Thị trường sách: Cũ đi, mới chưa đến

Văn hóa đọc trong nước hiện đang dần ổn định với xu hướng bạn đọc sẽ tìm đọc sách theo từng chủ đề nổi bật của mỗi năm. Có điều, năm nay, đến thời điểm này, chủ đề mà bạn đọc quan tâm sẽ là gì vẫn còn bỏ ngỏ.

Văn hóa đọc trong nước hiện đang dần ổn định với xu hướng bạn đọc sẽ tìm đọc sách theo từng chủ đề nổi bật của mỗi năm. Có điều, năm nay, đến thời điểm này, chủ đề mà bạn đọc quan tâm sẽ là gì vẫn còn bỏ ngỏ.

Sự lên ngôi của phi hư cấu

Ngày đầu tháng 3, đại diện Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt (First News) cho biết đang dự định đề xuất cho phép tù nhân ở một số trại giam được viết và xuất bản tự truyện. Dĩ nhiên, để từ dự định đi đến hiện thực còn cả một hành trình rất dài, nhưng không phải ngẫu nhiên First News lại lựa chọn cách này. Năm 2012, tại Hội sách TPHCM lần thứ 7, First News đã bất ngờ thắng lớn với cuốn sách Hồi ký Tâm Sida - Vượt lên cái chết, thậm chí cuốn sách còn lọt cả vào danh sách 10 cuốn bán chạy nhất tại hội sách. Điều đáng nói là trước đó không ai hình dung được cuốn sách này sẽ thành công vì nhân vật chính chỉ là một người vô danh, bối cảnh tác phẩm cũng hoàn toàn bình thường, không có dấu mốc lịch sử nào. 

Bạn đọc trẻ ở một nhà sách tại TPHCM

Có thể nói trong vòng 5 năm trở lại đây thể loại phi hư cấu (non-fiction) đang chiếm một vị trí gần như tuyệt đối trong sự phát triển của văn hóa đọc. Một cuốn sách du ký gây tranh cãi trong xã hội cũng vì tác giả của nó bị nghi ngờ có một vài chi tiết “hư cấu” trong tác phẩm của mình. Một số cây bút tuổi mới lớn bất ngờ nổi tiếng nhờ ra mắt những tác phẩm tình yêu “đầy chân thật”. Giới văn nghệ sĩ cũng nô nức vào cuộc với hàng loạt tự truyện, hồi ký nghệ sĩ. Thậm chí còn xuất hiện cả loại hình hồi ký tập thể vốn rất hiếm thấy trên thế giới, trong đó mỗi người trong cuộc đóng góp một vài chuyện ngày xưa, sau đó tất cả hợp lại thành một cuốn. Ngay cả trong lĩnh vực văn học chính thống, dòng sách phi hư cấu cũng chen chân vào với những tác phẩm mà chính tác giả cũng thừa nhận, dù không chính thức, rằng đó là hồi ức của chính mình.

Sự hấp dẫn của dòng văn học phi hư cấu là không thể phủ nhận, nhưng nếu chỉ chăm chăm sống dựa trên sự hấp dẫn của dòng văn học này thì sẽ dẫn đến đơn điệu trong sáng tác. Và hơn thế nữa, khi mà bạn đọc mất dần niềm yêu thích thì sẽ dẫn đến một sự thiếu hụt nghiêm trọng những tác phẩm khác để đáp ứng nhu cầu bạn đọc.

Khoảng trống người đọc

Các tác phẩm phi hư cấu đang ngày càng suy giảm, thể loại du ký hầu như đã chìm lắng, tự truyện dù của nghệ sĩ nổi tiếng cũng không còn sức hút như trước, các thể loại hồi ức, hồi ký cũng dần mất đi bạn đọc, nhất là do tính đặc thù của thể loại này, viết nhẹ nhàng thì không ai quan tâm, viết gai góc dễ đụng chạm đến những người quen biết.

Vừa qua, chương trình kêu gọi người trẻ đọc 15 cuốn sách trong một năm cũng đã vô tình phản ánh thực tế trên. Khi liệt kê các loại sách để đọc như sách dày hơn 500 trang, sách đoạt giải Nobel, sách từ phim hay đã được dựng thành phim, tâm lý, kinh tế, triết…, nhiều cái tên được nêu ra, nhưng riêng phần văn học lại hầu như chỉ là những cái tên nước ngoài hay tác giả Nguyễn Nhật Ánh, còn hầu như rất ít bạn đọc trẻ nhớ đến những tác phẩm văn học trong nước, đặc biệt là những sáng tác mới.

Một thực tế khác nữa là sự chạy đua của chính những người làm sách, sách phi hư cấu hấp dẫn, nhà nhà đua nhau làm sách phi hư cấu. Đó giống như một vòng lẩn quẩn, có người đọc, đua nhau làm sách, sách có ở khắp nơi khiến bạn đọc càng tò mò tìm đọc, người làm sách lại càng cố làm thêm sách. Và kết quả là khi bạn đọc chán ngán với phi hư cấu, họ lại rơi vào tình trạng không biết đọc gì khác khi tràn ngập quầy sách, thông tin sách vẫn là sách phi hư cấu.

Trong những năm vừa qua, văn học trong nước ghi nhận nhiều tác phẩm của giới trẻ được đánh giá xuất sắc, đa dạng về nội dung, từ tiểu thuyết trữ tình đến khoa học viễn tưởng, từ hình sự đến tâm lý xã hội, thậm chí cả những tác phẩm tiểu thuyết lịch sử vốn luôn được xem là rất khó viết. Tuy nhiều tác phẩm nhất là của các tác giả trẻ chưa thực sự xuất sắc về văn chương nhưng lại thể hiện cái nhìn độc đáo, ấn tượng về nội dung. Chính vì vậy mà có nhà văn nhận xét rằng văn học Việt không phải đang thiếu hụt tác phẩm mà là thiếu hụt bạn đọc, họ bị vây trong những dòng sách trào lưu và không thể biết rằng vẫn còn đó những dòng văn học khác đang nỗ lực đến với bạn đọc.

Các đơn vị làm sách hiện nay cũng vậy, họ cũng thấy những thể loại sách từng ăn khách giờ đang suy giảm, nhưng không ai dám thay đổi. Chỉ có một vài cái tên đang nỗ lực tìm kiếm cái mới như Kim Đồng, Trẻ, Nhã Nam… nhưng vẫn còn quá ít ỏi.

 NXB Kim Đồng đã từng chủ động kêu gọi tổ chức cuộc thi sáng tác văn học cho thiếu nhi mang tính phá cách. Thay vì trường học, gia đình với những hình ảnh quen thuộc thì nay tác giả viết về những điều thậm chí là hư ảo như thế giới khác, người ngoài hành tinh, vũ trụ xa lạ… Và như lời giải thích của những người tổ chức rằng họ không phải yêu thích các đề tài trên mà chủ yếu là muốn người sáng tác tự phá bỏ những rào cản quen thuộc để đi đến những cái mới, chỉ có như thế sáng tác cho thiếu nhi mới có thể đa dạng hơn.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục