Cuối năm 2006, quận Gò Vấp (TPHCM) lần đầu tiên tổ chức thi tuyển sinh viên đại học chính quy, cán bộ trẻ đưa về công tác ở phường. Đây là chủ trương đúng đắn và được coi là bước đột phá trong công tác cán bộ cơ sở. Nhưng 6 năm sau, từ 149 người trúng tuyển nay chỉ còn 73 người trụ lại và có thể nhiều cán bộ trẻ tiếp tục bỏ ra ngoài…
Chủ trương đúng
Ngày đầu triển khai thi tuyển cán bộ, không khí tại quận Gò Vấp thật sôi nổi, rầm rộ. Nhiều người cho rằng việc công khai tuyển chọn công chức trẻ sẽ thu hút nguồn chất xám đã được đào tạo bài bản, tiết kiệm hàng tỷ đồng cho nhà nước vì không phải bỏ tiền đào tạo lại cán bộ tại chức và khắc phục tình trạng bất cập trong công tác cán bộ cơ sở! Nội dung thi tuyển được thông tin rầm rộ trên các báo đài, website và mạng LAN (nội bộ) của quận, đồng thời còn niêm yết tại các công sở của quận, phường và 96 khu dân cư trên địa bàn. Vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn cuộc thi đã thu hút hơn 500 thí sinh đến nộp đơn dự thi. Qua vòng sơ tuyển, kết quả có 327 ứng viên đủ điều kiện tham gia thi. Điều kiện dự thi đòi hỏi ứng viên phải có hộ khẩu TPHCM, tuổi từ 25 - 35, có trình độ tốt nghiệp đại học…
Qua hai vòng thi viết và vấn đáp tại Trường Cán bộ TPHCM, kết quả có 149 người trúng tuyển. Sau đó, quận đã tổ chức lớp học tiền công vụ 3 tháng cho các cán bộ tương lai. Sau lớp học tiền công vụ, các công chức trẻ được phân công về các phường thử việc thêm 3 tháng nữa. Sau khi thử việc, UBND quận gửi danh sách lên Sở Nội vụ TP để ra quyết định bổ nhiệm vào 5 chức danh như: Tư pháp hộ tịch, tài chính - kế toán, địa chính - xây dựng - môi trường, văn phòng thống kê, văn hóa xã hội.
Tuy nhiên, qua quá trình học tập, thử việc, số công chức trẻ rơi rớt dần còn 128 người và đến nay chỉ còn 73 người. Sau 5 năm làm việc, do nhiều lý do khác nhau nhiều công chức trẻ đã bỏ “cuộc chơi” khiến chương trình bị rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột”.
Chính sách và bố trí chưa phù hợp
|
Vì sao nhiều công chức trẻ được quận rất “cưng” nhưng họ vẫn dứt áo ra đi? Lê Hồng Sinh sau khi được phân công về làm Chủ tịch UBND phường 8, đến năm 2008 xin nghỉ việc chuyển đi nơi khác; Phạm Thị Hạnh được quận điều về làm Phó Chủ tịch UBND phường 5, sau đó điều sang Công ty Dịch vụ công ích thì năm 2010 cô cũng xin nghỉ việc; Trịnh Văn Bình, Trần Văn Vũ, Đoàn Thị Bích Nụ, Nguyễn Hồng Sơn… người thì chuyển công tác đến nơi khác “ngon hơn”, người thì xin nghỉ việc bởi nhiều lý do. Cũng có người do vi phạm kỷ luật phải nghỉ việc.
Theo lý giải của Trưởng phòng Nội vụ quận Gò Vấp Võ Văn Bỏ, nguyên nhân là do thu nhập quá thấp... Dù TP đã có chế độ đãi ngộ 750.000 đồng/tháng cho các cán bộ tốt nghiệp đại học chính quy nhưng do hệ số lương cơ bản rất thấp nên các em không đủ sống và không thể yên tâm công tác. Nguyễn Quốc Trí, cán bộ chuyên trách kinh tế phường 17, bộc bạch: “Thu nhập của em chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng, cuộc sống khá chật vật. Em đang ở nhà thuê, với mức thu nhập này chẳng biết khi nào mới mua được nhà…”. Lê Tấn Hùng, tốt nghiệp Đại học Kinh tế, được phân công làm Phó Chủ tịch UBND phường 10, cho biết: “Công việc ở phường rất bề bộn, lại trực tiếp giải quyết việc dân nên khá vất vả, rất may em được cha mẹ cho nhà rồi nên yên tâm công tác…”.
Trao đổi với nguyên Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Trương Văn Non - người được xem là “đạo diễn” của chương trình, ông bày tỏ: Nguyên nhân khiến các công chức trẻ bỏ việc là do chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ chưa tương xứng. Ngoài ra, cơ chế sử dụng, phân công cán bộ còn chưa rõ ràng; chính quyền địa phương chưa có cơ chế đánh giá chuẩn xác năng lực, khả năng cống hiến của từng người, vẫn còn đánh giá cán bộ theo cảm tính, chung chung, thậm chí nhiều nơi nhìn nhận công chức trẻ còn chưa đúng mức; môi trường làm việc có nơi chưa tốt; việc tổ chức bộ máy chính quyền còn mang nặng tình trạng “xếp hàng đồng tiến” theo quy hoạch đào tạo cứng nhắc đã được định sẵn nên công chức trẻ ít có cơ hội thăng tiến. Đó là chưa kể đến cơ chế chính sách ở cả tầm vi mô và vĩ mô đều có những lỗi bất cập khiến công tác cán bộ gặp nhiều khó khăn.
Minh Ngọc