(SGGP).- Mở đầu phiên giao dịch chứng khoán trong tháng 5, VN-Index đã “bốc hơi” gần 18 điểm, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong 1 phiên đã mất 1,5 tỷ USD vốn hóa, khiến cho câu nói quen thuộc “Sell in May and go away” (Tháng 5 bán và đi chơi) của giới chứng khoán Mỹ có vẻ đã ứng nghiệm với các sàn chứng khoán Việt Nam.
Nhà đầu tư “hững hờ” với TTCK khi thanh khoản không cao. Ảnh: CAO THĂNG
Lịch sử lặp lại
Cách đây 1 năm, cũng trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 5, vào ngày 5-5-2014, VN-Index cũng đã giảm ngay 14 điểm và chỉ số này đã liên tục giảm sau đó do tác động của sự kiện biển Đông. Thị trường thời điểm tháng 5-2014 cũng đã chứng kiến nhiều phiên mất vài tỷ USD/phiên. Và lịch sử đã lặp lại ở tháng 5-2015 với sự kiện TTCK giảm gần 18 điểm trong phiên giao dịch ngày 4-5. Mặc dù giới phân tích cho rằng, thông thường sau kỳ nghỉ dài, giới đầu tư vẫn còn tâm lý nghỉ ngơi nên phiên giao dịch đầu tiên trở lại của TTCK luôn giảm điểm. Cùng với đó, giới chuyên môn cũng nhấn mạnh: Tác động chính dẫn đến thị trường xấu đi trong thời điểm đầu tháng 5 là việc Trung Quốc đã đưa 2 giàn khoan nước sâu trở lại biển Đông. Thế nhưng, quan sát các phiên giao dịch gần đây cho thấy, mặc dù TTCK đã trở lại trạng thái tăng giảm “zíc-zắc” quen thuộc, nhưng rõ ràng, với thanh khoản sụt giảm, nhiều nhà đầu tư vẫn mạnh tay xả hàng… chứng tỏ sự ám ảnh của “câu thần chú” bán và đi chơi trong tháng 5 vẫn còn đè nặng lên thị trường.
Không phải chỉ trong 2 năm liên tục mới đây mà theo thống kê của các công ty chứng khoán, trong 9 năm trở lại đây, chỉ có 3 năm VN-Index tăng vào tháng 5, còn lại đều giảm, thậm chí trong đó có một số năm giảm rất mạnh. Nói về việc này, Giám đốc chiến lược Công ty Chứng khoán MSBS Lê Đức Khánh cho rằng, tháng 5 thì giới đầu tư thường nhắc đến câu nói trên bởi lẽ trong thời gian hè, TTCK không có nhiều biến động, thậm chí nhà đầu tư cũng không mua bán sôi động vài tháng sau đó, cho đến hết tháng 8. Ông Lê Vương Hùng, Giám đốc Khối kinh doanh môi giới Công ty Chứng khoán VDSC lý giải thêm cho việc tháng 5 nhà đầu tư hay bán để đi chơi là vì TTCK trong tháng 5 không có các thông tin hỗ trợ thị trường. Các DN niêm yết cũng đã công bố kết quả kinh doanh quý 1 trước đó, mùa đại hội cổ đông gần như đã khép lại vào cuối tháng 4. Các thông tin tích cực về kế hoạch kinh doanh cũng như chia cổ tức chỉ “đủ sức” thúc đẩy giao dịch đối với từng cổ phiếu riêng lẻ. Thông tin tốt từ kết quả kinh doanh hay kinh tế vĩ mô chỉ có thể đảm bảo làm điểm tựa cho thị trường… Giới chuyên gia có chung nhận định, sự bứt phá cần thiết của TTCK phải có sự hỗ trợ của dòng tiền. Trong khi đó, TTCK trong phiên đầu tuần ngày 11-5 tiếp tục thể hiện sự “hững hờ” của nhà đầu tư khi thanh khoản không thực sự nổi bật, vào khoảng 1.493 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ khoảng 13% so với phiên cuối tuần trước. VN-Index tiếp tục giảm, đứng ở mức 551,67 điểm trong khi giới đầu tư kỳ vọng VN-Index sẽ tiếp cận vùng kháng cự 580 - 585 điểm trong nửa đầu tháng 5. Các công ty chứng khoán cũng cảnh báo, nửa cuối tháng 5 có thể là khoảng thời gian mà TTCK phải đối mặt với khoảng trống thông tin hỗ trợ, nên nhiều khả năng thị trường bước vào đợt điều chỉnh giảm.
Khối ngoại đỡ thị trường?
|
Trong khi các nhà đầu tư trong nước nặng tâm lý e ngại sự ám ảnh tháng 5 và bán tháo cổ phiếu trên thị trường, thì khối ngoại đã tận dụng thời cơ này “gom” hàng. Tại phiên giao dịch ngày 4-5, trái ngược với việc tháo chạy khỏi thị trường của nhà đầu tư trong nước khi VN-Index lao dốc không phanh, khối ngoại đã mua ròng tổng cộng gần 10,7 triệu đơn vị với giá trị mua ròng 237,64 tỷ đồng trên cả 2 sàn. Thống kê từ 2 sàn HOSE và HNX trong tuần đầu tiên của tháng 5-2015 cho thấy, trên toàn thị trường khối ngoại đã mua ròng 32,6 triệu đơn vị, tương đương với khối lượng mua ròng của tuần trước đó, ở mức 32,69 triệu đơn vị, đạt 577,07 tỷ đồng.
Trong một diễn biến khác, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND và USD từ 21.458 VND/USD lên 21.673 VND/USD. Điều này đồng nghĩa với việc NHNN đã dùng hết 2% hạn mức như định hướng điều hành đề ra đầu năm. Trong hơn 2 tháng gần đây, vấn đề điều chỉnh tỷ giá luôn được các thành viên tham gia TTCK quan tâm vì tỷ giá trên thị trường tự do liên tục có các đợt biến động mạnh. Do đó, động thái nâng tỷ giá lần này của NHNN dường như đã được thị trường đón nhận khá tích cực, như một sự giải tỏa “nghi ngờ” và “lo sợ” về điều chỉnh tỷ giá. “Xét về ảnh hưởng của tăng tỷ giá VND/USD đối với TTCK Việt Nam, đợt điều chỉnh tỷ giá này có thể góp phần làm gia tăng dòng vốn ròng của khối ngoại đầu tư vào TTCK Việt Nam. Về lý thuyết, đồng tiền của quốc gia được đầu tư yếu đi sẽ thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài tăng giải ngân vào thị trường, đồng thời giảm bớt sự rút vốn của khối ngoại hiện hữu ra khỏi thị trường (do bất lợi khi quy đổi về đồng tiền bản địa). Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào lòng tin của nhà đầu tư với việc tỷ giá có được giữ ổn định trong suốt các tháng còn lại của năm nay hay không” - chuyên viên phân tích thị trường Huỳnh Minh Tuấn của VDSC nhận định.
Theo thống kê của các công ty chứng khoán, giai đoạn từ giữa tháng 4 tới giữa tháng 7 năm ngoái, khối ngoại tiến hành giải ngân mạnh, giúp TTCK phục hồi sau thời gian dài điều chỉnh. Chính vì thế, nhà đầu tư cũng kỳ vọng nếu diễn biến này lặp lại trong năm nay, TTCK sẽ tích cực hơn trong thời gian tới.
Minh Huy