Thị trường tiền tệ - Cần giải pháp cấp bách để hạ nhiệt

Từ trung tuần tháng 10 đến đầu tháng 11, giá USD đã tạo một chuỗi leo thang liên tiếp trên thị trường tự do. Đặc biệt đầu tuần này giá USD đã có lúc đạt mốc 21.000 đồng/USD, tạo một khoảng cách kỷ lục giữa tỷ giá trên thị trường tự do và tỷ giá chính thống. Nguyên nhân của sự đột biến về tỷ giá là gì? Trao đổi với ĐTTC, PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, cho biết:
Thị trường tiền tệ - Cần giải pháp cấp bách để hạ nhiệt

Từ trung tuần tháng 10 đến đầu tháng 11, giá USD đã tạo một chuỗi leo thang liên tiếp trên thị trường tự do. Đặc biệt đầu tuần này giá USD đã có lúc đạt mốc 21.000 đồng/USD, tạo một khoảng cách kỷ lục giữa tỷ giá trên thị trường tự do và tỷ giá chính thống. Nguyên nhân của sự đột biến về tỷ giá là gì? Trao đổi với ĐTTC, PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, cho biết:

Tình hình biến động tỷ giá ở nước ta là yếu tố phát sinh không phải mới đây, mà đã xảy ra nhiều lần. Gần đây nhất vào tháng 10 và 11-2009 có lúc tỷ giá thị trường tự do lên tới 20.000 đồng/USD. Sau đó NHNN đã phải điều chỉnh biên độ tỷ giá, đồng thời kết hối ngoại tệ của các doanh nghiệp nhà nước để can thiệp thị trường. Tỷ giá hiện nay tăng có nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố đầu cơ lũng đoạn thị trường.

Hỗn loạn giá vàng và USD
Trong những ngày đầu tuần, giá vàng, USD trên thị trường tự do dao động mạnh và thay đổi liên tục. Thay vì nháo nhào bán vàng và USD để lấy lời, người dân đã bắt đầu thận trọng hơn và mang tâm lý chờ giá lên nữa..xem tiếp

Trong vòng nửa tháng gần đây do giá vàng thế giới biến động thất thường, có lúc lên đến 1.380USD/oz, sau rớt xuống rất thấp, đã làm giá vàng trong nước có những cơn sóng mạnh, kéo theo đó là việc USD trên thị trường tự do được giới đầu cơ đẩy lên, cùng với những kỳ vọng của người dân đang giữ vàng về sự điều chỉnh tỷ giá trong hệ thống ngân hàng.

Ngoài ra, còn yếu tố cung cầu ngoại tệ tăng cao do nhập siêu kéo dài. Một điểm nữa là chỉ số CPI nước ta trong 10 tháng cũng tăng 7,58%, nếu tính so với tháng 10-2009, CPI đã tăng 9,66%. Kết hợp với những yếu tố đó dẫn đến tâm lý lo ngại về sự mất giá của tiền tệ.

Về tổng thể nguồn cung ngoại tệ ở nước ta vẫn đủ đáp ứng cho nhu cầu và đảm bảo được sự cân bằng ngoại tệ. Tuy nhiên do ngoại tệ phân tán, nằm rải rác ở nhiều nơi bởi tình trạng găm giữ dẫn đến thiếu ngoại tệ cục bộ, là cơ hội cho cho thị trường tự do đẩy giá USD tăng cao.

Ảnh minh họa: LÃ ANH

Ảnh minh họa: LÃ ANH

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, việc duy trì sự chênh lệch quá cao giữa tỷ giá thị trường tự do và thị trường chính thức có gây tác hại cho nền kinh tế?

PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN: - Hiện nay hàng ngày NHNN vẫn công bố tỷ giá liên ngân hàng 18.932 đồng, theo đó các NHTM sẽ giao dịch trong biên độ ±3%, tức mua bán tối đa 19.500 đồng/USD.

Tuy nhiên, khi tỷ giá phi tổ chức biến động lên tới 21.000 đồng, lập tức những giao dịch trong thị trường có tổ chức cũng biến động theo và hầu hết NHTM không mua - bán đúng theo tỷ giá niêm yết, mà giao dịch thêm các khoản phí khác làm thị trường xáo trộn và không phản ánh trung thực tỷ giá niêm yết.

Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây tâm lý bất an cho người dân và nhà đầu tư, gây sức ép lớn đến lạm phát và tỷ giá chính thức, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô. Kể cả nhà đầu tư nước ngoài dù đánh giá rất tốt về thị trường Việt Nam nhưng với tỷ giá như vậy, chắc chắn  sẽ rất e ngại bỏ vốn đầu tư.

Vì vậy, chúng ta cần có một gói giải pháp cấp bách nhằm đem lại sự ổn định cho thị trường ngoại hối Việt Nam; trong đó kể cả về biện pháp kinh tế và những giải pháp hành chính, mới có thể can thiệp được tình hình phức tạp về ngoại tệ hiện nay.

- Vậy theo ông gói giải pháp nào có thể giải quyết tình trạng biến động tỷ giá trước mắt và dài hạn ở nước ta?

- NHNN cần phải kết hợp giữa việc điều chỉnh tỷ giá và tiếp tục thực hiện kết hối ngoại tệ của các doanh nghiệp, trước mắt là doanh nghiệp nhà nước. Trong điều khoản 41 của Pháp lệnh Quản lý ngoại hối cho phép khi thấy cần thiết để đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia, Chính phủ được áp dụng các biện pháp: Hạn chế việc mua, mang, chuyển thanh toán của các giao dịch tài khoản vãng lai, tài khoản vốn để bình ổn thị trường; sử dụng nguồn ngoại tệ dự trữ của quốc gia can thiệp vào thị trường để giải quyết tình trạng USD hóa, vàng hóa ở thị trường Việt Nam; đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát chống đầu cơ với sự phối hợp của NHNN, Bộ Công Thương, Bộ Công an… lập lại trật tự của thị trường nhằm đem lại sự ổn định tiền tệ và niềm tin cho người dân.

Bên cạnh đó việc điều hành tỷ giá cần linh hoạt và phù hợp hơn với cung - cầu trên thị trường. Về dài hạn phải chấp nhận tăng trưởng ở mức vừa phải, năm 2011 chỉ nên tăng trưởng ở mức 6,5-7% để giảm đầu tư xã hội, trong đó giảm đầu tư công. Việc giảm đầu tư công sẽ góp phần hỗ trợ việc giảm bội chi, giảm nhập siêu.

Nếu năm nào cũng nhập siêu ở mức 20% kim ngạch xuất khẩu, không biết đến bao giờ nước ta mới cân bằng được cán cân thương mại. Giảm nhập siêu, đưa tỷ giá ổn định trở lại góp phần cho kiểm soát lạm phát dễ dàng hơn, lãi suất sẽ xuống… từ đó mới thúc đẩy nền sản xuất trong nước.

Nội tệ thua trên sân nhà?
Tại cuộc họp G20 vừa tổ chức ở Hàn Quốc, Bộ trưởng Tài chính các nước đã cam kết không gìm giá nội tệ để ngăn chặn một cuộc chiến tiền tệ toàn cầu. Thế nhưng, các nước vẫn lách bằng cách định giá không đúng về đồng tiền quốc gia mình nhằm giảm thâm hụt thương mại (nhập siêu), mặt khác thúc ép các nước khác tăng giá nội tệ. Trong khi USD trên thế giới đang có xu hướng giảm giá thì ở Việt Nam diễn ra ngược lại. Vì sao?..xem tiếp

- Giá USD biến động một phần do yếu tố vàng và NHNN đã kiên trì biện pháp quản lý chặt chẽ thị trường vàng. Nhưng sau khi ban hành Thông tư 22, thị trường vàng biến động nhiều hơn, tác động đẩy giá USD chợ đen tăng cao. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Có ý kiến cho rằng diễn biến tỷ giá USD hiện nay phản ánh cú sốc ngắn hạn khi đặt trong ảnh hưởng của Thông tư 22 mà NHNN mới ban hành. Theo tôi, Thông tư 22 không thể tác động ngay đến thị trường mà đòi hỏi phải có thời gian. Phản ứng của thị trường luôn như vậy. Một văn bản đưa ra luôn có phản ứng ngược nhưng về dài hạn chắc chắn Thông tư 22 sẽ góp phần ổn định tỷ giá, sau khi các ngân hàng đã mua lại đủ số vốn vàng đã bán, người vay mua đủ vàng để thanh toán dứt nợ vay khi hợp đồng vay đáo hạn.

Ở đây, giá USD trên thị trường Việt Nam còn bị sốc bởi giá vàng thế giới. Thị trường vàng thế giới rớt giá, thị trường vàng trong nước không rớt giá liền mà người ta phải đẩy giá USD lên để tạo cân bằng mới.

- Nhưng rõ ràng nếu chúng ta cứ tăng tỷ giá, thị trường lại đưa ra một điểm mốc mới và ta lại chạy theo, nhất là từ đầu năm đến nay đã điều chỉnh tăng tỷ giá 5%. Hơn nữa, việc điều chỉnh tỷ giá còn phải tính đến cân bằng với lãi suất VNĐ?

- Đúng là điều hành tỷ giá phải cân bằng lãi suất của VNĐ. Từ đầu năm đến nay chúng ta điều chỉnh tỷ giá trên 5%, lãi suất USD ở mức bình quân 4%, tổng cộng gần 9%, lãi suất VNĐ chỉ 11%. Nếu dựa vào chênh lệch trên, lãi suất tỷ giá chỉ có thể biến động từ nay đến Tết Nguyên đán là 2% nữa. Câu hỏi đặt ra liệu tăng 2% này có đủ thỏa mãn kỳ vọng của thị trường chưa?

Thực tế hiện nay, tỷ giá thị trường chợ đen một phần phản ảnh cung - cầu nhưng trong đó có đầu cơ lũng đoạn. Khi dập được đầu cơ lũng đoạn, dập được kỳ vọng ảo, Chính phủ cho thấy đảm bảo kiểm soát tốt cung cầu ngoại tệ cân bằng, kỳ vọng này sẽ không còn, tỷ giá ổn định lại và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), giải ngân đầu tư trên thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng trở lại. Và khi đó nguồn ngoại tệ sẽ phong phú hơn. Trong mấy năm gần đây chúng ta hay đổ lỗi do đánh giá đồng Việt Nam quá cao, nhập siêu là do tỷ giá.

Nhưng khi chúng ta điều chỉnh tỷ giá xong vẫn nhập siêu và lại tác động đến lạm phát. Nên có thể thấy tỷ giá chỉ là bài toán trước mắt chứ không phải lâu dài. Bài toán lâu dài là ở chỗ giảm đầu tư công, giảm nhập siêu mới kiểm soát tỷ giá. Nghĩa là trước mắt phải điều chỉnh tỷ giá, vì nếu không điều chỉnh tỷ giá ở thời điểm này, chúng ta không thể mua ngoại tệ để can thiệp vào thị trường chợ đen.

Vì thế, cần phải chấp nhận một giải pháp hành chính trong một thời gian ngắn là vừa điều chỉnh tỷ giá, đồng thời thu mua toàn bộ lượng ngoại tệ của các doanh nghiệp sử dụng can thiệp thị trường và chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp nhập những mặt hàng cần thiết trong nước. Khi đó ta vừa giải quyết bài toán tỷ giá, vừa giải quyết bài toán nhập siêu. Nhiều người cho rằng đây là bước lùi nhưng phải biết chấp nhận lùi 1-2 bước để có những bước tiến sâu hơn và bền vững hơn.

Thời gian qua, NHNN đã neo cố định tỷ giá một thời gian dài, đến đợt mới điều chỉnh. Đúng ra, tỷ giá liên ngân hàng hàng ngày phải có lên, có xuống, để thị trường dần quen hơn là cố định rồi dồn mức tăng vào một đợt điều chỉnh tỷ giá. Việc tăng tỷ giá một lần cũng góp phần hình thành tâm lý găm giữ ngoại tệ để chờ đợt tăng tỷ giá.

- Xin cảm ơn ông.

Thanh Thiên

Tin cùng chuyên mục