Ngày 31-7, Hội Hữu nghị Việt - Mỹ TPHCM tổ chức hội thảo “20 năm quan hệ Việt - Mỹ: Nhìn từ góc độ kinh tế - thương mại”. Đến dự có Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, nguyên Tổng Lãnh sự VN tại San Francisco; Tổng Lãnh sự Mỹ tại TPHCM Rena Bitter cùng các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp… Hội thảo đã nhìn nhận lại 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia và những kỳ vọng, cơ hội trong thời gian tới khi Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết…
40 tỷ USD - một niềm tin từ hai phía
Một thành quả mà tất cả các học giả, những người đã từng chứng kiến bước ngoặc phát triển hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai quốc gia đã từng đối đầu trong cuộc chiến tranh, đều thừa nhận là “quá tốt đẹp” thông qua kim ngạch thương mại giữa hai nước. Cụ thể, sau 20 năm bình thường hóa quan hệ, từ bước đầu thương mại song phương chỉ khoảng nửa tỷ USD/năm, thì gần đây đã đạt 35 tỷ USD và dự kiến năm 2015 sẽ lên 40 tỷ USD.
Ông Lê Quốc Ân, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dệt May Việt Nam, cho rằng, có được sự phát triển đó là nhờ vào chính sách mở cửa của Chính phủ. Trước đây hàng dệt may chỉ quanh quẩn trong nước, sau khi Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ thông qua thì doanh nghiệp mới được “cởi trói”, xuất khẩu ra nước ngoài ào ạt. Năm qua, hàng dệt may xuất được 2,9 tỷ USD. Đến nay, hàng dệt may Việt Nam đang chiếm ưu thế trên thị trường Hoa Kỳ, chỉ sau Trung Quốc.
Ông Ân phân tích thêm, nếu căn cứ theo số dân, Việt Nam chỉ bằng 1/15 dân Trung Quốc nhưng hoạt động xuất khẩu ngành dệt may của Việt Nam lại chiếm tỷ lệ lớn tại thị trường Hoa Kỳ, điều đó cho thấy sự lớn mạnh của chúng ta.
Các đại biểu trình bày ý kiến tại hội thảo. Ảnh: CAO THĂNG
Các chuyên gia cho rằng, 20 năm đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa 2 quốc gia, thành tựu đáng kể hơn không chỉ là những con số kim ngạch thương mại mà còn ở những giá trị vô hình khác.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, đó là cơ hội làm ăn với những đối tác kinh tế lớn hàng đầu thế giới, được nâng tầm trong giao thương. Cụ thể là tiếp thu được những công nghệ tiên tiến của Mỹ - một cường quốc về công nghệ. Ví dụ như Coca Cola, Ford… đều là tiếp nhận, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài.
Ông Lê Quốc Ân cũng khẳng định, con số đô la thu được không quan trọng bằng mối quan hệ. Khi chúng ta giao thương với Mỹ - nơi có nền đào tạo nhất thế giới - cũng giúp cho nguồn nhân lực ngành dệt may được đào tạo nhờ các yêu cầu từ đối tác. Theo ông, những giá trị đó quan trọng hơn cả kim ngạch.
Không tận dụng thế mạnh, sẽ… thất thế!
Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, với những thế mạnh về mối quan hệ song phương hiện có, sắp tới TPP sẽ được ký kết, Việt Nam có lợi ích rất lớn trong xuất khẩu và tạo thêm động lực để phát triển trên các lĩnh vực khác.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai, CEO đầu tiên của Pepsico Việt Nam, Chủ tịch Công ty Hội nhập Toàn Cầu, tin rằng chúng ta là đối tác lớn của Mỹ mà Mỹ có ảnh hưởng lớn trên thế giới, nên TPP được ký kết sẽ tác động trực tiếp lên xuất nhập khẩu, nhờ ảnh hưởng của Mỹ lên các nước xung quanh.
Ông Lê Quốc Ân phân tích lợi thế khi tham gia TPP, đó là hiện nay với số thuế bình quân của hàng dệt may xuất khẩu chiếm khoảng 17% thì khi tham gia TPP, thuế hướng về 0%, doanh nghiệp sẽ đỡ gánh nặng về thuế. Khi đó, sức cạnh tranh hàng dệt may sẽ lớn hơn. Do vậy, ông Ân dự tính trong vòng 10 năm tới ngành dệt may sẽ phát triển gấp đôi hiện nay. Và quan trọng hơn hết, theo ông, đó là chất lượng bên trong. Mọi người thường nghĩ rằng, dệt may là làm công ăn lương, nhưng điều đó chỉ đúng cách đây 15 năm, khi chưa xuất vào Hoa Kỳ. Còn ngày nay, hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ có tỷ lệ thặng dư đến 50%, vì Hoa Kỳ không thích gia công nên các khâu cắt may, thiết kế, nhãn hiệu, phân phối… đều của chúng ta. Các công đoạn sau có giá trị gia tăng tăng dần lên, nên hàng xuất khẩu ngày nay có giá trị gia tăng rất lớn.
Một chuyên gia khác chỉ ra những lợi ích của TPP là: những năm qua hoạt động giao thương đến Việt Nam chủ yếu thông qua trung gian thứ 3. Ví dụ, nhãn hiệu Nike của Mỹ nhưng lại được các nhà sản xuất từ Thái Lan, Hàn Quốc đưa vào Việt Nam. Khi qua trung gian thì giá trị gia tăng và thế mạnh sẽ bị giảm đi. Nếu giao thương trực tiếp, chúng ta sẽ có thế mạnh và lợi ích cao hơn. Thế nhưng, các chuyên gia cũng lo ngại, TPP tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai lý giải, ngay nguyên tắc đầu tiên của TPP là “cạnh tranh bình đẳng”, thì đó cũng chính là cuộc chơi không bình đẳng giữa các nền kinh tế không ngang nhau. Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tôn Hoa Sen, chỉ ra nếu TPP được ký kết thì hàng hóa phải có xuất xứ. Ví dụ như ngành dệt may thì sợi phải có xuất xứ Việt Nam. Do vậy, với TPP, nếu chúng ta không biết khai thác lợi thế, sẽ bị thất thế.
Ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng đoàn Đàm phán WTO của Việt Nam, lo rằng các doanh nghiệp Việt Nam thường bán giá rẻ để giành mối. Khi tham gia nền kinh tế thế giới, cạnh tranh bình đẳng thì doanh nghiệp phải bán giá đúng, nếu không sẽ bị kiện bán phá giá. Tuy nhiên, ông cũng tâm tư rằng, lâu nay, doanh nghiệp Việt Nam thường chú tâm đầu tư vào bất động sản, nay thương mại tự do giữa các nước, mong sao các doanh nghiệp tập trung đầu tư vào sản xuất để có sản phẩm xuất khẩu và giữ vững thị trường.
HÀN NI
|