Lẽ thường, với bóng đá chuyên nghiệp, những thương vụ mua bán chẳng khác những giao dịch kinh doanh dựa theo những nguyên tắc nhất định. Nếu gọi bóng đá Việt Nam là chuyên nghiệp thì có vẻ như những vụ mua bán và chuyển nhượng đang cực kỳ bát nháo một cách đầy... nghiệp dư.
Ai đúng, ai sai ?

Hữu Thắng trong lần tập trung đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho AFF Cuphồi đầu năm 2007.
Thương vụ chuyển nhượng cầu thủ Nguyễn Hữu Thắng nổi đình, nổi đám tưởng như sẽ đem đến sự hài lòng cho cả 3 bên, nhưng đúng phút 89, họ lại đòi lôi nhau ra tòa. V.Ninh Bình muốn trả Hữu Thắng cho Bình Dương hoặc chí ít cũng phải giảm tiền. Bình Dương đương nhiên chẳng chịu bởi rõ là họ đã nắm đằng chuôi với những biên bản giấy trắng mực đen rõ ràng.
Vụ Hữu Thắng chưa kịp nguội, BĐVN lại chứng kiến thêm sự kiện hy hữu. Một ông “cò” Tây có tên Okay Jolly bỗng đâu xuất hiện đòi đưa “cò” Trần Tiến Đại ra tòa vì tội nẫng tay trên 4 cầu thủ đã ký hợp đồng với 4 CLB tự bao giờ.
Ở vụ thứ nhất, có vẻ như rắc rối do chính V.Ninh Bình tạo ra. Họ quá mê cái tin Hữu Thắng đi A.Galaxy thử việc mà quên mất rằng Thắng đã có “tiền sử” chấn thương từ trước. Cũng vì mê, họ bỏ qua mọi nguyên tắc từ tài chính đến chuyên môn để đạt mục đích bằng mọi giá. Giờ đây, khi Hữu Thắng không như mong đợi, V.Ninh Bình đòi “chạy làng”.
Chưa xét đến tính đúng sai, ngay ở trường hợp này đã thấy được cái hạn chế trong mua sắm của các CLB Việt Nam. Ở trường hợp này, V.Ninh Bình đã tiêu tiền theo phong trào mà không cần biết Hữu Thắng mạnh hay yếu, có phù hợp không?!
Ở trường hợp thứ 2, thật khó để xác định Trần Tiến Đại hay Okay Jolly, ai đúng ai sai. Ai là người có thể kiểm chứng tính chân thực trong vụ tranh chấp này khi cả 2 đều hoạt động ngoài tầm kiểm soát của cả CLB lẫn cầu thủ, và thậm chí là VFF.
Vai trò của VFF ở đâu ?
Đương nhiên, cái nhìn được hướng về phía VFF. Nhưng thử hỏi VFF có trả lời nổi khi mà bản thân cơ quan quản lý, điều hành cấp cao nhất này cũng không thể nắm hết có bao nhiêu “cò” đang hành nghề. Cũng dám chắc là VFF sẽ chẳng thể kiểm chứng được sự chính xác trong những bản lý lịch mà các cầu thủ đưa tới. Liệu có ai dám chắc trong số cả trăm ngoại binh đang chơi bóng tại Việt Nam, có ai trong số họ còn khúc mắc với một CLB khác?
Thực tế là như vậy, thế nên không ngạc nhiên khi bà Nguyễn Thị Mỹ Dung - Trưởng phòng Pháp lý - Tư cách cầu thủ VFF cho biết, phòng chức năng của bà chưa nhận được văn bản nào từ V.Ninh Bình hay Bình Dương. Và dĩ nhiên, chuyện giữa 2 “cò” Đại và Jolly lại càng không.
Một sự lạ, bởi lẽ ra VFF phải là điểm đến đầu tiên của các vụ tranh chấp, thế nhưng cả V.Ninh Bình lẫn “cò” Jolly đều nhờ tới báo chí mà “lờ” đi VFF. Phải chăng họ không tin tưởng vào khả năng cầm cân nảy mực của tổ chức này, hay chính VFF đã quá thờ ơ với những sự vụ xảy ra trong chính hệ thống thi đấu của mình?!
Nói thẳng ra, tất cả những vụ lùm xùm đang xảy ra đều xuất phát từ thực tế rằng, thị trường chuyển nhượng đang bị thả nổi, và đầy rẫy những chuyện bát nháo.
Ai là nạn nhân của những bát nháo này? Các cầu thủ, các CLB và cả VFF. Thử hỏi, nếu một vụ “đáo tụng đình” giữa “cò” Đại, cò Jolly hay giữa V.Ninh Bình và Bình Dương vượt ra ngoài tầm VFF thì uy tín, hình ảnh của VFF có bị ảnh huởng không?
Có thể thấy các CLB Việt Nam đang thiếu hẳn một “kim chỉ nam” cho các vụ giao dịch. Hạn chế này có thể đem đến những rắc rối và thiệt hại cực lớn.
Nên chăng VFF cần chủ động hơn nữa trong việc trang bị một hành lang pháp lý vững vàng cho các CLB hơn là chỉ tư vấn khi sự vụ đã rồi. Và cũng nên chăng, chính VFF phải gióng lên hòi chuông báo động, đề ra những biện pháp chế tài phù hợp để khống chế thị trường chuyển nhượng vốn đang quá bát nháo như hiện nay!
HOÀI NHÂN
Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, Trưởng phòng Pháp lý - Tư cách cầu thủ VFF: Liên quan đến vụ “lùm xùm” tay ba giữa V.Ninh Bình - Hữu Thắng và Bình Dương, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung - Trưởng phòng Pháp lý-Tư cách cầu thủ VFF đã có cuộc trao đổi với báo giới về những vấn đề liên quan đến sự vụ này... · Là trưởng phòng Pháp lý - Tư cách cầu thủ của VFF, bà nhận xét thế nào về vụ việc đang xảy ra giữa V.Ninh Bình và Bình Dương xung quanh cuộc chuyển nhượng cầu thủ Hữu Thắng? - Chúng tôi chưa nhận được bất cứ văn bản chính thức nào từ phía V.Ninh Bình hay Bình Dương. Với những trường hợp kiểu này, LĐBĐ thế giới (FIFA) đã khuyến cáo các bên nên giải quyết trong nội bộ. Tòa án của FIFA hay Tòa thể thao quốc tế (CAS) chỉ thụ lý những vụ việc mang tính quốc tế. Họ chỉ thụ lý vụ việc mang tính quốc gia nếu vụ việc đó đã trải qua tất cả các cấp xử lý của LĐBĐ quốc gia mà chưa có kết quả cuối cùng. Nhưng tôi cũng lưu ý rằng, ngay cả khi đồng ý, chưa chắc CAS đã thụ lý mà chỉ xem xét khả năng thụ lý mà thôi. · Phòng PL-TC cầu thủ có vai trò thế nào ở những sự vụ kiểu này? - Từ trước tới nay, bóng đá Việt Nam chưa xảy ra vụ kiện nào lớn bởi phần lớn phòng chúng tôi đã tư vấn cho các bên. Với tư cách là Phòng Pháp lý - Tư cách cầu thủ của VFF, chúng tôi đóng vai trò là trọng tài trong các cuộc tranh chấp. Nếu một bên nào đó không đồng ý với cách giải quyết, họ có thể đưa vụ việc lên Ban khiếu nại · Vậy những vụ kiện tụng xung quanh việc chuyển nhượng cầu thủ được xử lý theo những điều luật nào? - Tranh chấp về chuyển nhượng cầu thủ là hoạt động đặc thù của bóng đá nên không thể vận dụng quy định của Luật lao động để xử lý, trong trường hợp này phải lấy Quy chế bóng đá chuyên nghiệp và ngoài chuyên nghiệp để xét xử. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý, nếu có điều khoản hoặc chi tiết nào cần tới sự tham chiếu của Luật lao động thì có thể áp dụng các quy định của Luật lao động. · Vậy trường hợp giữa V.Ninh Bình và Bình Dương thì sao, thưa bà? - Trong luật FIFA không có điều khoản nào quy định các vụ chuyển nhượng rằng bên bán phải thông báo tình hình sức khỏe của cầu thủ cho bên mua, nếu bên mua không đặt điều kiện này. Do chưa nhận được văn bản chính thức từ vụ việc giữa V.Ninh Bình và Bình Dương nên những thông tin chúng tôi cung cấp chỉ dựa trên những dữ liệu mà báo chí cung cấp chứ không phải là quan điểm của VFF hay của Phòng Pháp lý - Tư cách cầu thủ về sự vụ này. H.Nhân (lược ghi) |