398 tỷ đồng nhưng bán ra gần 21,63 triệu chứng khoán trị giá hơn 506 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Tươi, cựu Giám đốc điều hành CTCK Kim Eng Việt Nam (KEVS) đánh giá: “Khối ngoại thật ra vẫn lướt sóng như nhà đầu tư thông thường và chốt lãi nhanh khi gặt hái được lợi nhuận. Khả năng mua bán của họ là điều mà nhà đầu tư trong nước còn phải học theo nhiều nhưng chúng ta không thể làm theo họ. Các tổ chức này mua bán khối lượng lớn và chú trọng tính thanh khoản nên thường thoát ra sớm hơn rất nhiều để đảm bảo bán được. Theo tôi, các quỹ mua bán lướt sóng lớn tại TTCK Việt Nam tiêu biểu có Deutsche Bank, HSBC, Citigroup…”.
Một số chuyên gia khác cho rằng khối ngoại có thể lập lại xu hướng giao dịch tương tự tháng ba, khi bán mạnh nửa đầu tháng nhưng tăng mua vào nửa sau khi nhận thấy thị trường tăng điểm.
Theo số liệu thống kê của HOSE, các nhà ĐTNN chiếm giữ khoảng 20%-25% tổng lượng giao dịch trên thị trường nhưng thực tế chênh lệch mua bán ròng của họ chỉ ở mức 5%-10%.
“Nhà đầu tư trong nước thường khuếch đại tính ảnh hưởng của khối ngoại nhưng họ không làm lệch thị trường quá nhiều với tỷ lệ giao dịch ròng dưới 10%. Yếu tố chính hoàn toàn do tâm lý khi nhà đầu tư trong nước không vững niềm tin và phải dõi theo nhà ĐTNN”, ông Tươi nhận xét thêm.
Nhiều nhà đầu tư lo ngại khối ngoại sẽ tranh thủ thị trường tăng để rút vốn nhưng các quỹ lớn như Dragon Capital, VinaCapital, Indochina Capital vẫn luôn khẳng định không có ý rút vốn khỏi thị trường Việt Nam như các tin đồn thổi. Thực tế, với chênh lệch mua bán chỉ vài trăm tỷ đồng mỗi tháng, hiện không có dấu hiệu rút vốn đồng loạt nào của nhà ĐTNN.
TƯỜNG CHÂU (SGGP 12G)