Năm nay, tết sẽ đến sớm nên mới trung tuần tháng 11-2010, thị trường lịch đã vào mùa. Sau 4 năm thực hiện mô hình “xã hội hóa”, thị trường lịch năm nay đã trở lại cách làm cũ do 4 nhóm gồm 55 nhà xuất bản (NXB) nắm giữ thị trường. Điều gì đã xảy ra ?
Lịch cho nhà nghèo: Hết hàng!
Vừa hớt ngụm nước ngọt, anh T…, chủ một cửa hàng sách trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (NTMK), quận 3 nói vẻ đắng lòng: “Thôi, đừng hỏi vụ lịch nữa anh ơi, năm nay ngán lắm…”. Nói là nói vậy, anh và nhiều đồng nghiệp đã từng nhiều năm làm lịch luôn trăn trở về vụ lịch năm nay. Anh cho biết: “Cứ đi hết mấy cửa hàng bán lịch rồi hỏi xem giá năm nay bao nhiêu, mắc hơn năm ngoái 20%-30% mà mua nhiều cũng không có hàng”.
Tuyến đường NTMK (từ giao lộ Tôn Thất Tùng đến ngã sáu Cộng Hòa) có thể xem là trung tâm kinh doanh lịch của thành phố. Xe tải tấp nập đổ hàng về. Cửa hàng nào cũng đỏ rực màu lịch. Ghé vào nhà sách Minh Trang, số 237 NTMK, cô gái bán hàng chào mời khi chúng tôi có ý định mua loại lịch bloc pơ-luya tiểu, cô lắc đầu “không có hàng”. Loại bloc trung là phổ biến, thế nhưng trung pơ-luya, giá 12.000 đồng, là loại lịch dành cho nhà nghèo, thu nhập thấp hoặc dân vùng sâu vùng xa thường sử dụng, “nếu mua số nhiều cũng không đủ hàng cung cấp”.
Đi thêm một đoạn ghé vào cửa hàng 241 NTMK, lịch cực đại và siêu cực đại dàn hàng ngang trước cửa, còn các loại lịch bloc thì bày khiêm tốn ở một góc. Thấy chúng tôi cầm xem bloc lịch trung pơ-luya, chị chủ tiệm nhanh miệng phân trần: “Hàng này số lượng không nhiều, mua ít ít thì may ra…”. Anh con trai phụ việc cười tít mắt, nói chêm vào: “Chú mua hàng cực đại, siêu đại nè… bao la, giá từ 90 ngàn đến 600 ngàn…”.
Loại bloc tiểu hay trung pơ-luya đã bắt đầu thành… hàng hiếm. Bloc trung pơ-luya là lịch nhà nghèo, tính ra giá năm nay mắc hơn năm ngoái khoảng 25%. Còn loại trung 2 màu đến 4 màu, giá từ 24.000-26.000 đồng/bloc; loại đại, giá đến 50.000 đồng/bloc. Với giá cả như trên, việc mua một bloc lịch đối với người lao động là điều phải cân nhắc trong thời buổi bão giá.
Và ngập tràn siêu lịch...
Trong khi loại lịch tiểu, trung được in và đưa ra thị trường ở mức khống chế với số lượng nhỏ thì tại các cửa hàng lại ngập tràn các loại siêu lịch. Như loại lịch bloc khổ 21 x 42cm của nhóm lịch NXB Tài chính giá 260.000 đồng; bloc khổ 25 x 45cm của nhóm NXB Khoa học kỹ thuật giá 297.000 đồng... Cao nhất là bloc khổ 40 x 60cm, nặng tới 7kg, của nhóm lịch NXB Văn hóa - Thông tin và Giáo dục có giá 600.000 đồng, thậm chí có loại “siêu… siêu cực đại”, giá khoảng 1 triệu đồng! Tại cửa hàng lịch N.H., trên đường NTMK, quận 3, các loại siêu lịch được bày tràn lan trước cửa hàng và người ta không ngại công khai mức giảm giá cho khách hàng trên từng đầu lịch, từ 20%-35%! Thị trường lịch năm nay dường như “méo mó” về chủng loại khi những người có quyền “cho” quota giấy phép in lịch đã quá lạc quan về sức mua, hay lệch lạc về đối tượng phục vụ?
Nhìn chung, giá lịch năm nay tăng cao hơn năm ngoái. Về công in, giá tăng 10%-15%, giấy in tăng 40%-50% làm cho giá thành lịch bloc đội lên. Chiết khấu phát hành lịch góp phần đẩy giá lịch lên cao. Những năm vừa qua, giá bán lẻ lịch bloc thường thấp hơn giá bìa do có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà làm lịch, năm nay điều này xem ra khó tái diễn. Cơ chế phát hành độc quyền làm chiết khấu phát hành cao hơn do qua nhiều tầng nấc và càng không thể bán dưới giá bìa. Bằng chứng cho thấy, nguồn lịch trung pơ-luya năm nay đã thành hàng hiếm và khách hàng muốn mua thì phải chờ để đầu mối chạy chọt “săn” nguồn hàng.
Nhớ trước đây, khi là Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, ông Phạm Quang Nghị là người đã có công xóa bao cấp cho việc làm lịch, đưa việc in và phát hành lịch vận hành theo đúng nghĩa thị trường, người dân có nhiều lựa chọn khi mua lịch với giá rẻ và chất lượng. Còn bây giờ, nhìn lại 4 năm xã hội hóa việc làm lịch, những người có trách nhiệm lại cho rằng “xuất bản lịch bloc bộc lộ nhiều bất cập, việc đăng ký kế hoạch xuất bản đã không dựa vào nhu cầu xã hội và khả năng của NXB”. Hậu quả nhãn tiền, bây giờ người nghèo muốn mua một bloc lịch trung phải cân nhắc túi tiền, đơn vị cần mua lịch số lượng lớn để biếu khách hàng thì phải chạy chọt… Phải chăng tư duy quản lý nhà nước về làm lịch đang quay lại tư duy bao cấp, độc quyền cho một nhóm lợi ích hơn là phục vụ cho đa số người dân?
CÁT TƯỜNG