
Không bình lặng như năm 2007, thị trường sách văn học năm 2008 có phần nhộn nhịp với nhiều cung bậc khác nhau. Điều đặc biệt có lẽ là tình hình kinh tế khó khăn đã có những ảnh hưởng lớn đến thị trường sách văn học.
Sôi động nhờ văn học “ngoài luồng”!
Gọi là ngoài luồng vì những dạng văn chương này vẫn chưa thực sự tìm được chỗ đứng cho mình như dòng văn học chính thống bấy lâu nay. Tuy nhiên, chính nhờ sự hoạt động mạnh của các dạng văn chương này mà thị trường sách văn học 2008 sôi động hơn năm 2007.

Phát hiện trường ngoại ngữ tại TP photo sách trái phép - vụ vi phạm bản quyền sách gây xôn xao dịp cuối năm. Ảnh: T.V.
Đầu tiên, phải kể đến sự phát triển và quảng bá rầm rộ của dòng văn chương mạng. Nếu năm 2006-2007 là thời gian giới sáng tác Việt Nam tò mò xem xét, đánh giá văn chương mạng qua các tác phẩm đến từ châu Âu, Mỹ và nhiều nhất là của Trung Quốc, thì năm 2008 đánh dấu sự đổ xô vào sáng tác văn chương trên mạng.
Tuy gọi là văn chương mạng, nhưng mục đích của các nhà văn tham gia sáng tác vẫn là có sách được xuất bản chính thức như các dạng văn chương khác.
Đối với bạn đọc, dù có rất nhiều người sáng tác trên blog, diễn đàn văn học, nhưng chỉ khi nào những tác phẩm đó được xuất bản dưới dạng sách thì mới được xem thực sự là văn chương mạng, hay nói đúng hơn là văn chương từ mạng.
Năm 2008 đánh dấu hàng loạt tác phẩm dạng này như Chuyện tình New York, Dị bản, Tuyết đen, Chỉ đã lấy người như anh… Điều cần ghi nhận là vào thời điểm cuối năm, trên thị trường sách đã xuất hiện những tác phẩm văn chương mạng của các nhà văn, nhà thơ lớn tuổi. Đây thực sự là một bất ngờ, mặc dù việc các nhà văn tên tuổi có trang web, blog riêng hay tham dự các diễn đàn văn học không phải là lạ. Tuy nhiên, họ làm sách văn học theo đúng kiểu văn chương mạng như giới trẻ, quả đã gây nhiều ngạc nhiên.
Điều ngạc nhiên nhất là văn chương mạng của các nhà văn trẻ, dù tự nhận là: “Tác phẩm của tôi chỉ là một dạng tự truyện, không phải là một tác phẩm văn học. Trong đó chỉ có những câu chuyện và bài học cuộc sống thực tế tôi cóp nhặt và muốn chia sẻ” - (Hà Kin-Chuyện tình New York); hoặc “Còn giọng văn, tôi đã cố gắng trau chuốt. Tuy nhiên chính bản thân tôi vẫn thấy không có được vẻ mượt mà, kín kẽ như những nhà văn chuyên nghiệp” - (Keng-Dị bản), nhưng vẫn nhận được sự quan tâm rộng khắp của bạn đọc, trong khi những sáng tác giàu chất văn học hơn lại bị hờ hững. Ở đây cần phải ghi nhận sự linh hoạt, mạnh mẽ của các nhà văn trẻ khi đã tiến hành PR (quảng bá, tiếp thị) sách của mình. Sự năng nổ này là điều mà nhiều nhà văn, nhất là những nhà văn lớn tuổi, không có được.
Bên cạnh văn chương mạng, năm qua cũng ghi nhận hiện tượng xuất bản sách theo phong trào. Điển hình nhất là việc hàng loạt NXB, công ty sách liên tục giới thiệu những tựa sách liên quan đến vấn đề đồng giới. Từ Vòng tay không đàn ông, Thế giới không có đàn bà, Song song đến Les, Gay, Bóng… Không nói đến vấn đề nội dung, chỉ riêng việc cho ra ồ ạt loại sách này đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ của bạn đọc về các vấn đề xã hội hiện nay.
Thị trường sách văn học suy giảm?
Tình hình kinh tế khó khăn trong năm qua đã ảnh hưởng không ít đến thị trường sách văn học, vốn rất nhạy cảm đối với vấn đề chi phí sản xuất. Giá giấy tăng, chi phí in ấn tăng, các chi phí khác tăng, đã khiến việc in sách văn học trở nên khó khăn vì giá thành cao, rất khó bán. Tiêu biểu như NXB Văn học đã phải hoãn xuất bản 30 đầu sách do đối tác liên kết thiếu vốn.
Còn tại các nhà in, do biến động của giá giấy đã làm nảy sinh chuyện không dám in sách vì sợ giấy tăng đột ngột. Trong bối cảnh đó, các loại sách dễ bán chạy như sách kinh tế, sách giáo khoa, sách hướng nghiệp được ưu tiên hơn so với sách văn học vốn kén độc giả.
Giá cả vào cuối năm có phần giảm nhiệt nhưng các nhà làm sách lại tiếp tục gặp một khó khăn khác: sách lậu. Dù công ước Berne đã có hiệu lực hơn 4 năm, luật về quyền sở hữu trí tuệ đã có, nhưng thực trạng sách lậu, sách nhái, sách vi phạm bản quyền vẫn liên tiếp xảy ra. Trong năm qua, liên tục các án xử phạt vi phạm bản quyền đã được đưa ra như vụ NXB Thanh Hóa vi phạm bản quyền với NXB Trẻ, vụ in truyện tranh không bản quyền, vụ các trung tâm ngoại ngữ tự ý photocopy sách để bán…
Tuy nhiên, hiện nay cơn bão suy giảm kinh tế, nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, người lao động giảm thu nhập hoặc mất việc làm đã khiến sức mua đối với mặt hàng sách văn học cũng giảm. Đã vậy, hiện tượng sách lậu nói trên cũng đã phần nào khiến cho thị trường sách văn học năm 2008 thiếu đi sự bùng nổ cần thiết, dù vẫn có không ít tác phẩm mới có chất lượng xuất hiện.
TƯỜNG VY