Ngày 14-12, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) bước sang ngày cuối cùng của cuộc họp kéo dài 2 ngày để thảo luận về chính sách tiền tệ. Trước đó, trong biên bản cuộc họp của FED diễn ra đầu tháng 11, đa số chiến lược gia của thể chế này đều cho rằng thời điểm thích hợp nhất để tăng lãi suất chính là trong 2 ngày diễn ra cuộc họp (13 và 14-12). Đây cũng là thời điểm thích hợp để củng cố uy tín của FED và tiếp tục thực hiện lộ trình nới lỏng lãi suất, vốn được duy trì ở mức thấp trong thời gian khá dài nhằm ổn định kinh tế.
Giới đầu tư theo dõi thị trường giao dịch
FED chỉnh đường ray?
Theo giới phân tích, do những yếu tố bất ổn từ nền kinh tế thế giới như tình trạng giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc, cú sốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), trong khi tăng trưởng kinh tế Mỹ chưa thực sự nổi bật… thì kế hoạch “bình thường hóa” tỷ lệ lãi suất của FED đã “trật đường ray” ngay khi bước vào năm 2016. Tuy nhiên trong mấy tháng qua, các số liệu kinh tế tích cực của nền kinh tế Mỹ đã khiến FED bắt đầu cân nhắc đến việc điều chỉnh lãi suất cơ bản từ 0,25% - 0,5%. Vượt qua những lo ngại rằng nếu tăng lãi suất sẽ tác động tiêu cực đến đà phục hồi mong manh của nền kinh tế Mỹ, FED đã tăng nhẹ lãi suất hồi tháng 12-2015. Nếu lần này FED quyết định nâng lãi suất thì đây sẽ là lần nâng lãi suất đầu tiên trong năm nay và là lần thứ hai sau gần 1 thập niên duy trì ở mức thấp kỷ lục kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2009. Theo đồn đoán, FED có thể tăng lãi suất thêm 0,5%, lên mức 1%. Thậm chí, ông Jim Glassman, Giám đốc quản lý và là nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng JP Morgan Chase, nhận định, FED đã bỏ qua cơ hội khi không nâng lãi suất cơ bản trong suốt 11 tháng qua, cho rằng rất nhiều điều mà FED lo ngại cuối cùng lại diễn ra theo chiều hướng khác.
Dự báo thị trường sau phiên họp FED
Giá vàng, giá USD trong phiên giao dịch 14-12 trên thị trường thế giới khá trầm lắng, do thị trường chờ đợi quyết định của FED. Giá vàng thế giới ở mức 1.160 USD/ounce, không biến động nhiều so với phiên trước. Đồng USD cũng ổn định, chỉ có chỉ số công nghiệp Down Jones tăng lên đến 20.000 điểm. FED đã từng tiết lộ kế hoạch nâng lãi suất dần dần trong năm 2017. Bên cạnh việc tăng lãi suất, giới phân tích cũng trông chờ vào những tín hiệu từ FED về chính sách tiền tệ trong năm tới, khi Tổng thống mới đắc cử Mỹ Donald Trump tiếp quản Nhà Trắng vào tháng 1-2017. Thế nhưng, mọi chuyện có thể thay đổi khi ông Trump có ý định mở rộng chi tiêu chính phủ và cắt giảm thuế - yếu tố kéo lạm phát đi lên. Họ nhận định, giới chức FED có thể áp dụng cách tiếp cận “chờ đợi và quan sát” khi đưa ra quyết định về chính sách tiền tệ cho năm 2017. Một khi chính sách của chính quyền mới trở nên rõ ràng, FED có thể bắn đi những tín hiệu khác về kế hoạch lãi suất cho năm tới.
Trong khi đó, chuyên gia Joel Naroff thuộc nhóm cố vấn kinh tế Naroff đánh giá, việc đồng USD mạnh lên hiện nay không những gây sức ép với giá vàng mà có thể khiến lạm phát xuống thấp so với mục tiêu 2% mà FED đã đề ra, qua đó đặt ra thách thức cho thể chế tài chính này trong việc hoạch định chính sách tiền tệ. Nếu FED tăng lãi suất thêm 0,5% lên mức 1%, động thái này phát đi tín hiệu FED có thể phải thắt chặt chính sách nhanh hơn dự kiến. Khi đó, thị trường chứng khoán có thể sẽ chứng kiến những đợt bán tháo liên tiếp và mạnh mẽ, vì sự điều chỉnh tăng mạnh bất ngờ. Trong trường hợp FED tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất như hiện tại, khi chính trường Mỹ vừa trải qua một cuộc bầu cử tổng thống gây chia rẽ và dự báo mang lại nhiều bất ổn trong tương lai, thì lợi suất trái phiếu Mỹ sẽ thoái lui trở lại và có thể tiếp tục đi xuống trong thời gian tới.
HẠNH CHI (tổng hợp)