Thị trường vật liệu xây dựng khởi sắc

Thị trường vật liệu xây dựng khởi sắc

Sau thời gian dài ảm đạm, thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) đang dần ấm lên theo nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà cửa của người dân vào dịp Tết Nguyên đán.

Cung, cầu đều tăng

Ngay từ quý 4-2014, nhu cầu mua sắm VLXD đã tăng lên đáng kể. Các chủ cửa hàng VLXD cho biết, sức mua tăng 20% - 30% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, những loại VLXD chủ lực như sắt thép và xi măng được tiêu thụ mạnh và giá bán cũng nhích nhẹ. Từ ngày 1-12-2014, sau khi Tổng Công ty Thép Việt Nam áp dụng giá mới, thép đã tăng thêm 300.000 đồng/tấn.

Theo đó, thép cuộn có giá bán giao tại nhà máy là 14,52 - 14,81 triệu đồng/tấn, thép cây là 14,57 - 15,27 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm VAT). Sau khi đơn vị này tăng giá, ngay lập tức các hãng thép khác như Vina Kyoei, Pomina... cũng đội giá thêm vài trăm ngàn đồng/tấn. Hiện giá thép cuộn tại một số cửa hàng bán lẻ ở mức 15,2 triệu đồng/tấn, thép cây dao động từ 15,8 - 27,5 triệu đồng/tấn. Giá các loại xi măng, gạch ngói cũng tăng khoảng 5% - 10% so với các tháng trước. Tương tự, các loại gạch, cát, sỏi… đều tăng nhẹ.

Chọn mua thép tại một cửa hàng vật liệu xây dựng tại TPHCM. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Ghi nhận tại các khu vực chuyên bán VLXD như đường Tô Hiến Thành, Thành Thái, quận 10; Kha Vạn Cân, quốc lộ 13, quận Thủ Đức; Trường Chinh, quận Tân Bình hay Phan Huy Ích, quận Gò Vấp… số lượng xe chuyên chở VLXD tấp nập ra vào. Bà Phan Thị Hằng, chủ cửa hàng VLXD Hoàng Thăng, quốc lộ 13, cho biết: “Khoảng 2 tháng trở lại đây lượng khách của cửa hàng tăng so với bình thường. Trung bình một ngày cửa hàng giao 20 đơn hàng các loại. Giá các loại VLXD cũng có tăng nhẹ nhưng hàng hóa phong phú và đáp ứng nhu cầu khách hàng cả về số lượng lẫn mẫu mã. Lượng khách đến mua VLXD ở đây chủ yếu là người dân xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà”.

Tại một khu vực phân lô hộ lẻ ở phường Thạnh Xuân, quận 12 chỉ trong 1 tuần đã có hàng chục căn nhà phố được xây dựng. “Dự án này đã có chủ quyền và được cấp phép xây dựng. Giá mỗi mét vuông đất chỉ khoảng 5 - 7 triệu đồng, tùy vị trí. Tính ra giá mỗi nền đất chỉ khoảng 500 - 700 triệu đồng với diện tích tương ứng, lại được ngân hàng cho vay đến 70% giá trị nên những người mua xong đều xây dựng luôn để ở hoặc cho thuê. Nếu ai mua đất, chúng tôi bao luôn VLXD với giá gốc, giảm được 10% và giao nhà trước tết”, ông Hoàng Văn Sơn, chủ cửa hàng VLXD Sơn Bình, quốc lộ 1, quận 12 kiêm cò đất tiếp thị.

Không chỉ sức mua và giá tăng mà năm nay các nhà sản xuất VLXD liên tục đưa ra những sản phẩm mới, mẫu mã đa dạng. Chỉ riêng gạch men đã có rất nhiều chủng loại như gạch giả gỗ, gạch giả đá, gạch đá tự nhiên… hoa văn sang trọng, kiểu dáng mới lạ. Bên cạnh đó, các cửa hàng bán VLXD còn có những chương trình khuyến mãi hấp dẫn và chăm sóc khách hàng. Khách hàng chỉ cần gọi điện thoại, các cửa hàng VLXD sẽ vận chuyển đến tận chân công trình và giảm giá nếu mua với số lượng lớn.

Nỗi lo hàng nhập khẩu

Theo số liệu thống kê của Vụ VLXD vừa công bố, mức tiêu thụ các mặt hàng VLXD đang dần khởi sắc. Các mặt hàng VLXD có mức tăng tiêu thụ khá tốt, trên 10% so với cùng kỳ. Tương tự, Sở Xây dựng TPHCM cũng cho biết, so với cùng kỳ, một số mặt hàng VLXD có mức tăng tiêu thụ khá tốt như xi măng tăng khoảng 12%, gồm cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Đây được xem là tín hiệu tích cực sau 3 năm giảm cả giá và lượng tiêu thụ liên tiếp. Những loại VLXD khác như sơn, tôn, đá, cát, kính xây dựng... cũng có xu hướng tăng cầu do hàng loạt công trình xây dựng nhà ở xã hội đang đến giai đoạn hoàn tất.

Tuy nhiên, theo phân tích của Tổng cục Thống kê, mặc dù đạt được một số kết quả nhất định nhưng hoạt động xây dựng trong năm vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thị trường bất động sản tuy đã có dấu hiệu tích cực song sự phục hồi chậm. Tình trạng nợ đọng khối lượng từ những năm trước của các doanh nghiệp xây dựng chưa có hướng giải quyết triệt để. Mặc dù lãi suất cho vay gần đây đã được điều chỉnh giảm nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn nên sản xuất kinh doanh chưa thật sự phát triển mạnh, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đáng chú ý, ở lĩnh vực VLXD, sắp tới sẽ xảy ra cạnh tranh khốc liệt hơn. Đặc biệt, hàng hóa VLXD từ các thị trường láng giềng được miễn thuế tràn vào. Đơn cử, thống kê của Hiệp hội Thép cho thấy lượng thép nhập khẩu với thuế suất 0% từ ASEAN vào Việt Nam đã lên 43.000 tấn. Hiện tại, thép là mặt hàng cạnh tranh gay gắt nhất với hàng ngoại. Tương tự, gần đây, thị trường gạch, gạch lát nền đang có sự cạnh tranh mạnh của sản phẩm từ Trung Quốc do mẫu mã đẹp, giá rẻ. Các loại thiết bị vệ sinh như bồn tắm, vòi nước, chậu rửa, cửa nhựa... xuất xứ từ Trung Quốc cũng xuất hiện khá nhiều trên thị trường, với giá chỉ bằng 60% - 70% so với hàng sản xuất trong nước.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, thị trường VLXD sắp tới sẽ nóng dần lên do gia tăng đáng kể những dự án xây dựng nhà ở xã hội, dự án căn hộ, khu dân cư tại những thành phố lớn trong cả nước. Riêng tại TPHCM, hàng loạt chương trình nhà ở xã hội đã và đang tiếp tục được triển khai thực hiện sẽ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, kích thích thị trường VLXD tăng trưởng theo. Ngoài ra, do nhu cầu trong dân về nhà ở với mức giá dưới 1 tỷ đồng rất cao, khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản liên tục đầu tư hoàn tất nhanh dự án. Điều này cũng khiến thị trường VLXD tăng cầu.

THẢO TIÊN

Tin cùng chuyên mục