Hàng triệu người ở châu Phi và châu Á có thể đối mặt với tình trạng đói kém khi giá lương thực tăng hơn gấp đôi vào năm 2050 do thay đổi khí hậu làm gia tăng thiên tai.
Theo các chuyên gia thực phẩm tại 2 cuộc hội thảo lớn diễn ra ở Ireland gần đây, vấn đề đảm bảo lương thực cho 9 tỷ người trong năm 2050 sẽ trở nên quá khó khăn. Những rủi ro về an ninh lương thực sẽ đẩy nhiều vùng của châu Phi vào tình trạng đói kém thường xuyên. Nhiệt độ Trái đất tăng sẽ có tác động mạnh mẽ đến việc tiếp cận thực phẩm cơ bản, gây hậu quả thảm khốc cho người nghèo.
Báo Guardian dẫn lời ông Frank Rijsberman, người đứng đầu 15 tổ chức toàn cầu chuyên nghiên cứu giúp đỡ người nghèo (CGIAR), cho rằng sản xuất lương thực sẽ phải tăng lên 60% vào năm 2050 mới bắt kịp với sự gia tăng dân số toàn cầu nhưng thiên tai gia tăng làm cho mục tiêu này càng trở nên xa vời. Kinh tế nông nghiệp của Mỹ sẽ có nhiều thay đổi lớn trong 3 thập niên tới, khi nhiệt độ nóng lên tàn phá cây trồng, theo một báo cáo của Chính phủ Mỹ. Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia Mỹ dự báo rằng khí hậu thay đổi và thời tiết khắc nghiệt không thể đoán trước, chẳng hạn như hạn hán năm 2012 trải dài trên 2/3 của lục địa Mỹ, sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho nông dân.
Theo các nghiên cứu của 60 nhà khoa học dự báo tất cả các loại cây trồng sẽ bị ảnh hưởng do sự thay đổi nhiệt độ, kế đó là ngành chăn nuôi và thu hoạch trái cây. Biến đổi khí hậu còn dẫn đến tình trạng sâu bệnh hoành hành và thuốc trừ sâu trở nên kém hiệu quả. Dự báo ngành công nghiệp rượu vang California trị giá 50 tỷ USD có thể giảm đến 70% vào năm 2050. Dự báo và phơi bày những hậu quả nghiêm trọng cho các ngành công nghiệp và nông nghiệp của Mỹ với tổng doanh thu 300 tỷ USD trong vòng 25 năm tới.
Ông Jerry Hatfield, Giám đốc phòng thí nghiệm quốc gia của Chính phủ Mỹ, người đứng đầu bản dự báo trên, cho biết biến đổi khí hậu đã khiến cho thời tiết khắc nghiệt thêm. Đêm rất nóng, ít ngày mát mẻ và các đợt nóng, bão và lũ lụt dày đặc tàn phá mùa màng và sẽ có tác động “ngày càng tiêu cực”. Báo cáo trong năm 2010 cho biết các yếu tố khí hậu làm sụt giảm 33% sản lượng lúa mì ở Nga, giảm 19% tại Ukraine, giảm 14% ở Canada và giảm 9% ở Australia.
Một nghiên cứu do Chính phủ Mỹ tài trợ cho biết tại vùng hạ lưu sông Mê Công, trong đó bao gồm Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Lào, nhiệt độ trong năm 2050 có thể tăng lên gấp đôi so với dự kiến trước đó, hủy hoại nguồn cung cấp thức ăn đối với 100 triệu người sống ở đó. Ông Jeremy Carew-Reid, một trong các tác giả nhóm nghiên cứu, nói: “Chúng tôi thấy rằng khu vực này sẽ trải qua một giai đoạn khí hậu khắc nghiệt với nhiệt độ và lượng mưa vượt quá mọi dự báo”.
Ertharin Cousin, Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới của LHQ, cho biết chúng ta đang bước vào một giai đoạn đầy rủi ro do biến đổi khí hậu làm giảm cơ hội cung cấp lương thực cho dân số toàn cầu, đẩy người nghèo vào nguy cơ đói, đặc biệt là những người sống trong các vùng thường xuyên chịu thiên tai. Chúng ta phải hành động nhanh chóng để bảo vệ người nghèo nhất trên thế giới trước khi quá muộn.
KHÁNH MINH