Khác hẳn mọi năm, cứ ra tết là các doanh nghiệp lại “đỏ mắt” tìm lao động bởi tình trạng công nhân nhảy việc thì thị trường lao động TPHCM đầu năm 2013 lại đi theo chiều hướng ngược lại: Người lao động phải chạy đôn, chạy đáo mới mong tìm được việc.
Không dễ tìm việc
Gần 1 tuần qua, anh Lương Đình Tám, tốt nghiệp trường cao đẳng nghề, chuyên ngành công nghệ ô tô, cầm hồ sơ chạy khắp nơi để mong tìm được việc làm ổn định từ đầu năm. Đến nay anh đã nộp đến 4 bộ hồ sơ mà cũng chưa có nơi nào nhận vào làm. “Nơi nhận thì mức lương tính theo lao động phổ thông quá thấp, nơi thì đòi hỏi thử việc quá lâu, còn nơi mình thấy mức lương có thể chấp nhận được lại phải chờ, mà chờ thì không biết đến bao giờ” - anh Tám thở dài.
Còn chị Phạm Thị Huyền, quê ở Đắk Lắk, cử nhân kinh tế chuyên ngành tài chính - ngân hàng cũng đang tính đến phương án về quê chờ việc. Chị cho biết, tốt nghiệp từ cuối năm ngoái nhưng đi nộp hồ sơ đâu cũng bảo chờ khi có kế hoạch tuyển nhân sự mới. “Trong tết chấp nhận đi bán hàng trong siêu thị, nghĩ đến ra tết đi xin việc làm cho đúng ngành nghề được đào tạo. Vậy mà đến nay vẫn chưa nơi nào nhận hồ sơ cả. Cũng có người khuyên chấp nhận đi làm công việc phổ thông rồi chờ cơ hội, nhưng nghĩ đến cảnh đi học hơn 4 năm tốn bao nhiêu tiền của, thời gian uổng quá nên chắc về quê làm việc nhà, chờ khi có việc” - chị Huyền bộc bạch.
Không chỉ lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề khó tìm việc mà ngay cả lao động phổ thông năm nay cũng khó. Khác với mọi năm, những ngành nghề thu hút nhiều lao động phổ thông như dệt may, chế biến thực phẩm… thường thiếu hụt lao động nặng nề nhất trong năm mới thì năm nay các doanh nghiệp cho biết do khó khăn trong đơn đặt hàng nên chưa có nhu cầu tuyển dụng thêm. Chị Nguyễn Thị Vinh, công nhân tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc (Bình Chánh) cho biết, cứ nghĩ lao động phổ thông thì tìm việc lúc nào chẳng được vì ra tết công ty nào cũng rao tuyển thêm hàng trăm, hàng ngàn lao động, thậm chí công ty còn thưởng thêm cho công nhân nào kéo thêm được người về công ty mình. Còn anh Nguyễn Công Tiến, thợ hồ quê ở Nghệ An cho biết, nếu như mọi năm cứ vào TPHCM là có việc nhưng năm nay chủ thầu vẫn chưa nhận được công trình nào nên phải đi làm lương công nhật để đắp đổi qua ngày, mức thu nhập giảm trong khi mới vào đến nơi chủ nhà trọ đã tăng giá thuê phòng.
Thị trường đang dần ổn định
Lý giải nguyên nhân người lao động khó xin việc đầu năm, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cho biết, do tình hình kinh tế khó khăn nên không ít doanh nghiệp không tuyển thêm, thậm chí cắt giảm nhân sự. Nếu như các năm trước, cứ ra tết thì tình trạng nhảy việc tăng đột biết làm xáo trộn thị trường lao động thì năm nay tình trạng khó xin việc đã khiến cho người lao động không dám mạo hiểm “nhảy việc”. Chính vì vậy mà thị trường lao động đầu năm nay ổn định hơn các năm, tránh được tình trạng thất nghiệp ảo.
Còn Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam Củ Phát Nghiệp, doanh nghiệp sử dụng trên 75.000 lao động, cho biết, hàng năm công ty biến động khoảng vài ngàn công nhân sau tết, còn năm nay tính đến thời điểm này tỷ lệ công nhân trở lại làm việc đạt gần 100%, số còn lại xin vào trễ vài ngày vì nhà ở xa. Cũng do tình hình khó khăn chung, nếu như năm ngoái công ty có khoảng 82.000 lao động thì năm nay chỉ còn khoảng 75.000 lao động. Số thiếu hụt này do công ty không tuyển thêm sau khi người lao động xin nghỉ vì các lý do khách quan.
Về xu hướng lao động, theo ông Trần Anh Tuấn, năm 2013 TPHCM cần 270.000 lao động; tập trung nhiều vào những ngành nghề kinh doanh, dịch vụ như nhân viên kinh doanh, bán hàng, dịch vụ - phục vụ, chăm sóc sức khỏe… Nhu cầu về lao động chất lượng cao trong các ngành nghề như cơ khí, xây dựng, công nghệ thông tin thị trường vẫn rất cần. Riêng Hepza sẽ có nhu cầu tuyển dụng các ngành cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, hóa - dược - cao su, chế biến lương thực - thực phẩm với khoảng 30.000 lao động. Mặt khác, vẫn có sự chuyển dịch cơ cấu trình độ tay nghề, cung cầu lao động dự báo còn tồn tại nhiều nghịch lý và biến động, dẫn đến tình trạng nhiều lao động mất việc làm trong khi doanh nghiệp muốn có đội ngũ nhân lực có tay nghề. Tuy nhiên, tỷ lệ dịch chuyển này sẽ ngày càng giảm và cung - cầu lao động đang dần tiệm cận và ổn định hơn.
Theo ông Nguyễn Cao Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM, dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng năm nay không còn tình trạng người lao động đổ xô xin nghỉ việc để nhận trợ cấp thất nghiệp như các năm trước. Chỉ những trường hợp mất việc làm thực sự do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, giải thể. Thị trường lao động năm nay ổn định cũng tránh được tình trạng thất nghiệp ảo do nhảy việc. Người thất nghiệp cũng quan tâm đến việc giới thiệu việc làm nhiều hơn thay vì tự đi tìm việc như trước đó.
HỒ THU