Thị trường vật liệu xây dựng - Cảnh chợ chiều…

Không như kỳ vọng. Dù đã bước vào mùa cao điểm xây dựng nhưng thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) vẫn chưa có tín hiệu khởi sắc. Ngược lại, lượng hàng tồn kho đang ở mức cao, nhiều doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, số khác đã ngừng sản xuất.
Thị trường vật liệu xây dựng - Cảnh chợ chiều…

Không như kỳ vọng. Dù đã bước vào mùa cao điểm xây dựng nhưng thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) vẫn chưa có tín hiệu khởi sắc. Ngược lại, lượng hàng tồn kho đang ở mức cao, nhiều doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, số khác đã ngừng sản xuất.

        Ảm đạm

Triển lãm Vietbuild định kỳ mỗi năm 2 lần tại TPHCM thể hiện khá rõ nét cung - cầu của thị trường VLXD. Tuy nhiên, khác với sự nhộn nhịp của những thời điểm “hoàng kim” trước đây, đợt triển lãm Vietbuild 2013 lần thứ 2 vừa diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7 TPHCM (từ ngày 14-8 đến 18-8) đã phần nào minh chứng và phản ánh rõ nét bức tranh ảm đạm của ngành VLXD cũng như lĩnh vực bất động sản.

Đáng chú ý, đợt triển lãm có sự tham gia của 2.160 gian hàng của gần 800 đơn vị trong và ngoài nước. Thế nhưng, “dấu trầm” trong cả 5 ngày diễn ra triển lãm cho thấy sức cầu quá yếu, trong khi các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngành VLXD tung ra một lượng cung rất hoành tráng thông qua những gian hàng với đủ kiểu dáng lẫn chất lượng, đồng thời ra sức quảng bá nhằm đẩy mạnh sức tiêu thụ trong tuyệt vọng.

“Đợt triển lãm lần này, lượng khách đến tham quan giảm hẳn. Cả 5 ngày diễn ra triển lãm, công ty chúng tôi chỉ ký vỏn vẹn 3 hợp đồng với doanh số khoảng 300 triệu đồng, giảm hơn một nửa so với các lần triển lãm trước” - anh Hồ Văn Thắng, đại diện bộ phận kinh doanh một công ty chuyên cung cấp kính xây dựng tham dự triển lãm Vietbuild 2013 lần 2 tại TPHCM, cho biết.

Ghi nhận bên ngoài thị trường cũng không mấy sáng sủa. Tại khu vực chuyên kinh doanh VLXD trên đường Tô Hiến Thành, Thành Thái… quận 10, TPHCM, hầu hết các cửa hàng đều chất hàng hóa tràn ngập từ trong cửa hàng ra ngoài hành lang. Tuy nhiên, có một hình ảnh chung nhất là các cửa hàng luôn vắng khách hàng. Hình ảnh các xe tải hay xe chuyên dùng chờ chở mướn không còn thấy hoạt động như trước đây.

“Các năm trước còn bán lai rai, mỗi tháng doanh số được trên dưới 1 tỷ đồng. Còn hiện nay, dù đang bước vào mùa cao điểm nhưng khách vắng lắm, cả tuần mới bán được bộ bồn cầu hay vài cái vòi nước, đèn trang trí... Tình hình này nếu kéo dài, sợ không đủ tiền trả mặt bằng nên chúng tôi đã cho nhân viên nghỉ việc bớt, chỉ giữ lại một người để phụ giúp khi có hàng đi giao” - bà Trần Thị Lan, chủ cửa hàng T&T trên đường Tô Hiến Thành, quận 10, tâm sự.

Thị trường thép chưa khởi sắc. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Thị trường thép chưa khởi sắc. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

        Nhanh chóng tái cấu trúc

Theo thống kê của Hội VLXD Việt Nam, tổng công suất các dây chuyền xi măng lò quay đã hoàn thành xây dựng 70 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, những tháng đầu năm, sản lượng của các nhà máy chỉ đạt xấp xỉ 25 triệu tấn. Thậm chí, một số dây chuyền dừng hoạt động như xi măng Thanh Liêm, Áng Sơn 1, X77…

Tương tự, lĩnh vực gốm - sứ xây dựng cũng không sáng màu hơn. Hiện nay, tổng công suất gạch ốp lát các loại khoảng 435 triệu m², sứ vệ sinh khoảng 13 triệu sản phẩm song những tháng đầu năm, sản lượng chỉ đạt 70% công suất; sản phẩm tiêu thụ chậm, lượng tồn kho khoảng 1,5 tháng sản xuất. Đối với sản lượng kính xây dựng cũng chỉ đạt 50% trong tổng công suất khoảng 188 triệu m², hàng tồn kho lên đến 2 - 2,5 tháng sản xuất.

Ngay cả vật liệu xây không nung - một loại sản phẩm đang được nhà nước khuyến khích sản xuất và sử dụng - tính đến hết năm 2012, có tổng công suất khoảng 5,4 tỷ viên/năm, chiếm 25% tổng sản lượng vật liệu xây, trung bình cũng chỉ đạt khoảng 30% - 40% công suất đối với dây chuyền sản xuất gạch cốt liệu, dưới 20% đối với dây chuyền bê tông khí chưng áp. Các cơ sở sản xuất bê tông bọt hầu như đã dừng sản xuất.

Đáng chú ý, mặc dù các mặt hàng trên sản xuất trong nước đang ế ẩm và tồn kho nhiều, song lượng hàng nhập khẩu vẫn ào ạt tràn vào càng khiến doanh nghiệp trong nước thêm khó khăn do phải cạnh tranh gay gắt.

Hội VLXD đánh giá, ngoài yếu tố khách quan, tốc độ tăng của VLXD cao hơn tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành xây dựng đã tạo nên kết quả tích cực, nhưng cũng tạo nên khó khăn hiện nay của ngành. Ở một số ngành, sản xuất đã vượt nhu cầu, khối lượng nhập khẩu một số loại VLXD còn lớn, nhất là một số vật liệu cơ bản như sắt, thép, gạch lát, đồ nội thất và thị trường bất động sản đóng băng kéo dài, đã khiến cung vượt cầu, nên lượng tiêu thụ VLXD bị giảm, làm lượng sản phẩm sản xuất một vài năm nay bị sụt giảm theo.

Chưa kể, hiện nay quy mô, thiết bị công nghệ lạc hậu ảnh hưởng tới môi trường và quy hoạch chồng chéo trong ngành đang đẩy ngành VLXD vào con đường khó khăn càng thêm chồng chất. Do đó, để có thể phát triển bền vững, các doanh nghiệp VLXD phải tự cứu mình bằng cách tập trung tái cấu trúc doanh nghiệp từ bộ máy tổ chức, hệ thống phân phối, đa dạng các chủng loại sản phẩm. Tích cực ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, đồng thời tiết giảm chi phí để giảm giá thành sản xuất, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Trước mắt, không đầu tư mới các dây chuyền sản xuất lĩnh vực đã dư thừa công suất. Về giải pháp căn cơ, doanh nghiệp tìm mọi cách để hạ giá thành và đưa đến người tiêu dùng những sản phẩm tốt với giá hợp lý nhất. Đồng thời, các doanh nghiệp cần giảm các chi phí gián tiếp, hợp lý hóa tổ chức sản xuất, bên cạnh đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện sức mua thép rất yếu, chỉ trên dưới 300.000 tấn/tháng so với bình thường trước đây luôn ở mức trên 400.000 tấn/tháng. Lượng thép thành phẩm tồn kho hiện lên đến gần 350.000 tấn và tồn kho phôi thép 450.000 tấn. Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp thép đã phải giảm công suất hơn 50%, có đơn vị chỉ sản xuất cầm chừng hoặc đóng cửa.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục