Hiện nay, nhu cầu mua xe gắn máy đang trở nên nóng bỏng. Trên thị trường đang xuất hiện tình trạng đẩy giá bán lên chót vót để móc túi người tiêu dùng.
“Hùa nhau”... tăng giá!
Những ngày qua, dọc các “chợ” xe gắn máy trên tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3, 10); Hồng Bàng (quận 5); Lý Tự Trọng (quận 1); khu vực Ngã Sáu (quận Gò Vấp)… khách đến mua xe gắn máy nhộn nhịp hẳn.
Chỉ riêng góc đường Cách Mạng Tháng Tám giao với đường Lý Tự Trọng dài khoảng 500m nhưng hàng chục cửa hàng xe tay ga “trưng diện” đủ loại nhãn hiệu như: Honda AirBlade, Lead, Dylan, Vespa, SH… dựng chật kín từ trong nhà tràn ra cả phần đường dành cho người đi bộ. Lượng khách đến giao dịch vào ra liên tục.
“Khoảng hơn một tuần nay, khách hàng đến cửa hàng chúng tôi mua xe tăng vọt. Bình quân mỗi ngày bán trên dưới 20 chiếc, gấp 3 - 4 lần ngày thường”, chị Hằng, chủ một cửa hàng kinh doanh xe gắn máy đoạn đường Lý Tự Trọng hồ hởi khoe. Do lượng khách tăng đột biến nên tại một số cửa hàng cũng như đại lý chính hãng, một số loại xe tay ga của Honda như PCX, AirBlade, Lead, Click… luôn trong tình trạng khan hiếm hàng.
Từ thực trạng nóng bỏng trên của thị trường xe máy dẫn đến hàng loạt dòng xe từ bình dân đến cao cấp đều tăng giá mạnh. Tùy giá trị từng loại xe, giá chênh lệch mỗi chiếc từ một vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Đơn cử, xe Honda AirBlade có giá dao động từ 42 - 44 triệu đồng, trong khi giá do Hãng Honda Việt Nam đưa ra chỉ 32,9 triệu đồng. Cũng dòng xe này nhưng nếu nhập từ Thái Lan, giá dao động từ 67 - 70 triệu đồng/chiếc.
Theo một nhân viên bán hàng tại cửa hàng H.T trên đường Lý Tự Trọng (quận 1), hiện cửa hàng đang bán dòng xe AirBlade vỏ Thái Lan, linh kiện lắp ráp tại Việt Nam, giá 47 triệu đồng. Quan sát bên ngoài chiếc xe nhập khẩu không có gì khác biệt so với xe trong nước. Chỉ khác là xe nhập khẩu có thêm hai bóng đèn và công tắc đèn điện có thể điều chỉnh tùy ý.
Tương tự, dòng xe Honda Lead hiện giá công ty đề xuất là 31,9 triệu đồng/chiếc, riêng màu ánh vàng có giá 32,49 triệu đồng. Tuy nhiên, bên ngoài thị trường xe đến tay người tiêu dùng luôn ở mức cao ngất ngưỡng từ 40 - 43 triệu đồng/chiếc.
Đối với dòng xe PCX vừa được Hãng Honda tung ra thị trường đang tạo cơn “sốt” thì giá bán tại các cửa hàng dao động từ 75 - 80 triệu đồng/chiếc, cao hơn so với giá Công ty Honda Việt Nam đưa ra khoảng 25 - 30 triệu đồng/chiếc!
Cùng “số phận”, các dòng xe số cũng tăng giá từ 1 - 3 triệu đồng. Chẳng hạn, xe Honda WaveS 110 thắng đĩa có giá từ 17 - 18 triệu đồng/chiếc, giá hãng đưa ra là 15,9 triệu đồng/chiếc; Sirius RL phanh đĩa giá thị trường từ 19 - 20 triệu đồng, giá công ty 18 triệu đồng…
“Vịn” vào tỷ giá, lãi suất...
Theo tìm hiểu, thị trường xe gắn máy trở nên sôi động kể từ khi có thông tin của Bộ Tài chính sẽ tăng phí đăng ký biển số khu vực TPHCM và Hà Nội thêm 1 - 2 triệu đồng/chiếc kể từ ngày 6-2-2011 nhằm “né” phí. Mặt khác, hiện đang là mùa cao điểm mua sắm xe gắn máy để đón xuân của người tiêu dùng càng khiến nhu cầu thêm nóng.
* Theo Thông tư số 71/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính, các cơ sở kinh doanh ô tô, xe máy ghi giá bán trên hóa đơn giao cho người tiêu dùng thấp hơn giá giao dịch thông thường trên thị trường thì sẽ bị ấn định giá bán ra theo giá giao dịch trên thị trường và chịu ấn định thuế. |
Trong khi đó, theo lý giải của các chủ cửa hàng kinh doanh xe gắn máy, giá xe tăng cao như trên là do tác động của tỷ giá, lãi suất ngân hàng liên tục biến động theo chiều hướng tăng mạnh thời gian gần đây, từ đó tác động trên dưới 15% vào giá thành mỗi chiếc xe. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế nếu trừ các phần tác động của tỷ giá, lãi suất, sau đó đem so sánh với giá xe bên ngoài thị trường hiện nay vẫn cao hơn rất nhiều.
Đơn cử, chiếc Honda PCX giá bán tại các công ty ủy nhiệm của Honda là 50 triệu đồng/chiếc nhưng thường được thông báo là không có hàng. Trong khi các cửa hàng xe gắn máy trên đường Lý Tự Trọng, Hồng Bàng… lại trưng bày rất nhiều, song giá bán lên đến trên 80 triệu đồng/chiếc!
Điều này cho thấy, trên thị trường xe gắn máy hiện nay đang xuất hiện tình trạng “té nước theo mưa”, đẩy giá để móc túi khách hàng của một số cửa hàng kinh doanh xe gắn máy, trong đó có sự tiếp tay của các nhà sản xuất, đại lý xe máy chính hãng.
Bởi hiện nay, đa số hãng sản xuất xe gắn máy chỉ đưa ra giá bán cho đại lý cấp 1 nhưng không khống chế giá bán ra trên thị trường. Chính điều này đã tạo điều kiện để các đại lý kinh doanh xe gắn máy tung hoành về giá, đặc biệt đối với các dòng xe mà người tiêu dùng đang “chuộng” như PCX, AirBlade… của Hãng Honda Việt Nam.
Theo quy định hiện hành, các cửa hàng kinh doanh đều phải niêm yết, công khai giá bán. Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết cửa hàng kinh doanh xe gắn máy hiện nay đều không niêm yết giá hoặc niêm yết lấy lệ và ít thấy lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý. Với thực trạng này, người tiêu dùng sẽ còn bị móc túi dài dài…
Lạc Phong - Thi Hồng