Thị trường nghệ thuật thế giới - Gió đổi chiều

Đây là nhận định của tờ Wall Street Journal khi nói về sự soán ngôi của Trung Quốc trên thị trường nghệ thuật thế giới. Theo Tổ chức Nghệ thuật châu Âu, Trung Quốc đã vượt qua Anh, trở thành quốc gia đứng thứ 2 trên thế giới về thị trường nghệ thuật. Không những thế, vị trí số 1 thế giới của nước Mỹ cũng phải dè chừng trước sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc.

Đây là nhận định của tờ Wall Street Journal khi nói về sự soán ngôi của Trung Quốc trên thị trường nghệ thuật thế giới. Theo Tổ chức Nghệ thuật châu Âu, Trung Quốc đã vượt qua Anh, trở thành quốc gia đứng thứ 2 trên thế giới về thị trường nghệ thuật. Không những thế, vị trí số 1 thế giới của nước Mỹ cũng phải dè chừng trước sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc.

Từ đầu năm đến nay, đã có sự đổ bộ hàng loạt của các nhà sưu tầm nghệ thuật, đại gia Trung Quốc ở cuộc đấu giá tại các nhà đấu giá Christie’s và Sotheby’s.

Lý giải cho nguyên nhân trên, tờ China Daily cho rằng, do tác động từ việc giới siêu giàu Trung Quốc đang gia tăng chóng mặt. Trong 20 năm qua, thu nhập trung bình của người Trung Quốc đã tăng gấp 20 lần. Con số 400 - 500 tỷ phú tại Trung Quốc đã làm nhiều quốc gia phải kinh ngạc, tăng 64% chỉ trong 2 năm 2009 và 2010. Giới tỷ phú này trung bình khoảng 39 tuổi. Nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc đã tạo nên một lớp những người giàu mới nổi. Và không ít người trong số họ giờ đã trở thành những nhà sưu tầm nghệ thuật lớn.

Không đơn thuần mua các tác phẩm nghệ thuật để thỏa mãn thú sưu tập, các đại gia Trung Quốc còn hướng đến mục tiêu kinh doanh để bổ sung vào khối tài sản giàu có của mình. Nỗi lo sợ lạm phát và đồng tiền Trung Quốc trở nên toàn cầu hóa khiến nhiều nhà giàu xứ này bắt đầu quan tâm đến những khoản tài sản nhân dân tệ. Vì vậy, họ tập trung vào những món đầu tư gọn nhẹ hơn. Thị trường đấu giá toàn cầu nhờ đó mà khởi sắc sau nhiều tháng phục hồi ì ạch. Các nhà sưu tập đang tìm kiếm những khoản đầu tư ổn định và đây mới chính là chỗ thể hiện rõ nhất đặc điểm ưa tính toán xa xôi của người Trung Quốc.

Sự tập trung của giới siêu giàu Trung Quốc là vào các tác phẩm như chai rượu, cổ vật, tranh, đồ trang sức. Bên cạnh đó, họ vẫn trung thành với quan điểm chú trọng mua những tác phẩm nghệ thuật của quốc gia. Họ luôn trả giá rất cao cho tất cả các tác phẩm nghệ thuật xuất xứ từ Trung Quốc đại lục. Sotheby’s nói rằng, những người mua trẻ tuổi ở Trung Quốc thường mang về các tác phẩm nghệ thuật châu Á hiện đại và đương đại.

Trong khi đó, lớp người mua giàu hơn và già hơn lại thích các sản phẩm nghệ thuật truyền thống như đồ nghệ thuật làm từ ngọc bích. Cũng có một số ít mua các tác phẩm nghệ thuật đắt giá của phương Tây như tranh Pierre-Auguste Renoir và Pablo Picasso.

Hồi tháng 5 năm nay, một khách hàng Trung Quốc đã trả 21,3 triệu USD để mua bức “Women Reading” trong cuộc đấu giá tại Sotheby’s. Các nhà sưu tập Trung Quốc trả giá mạnh nhất khi những tác phẩm thuộc hàng quốc bảo từ nước họ được đem bán, dù là địa điểm đấu giá tổ chức tại đâu. Vào tháng 3, một nhà sưu tập nghệ thuật Bắc Kinh đã xuất hiện tại nhà đấu giá Labarbe ở Toulouse, Pháp và vượt qua 6 đối thủ châu Á để mua một bức tranh vẽ trên da đã bị trộm khỏi Tử Cấm thành cách nay chừng một thế kỷ, với số tiền 31 triệu USD.

Bill Ruprecht, Giám đốc điều hành nhà đấu giá Sotheby’s, cho biết, người Trung Quốc tiêu khoảng 4 tỷ USD mỗi năm chỉ để mua các họa phẩm Trung Quốc. Khoản tiền đó lớn hơn toàn bộ doanh thu năm ngoái của Sotheby’s và nhà đấu giá Christie’s trong việc bán các họa phẩm theo trường phái hiện đại, đương đại và ấn tượng.

Những gì diễn ra tại thị trường nghệ thuật thế giới cho thấy giới tỷ phú Trung Quốc tạo ra một xu hướng mới trong thị trường nghệ thuật. Họ muốn tự định giá các tác phẩm nghệ thuật truyền thống Trung Quốc, thay vì phụ thuộc vào phương Tây. 

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục