Thị trường lao động năm 2012: Việc làm mới cho 265.000 lao động

Năm 2012, theo dự báo, tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới. Việc nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phải ngưng hoặc tạm ngưng hoạt động đã ảnh hưởng đến thị trường lao động TPHCM như thế nào? Nhu cầu lao động năm 2012 cần bao nhiêu lao động? Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu và thông tin thị trường lao động TPHCM cho biết:
Thị trường lao động năm 2012: Việc làm mới cho 265.000 lao động

Năm 2012, theo dự báo, tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới. Việc nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phải ngưng hoặc tạm ngưng hoạt động đã ảnh hưởng đến thị trường lao động TPHCM như thế nào? Nhu cầu lao động năm 2012 cần bao nhiêu lao động? Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu và thông tin thị trường lao động TPHCM cho biết:

Năm 2011, khoảng 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ phải ngưng hoặc tạm ngưng hoạt động nên không ít người lao động thất nghiệp. Tình trạng nhảy việc trở nên phổ biến, số lao động biến động trên 30% nhất là ở các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông. Tuy nhiên, về tổng thể, nhu cầu lao động năm 2011 tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP vẫn tăng 13,7% so với năm 2010.

Người lao động tìm việc tại sàn giao dịch việc làm năm 2011.

Người lao động tìm việc tại sàn giao dịch việc làm năm 2011.

Năm qua, thị trường lao động biến động khó kiểm soát, một số doanh nghiệp do nhiều áp lực đã phải tinh giản bộ máy, chú trọng nâng cao phúc lợi cho người lao động để có nguồn nhân sự ổn định phù hợp. Lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng trên 11%. Điều này cũng cho thấy nghịch lý vừa thừa, vừa thiếu lao động. Nhu cầu tuyển dụng cuối năm tương đối ổn định nhưng lại giảm khoảng 30% so cùng kỳ, đặc biệt là nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông trong các doanh nghiệp sản xuất.

- PV: Thị trường lao động năm 2011 tiếp tục mất cân bằng về cung - cầu, đề nghị ông phân tích rõ hơn về tình trạng này?

- Ông TRẦN ANH TUẤN: Thị trường lao động đang tiếp tục có sự chênh lệch cung - cầu, trong đó ngành tài chính - kế toán là ngành nghề có số lượng người tìm việc làm luôn vượt nhu cầu tuyển trên 30%. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn “khát” nhân sự có kinh nghiệm và chuyên môn giỏi ở ngành này. Ngành dệt may, giày da hiện vẫn thu hút lao động phổ thông nhiều nhất và thường xuyên có sự biến động.

Năm 2011, các doanh nghiệp ngành dệt may, giày da cần trên 50.000 lao động nhưng nguồn cung nhân lực chỉ đáp ứng khoảng 70%. Hàng năm, ngành cơ khí tại TPHCM cần trên 10.000 lao động, trong đó 30% nhân lực có trình độ cao. Tuy nhiên, khả năng cung ứng nguồn lao động tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trường nghề… không đủ để đáp ứng. Thậm chí, các trường đào tạo ngành này cũng không tuyển đủ người vào học. Các trường chỉ có thể tuyển sinh khoảng 60% so với tổng chi tiêu đào tạo ngành cơ khí. Các ngành điện - điện công nghiệp - điện lạnh, xây dựng, hóa chất, chế biến lương thực - thực phẩm… có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhân lực có tay nghề chuyên môn nhưng nguồn cung chỉ đáp ứng được 60% so cầu.

- Từ những phân tích trên, ông có thể đưa ra dự báo thị trường lao động TPHCM năm 2012 ?

- Qua kết quả khảo sát và phân tích nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp năm 2012 và đặc điểm thị trường lao động, tôi thấy rằng, thị trường lao động TPHCM vẫn còn nhiều khó khăn, biến động. Dự báo nhu cầu nhân lực năm 2012 sẽ tạo việc làm cho 265.000 lao động, trong đó 120.000 chỗ làm việc mới và nhu cầu tuyển dụng lao động nữ chiếm 57,7%. Vấn đề sử dụng và quản lý nhân lực, yếu tố cơ bản tích cực nhất vẫn là chất lượng, năng suất lao động, chính sách tiền lương và đãi ngộ lao động, do đó yêu cầu các doanh nghiệp tích cực cải tiến hoàn thiện tổ chức sản xuất kinh doanh, tính toán chặt chẽ việc tuyển dụng và thu hút lao động làm việc đạt hiệu quả cao.

Thị trường lao động năm 2012 sẽ giảm sự sôi động về số lượng và theo chiều hướng nâng cao chất lượng. Cụ thể, đầu năm, nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là lao động phổ thông để bù đắp cho những biến động về lao động dịp tết. Giữa năm, thị trường lao động sẽ tiếp tục có sự biến động về cung - cầu nhưng ổn định. Cuối năm, các doanh nghiệp sẽ tập trung nhiều vào lao động có tay nghề, trình độ ở một số ngành nghề như cơ khí, công nghệ thông tin, marketing, dịch vụ, xây dựng… Riêng năm 2012, các khu chế xuất - khu công nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 30.000 lao động.

10 nhóm ngành nghề cần nhiều lao động năm 2012 tại TPHCM

1. Marketing - kinh doanh - bán hàng. 2. Dệt - may - giày da. 3. Du lịch - nhà hàng - khách sạn - dịch vụ - phục vụ. 4. Công nghệ thông tin - điện tử - viễn thông. 5. Tài chính - kế toán - kiểm toán. 6. Cơ khí - luyện kim - công nghệ ô tô. 7. Xây dựng - kiến trúc - giao thông vận tải. 8. Quản lý - hành chính - giáo dục - đào tạo. 9. Điện - điện công nghiệp - điện lạnh. 10. Hóa - chế biến lương thực thực phẩm - quản trị chất lượng.


(Nguồn: Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM)


HỒ THU thực hiện

Tin cùng chuyên mục