Liên tiếp các mức phí được áp dụng và đề xuất từ đầu năm nhằm đánh vào ô tô, gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường này, khiến mức tiêu thụ giảm mạnh nhất kể từ 2007 đến nay. Các hậu quả kéo theo không thể chỉ tính bằng tiền.
Doanh số giảm
Tháng 1-2012, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô (VAMA) bán được 4.274 xe các loại, giảm 60% so với tháng 1-2011. Điều này có thể lý giải một phần bởi tháng 1 vừa qua rơi vào quãng thời gian trước và sau Tết Nguyên đán, vốn là thời điểm người tiêu dùng tập trung cho các nhu cầu khác hơn là lo mua sắm ô tô. Đây là con số thấp kỷ lục trong vòng 59 tháng gần đây, tương đương với sản lượng hồi tháng 3-2007. Tháng 2, doanh số VAMA tăng lên 6.116 xe nhưng vẫn giảm đến 25% so với cùng kỳ năm trước.
Đến đây rõ ràng “yếu tố nghỉ lễ” có tác dụng ngược lại khiến sự chênh lệch không quá lớn (tháng 2-2011 rơi vào đúng dịp Tết Tân Mão). Tổng cộng, quý 1-2011 VAMA bán được gần 28.000 xe, trong khi quý 1 năm nay chỉ đạt loanh quanh mức 15.000 chiếc.
Trong bản yêu cầu của VAMA đưa ra cuối tháng 3, về việc không áp dụng phí hạn chế phương tiện cá nhân do Bộ GTVT đề xuất, hiệp hội này ước đoán sản lượng xe ô tô lắp ráp trong nước năm 2012 và 5 năm tới có thể chỉ đạt 135.000 - 145.000 xe/năm, tương đương với sản lượng của toàn ngành năm 2011. Xem ra, con số này còn lạc quan vì doanh số 3 tháng đầu năm đã giảm khoảng 45%.
Đối mặt với phí và... phí
Ông Phạm Ngọc Thân, Tổng Giám đốc Bến Thành Ford, một đại lý của Công ty Ford Việt Nam, cho biết số xe công ty của ông bán ra trong 2 tháng đầu năm giảm khoảng 1/3. Ông Thân lý giải do lãi suất ngân hàng cao, tình hình kinh tế khó khăn và đặc biệt thuế trước bạ tăng mạnh là những yếu tố ảnh hưởng nặng đến thị trường ô tô.
Như đã biết, thuế trước bạ ô tô đã tăng 20% ở Hà Nội và 15% ở TPHCM, trong khi tiền mua biển số cũng đã tăng gấp 10 lần, từ 2 triệu đồng lên 20 triệu đồng. Nhưng không riêng gì 2 trung tâm kinh tế lớn này, nhiều địa phương khác cũng đang rục rịch tăng theo. Nhưng ngoài Hà Nội và TPHCM, chưa địa phương nào trên cả nước kêu ca về nạn tắc đường, lý do được nêu ra khi Bộ Tài chính nâng trần phí trước bạ lên 20%.
Một lý do quan trọng khiến trong tháng 3 doanh số của VAMA giảm gần 50% là do đề xuất phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân của Bộ GTVT. Khó có thể nói có bao nhiêu quyết định mua xe phải tạm ngừng, nhưng giả sử nếu không có đề xuất này, lượng xe tiêu thụ trong tháng 3 giảm ở mức 25% như tháng 2 thì doanh số có thể đạt hơn 7.000 xe. Nghĩa là có ít nhất 2.000 khách hàng tạm dừng mua xe. Nếu tính trung bình mỗi xe giá 25.000 USD và do số thuế nộp cho ngân sách nhà nước vào khoảng 40% - 60% mỗi xe (tùy thuộc xe thương mại hay xe du lịch), ngân sách nhà nước đã thất thu khoảng 20-30 triệu USD.
Thất thu lớn
Nếu nhẩm tính số tiền ngân sách nhà nước thất thu do các địa phương đẩy mức phí trước bạ lên cao, con số này có thể lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Trong 3 tháng đầu năm 2012, số xe dưới 10 chỗ (đối tượng chịu mức tăng phí trước bạ theo trần 20%) vào khoảng 8.500 chiếc, còn ở quý đầu năm 2011 là hơn 16.000 chiếc. Như vậy con số chênh lệch chừng 7.500 chiếc.
Giả định toàn bộ số 8.500 xe này có giá trung bình 700 triệu đồng, và tất cả đều đăng ký ở Hà Nội, nơi đang áp dụng mức phí trước bạ cao nhất (20%), số tiền thu được từ phí trước bạ khoảng 1.190 tỷ đồng và 170 tỷ đồng tiền từ đăng ký biển số, tổng cộng gần 1.400 tỷ đồng. Trong khi đó, với ước tính 60% thuế trên mỗi xe dưới 10 chỗ, số tiền thất thu từ 7.500 xe bị ngừng mua kia sẽ là 7.500 x (700 triệu đồng x 60%) = 3.150 tỷ đồng, Chưa kể mỗi xe không thu được đó còn mất luôn 10% - 12% tiền phí trước bạ.
Theo đề xuất ngày 4-4 của Bộ GTVT, phí bảo trì đường bộ áp dụng (từ 1-6, từ 180.000 - 1.044.000 đồng/tháng/ô tô và 80.000 - 180.000 đồng/năm/xe máy) thì hiện tại, mỗi ô tô đã đóng 6 loại phí, gồm: phí trước bạ và phí cấp biển số khi đi đăng ký, phí đăng kiểm, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, phí xăng dầu, phí bình ổn giá xăng dầu. Chưa kể mỗi xe khi được mang về Việt Nam phải chịu 3 loại thuế, gồm: thuế nhập khẩu (nguyên chiếc hoặc thuế nhập khẩu linh kiện nếu là xe lắp ráp), thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Các loại ô tô đang chịu rất nhiều loại thuế, phí và sẽ làm cho những người có nhu cầu về ô tô kiệt sức!
Lấy ví dụ một chiếc Toyota Yaris nhập khẩu có giá áp thuế nhập khẩu hơn 10.000 USD. Về Việt Nam, nhà nhập khẩu phải nộp 72% thuế nhập khẩu (năm 2012 giảm còn 68%), 50% thuế tiêu thụ đặc biệt (đánh trên tổng của giá nhập cộng với thuế nhập khẩu) và 10% VAT (đánh trên tổng của 3 con số vừa nêu). Sau đó, xe được phân phối chính thức với giá 658 triệu đồng. Khi khách hàng mua xe, sẽ phải nộp thêm các khoản sau: 20% phí trước bạ (131,6 triệu đồng), 20 triệu đồng biển số, 260.000 đồng đăng kiểm và thêm 379.500 đồng tiền bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Lúc này giá xe tổng cộng đã lên tới 810 triệu đồng. Như vậy, toàn bộ chi phí để sở hữu một chiếc xe đắt xấp xỉ 4 lần giá xe gốc. Hoàn toàn chưa tính tới các loại phí bảo trì, phí hạn chế, phí vào nội đô kể trên, cũng chưa tính tới chi phí vận hành hàng ngày (xăng, thuê chỗ đậu xe, bảo dưỡng sửa chữa).
VAMA trích biểu đồ tính toán của Bộ Công thương cho biết, trong trường hợp không phát triển được công nghiệp ô tô dưới 10 chỗ ngồi, thì giai đoạn sau 2020, mỗi năm Việt Nam phải bỏ ra khoảng 12 tỷ USD để nhập khẩu ô tô.
THÀNH LÊ